Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về quyết tâm xử lý các tội phạm tham nhũng đã nhấn mạnh rằng, “có trốn ra nước ngoài cũng bị bắt về hoặc xử vắng mặt“. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết vừa qua đã “bắt một loạt vụ tưởng như không làm được” và sẽ tiến hành hàng loạt mà nếu như “kể tên từng vụ khối anh sợ“.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Vài năm trở lại đây, những vụ án tham nhũng lớn với số tiền gây thất thoát tài sản của Nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng, dính líu đến hàng trăm cán bộ cấp cao trong các bộ ngành chủ chốt. Cá biệt còn có chủ tịch, bí thư của nhiều thành phố lớn nhất cả nước đã bị phát hiện, phô bày trước công luận một hiện thực vô cùng đáng lo ngại.
Người dân đi từ ngạc nhiên đến chai lì cảm xúc với các vụ khởi tố tham nhũng ngày một quy mô, thủ đoạn tinh vi và chức vụ các bị can càng lúc càng cao hơn. Nếu quan tâm kỹ một chút, chúng ta sẽ dễ nhận ra tội phạm tham nhũng thời gian gần đây nở rộ trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; lĩnh vực y tế, giáo dục…
Các vụ án dạng này như Việt Á, “Chuyến bay giải cứu”… cho thấy các quan chức tham nhũng đã bẻ cong rất nhiều quy định, quy chế của pháp luật, bằng nhiều hình thức tinh vi, và luôn có rất nhiều cấp dưới giúp sức đắc lực.
Nhìn từ góc độ nguyên nhân, ta có thể thấy chống tham nhũng phải bắt nguồn từ gốc, nếu muốn hiệu quả. Phải xác định được các yếu tố chính yếu nhất, cơ bản nhất để loại bỏ, đó là: cơ chế xin-cho; hệ thống chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ, nhất quán; công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của nhà nước còn lỏng lẻo, yếu kém, chưa thường xuyên; chế tài không đủ sức răn đe…
Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất là chất lượng cán bộ. Chính sự thiếu trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức của các cán bộ quản lý đã khiến cho lỗ hổng để tham nhũng càng lớn.
Có những bị can, làm đến bộ trưởng, thứ trưởng, nắm rõ pháp luật, thậm chí từng dạy luật, nhưng vẫn phạm pháp rất nhiều lần, và lôi kéo cấp dưới cùng phạm pháp trong thời gian dài.
Chính vì thế, theo Tổng Bí thư, nếu không quyết tâm chống cho được tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, suy thoái cán bộ thì đến lúc nào đó coi chừng ảnh hưởng tới chế độ. Do đó phải giữ được phẩm chất, tư cách, đạo đức, lối sống trong sạch và giữ cho được kỷ luật, kỷ cương.
Tổng Bí thư cũng nhắc lại việc Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ nào có sai phạm tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng sẽ được miễn giảm, xử nhẹ hơn và điều này rất nhân văn.
“Không phải xử nặng mới là tốt, không phải cách hết chức vụ mới là tốt” – Tổng Bí thư nói và đề cập lại việc 3 ủy viên trung ương tự giác xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương sau khi bị kỷ luật. Nếu cán bộ nào ngoan cố phải xử và hiện nay đang làm một số vụ.
“Đây là cuộc đấu tranh nội bộ trong chính chúng ta, trong mỗi con người. Do vậy phải làm kiên trì, làm bền bỉ, phương pháp đúng, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, chứ không phải cốt xử nặng. Chúng ta khuyến khích ai đã trót “nhúng chàm’ rồi thì rửa tay đi” – Đây là một thông điệp rất đáng để suy ngẫm.
Hạ Băng
Nguồn: Cánh cò