Bên cạnh một số thông tin đáng chú ý về thảm họa động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), lũ lụt ở Pakistan và biến động giá khí đốt châu Âu, trong tuần qua (5-11/9), tâm điểm dư luận thế giới đổ dồn về nước Anh với những sự kiện để lại nhiều cung bậc cảm xúc, từ sự tiếc thương tiễn biệt Nữ hoàng Elizabeth II cho đến việc được chào đón Nhà vua và Thủ tướng mới.
Những sự kiện để lại nhiều cảm xúc từ nước Anh
Nhà Vua Anh Charles III trong bài phát biểu đầu tiên được truyền hình trên cả nước và trong khối Thịnh Vượng chung, tại London, ngày 9/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
*Ngày 10/9, Vua Charles III đã chính thức được tấn phong ngôi vị tại buổi lễ diễn ra ở Cung điện St James, thủ đô London của Anh, trở thành người kế vị ngai vàng sau khi thân mẫu của ông là Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, để lại sự tiếc thương đối với người dân Anh và cộng đồng thế giới.
Phát biểu trước Hội đồng Tấn phong, Vua Charles III nhấn mạnh ông “nhận thức sâu sắc sự kế thừa to lớn cùng những bổn phận và trách nhiệm nặng nề” mà ông sẽ đảm trách khi kế vị ngai vàng và ông sẽ cố gắng noi theo “tấm gương truyền cảm hứng” của thân mẫu trong việc duy trì chính phủ hợp hiến, tìm kiếm hòa bình, đem lại thịnh vượng cho mọi người dân ở Vương quốc Anh cũng như Khối thịnh vượng chung và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Trước đó, ngày 9/9, trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, Vua Charles III đã bày tỏ lòng kính trọng mẫu thân và khẳng định sẽ noi gương bà để tiếp tục cống hiến.
Trong bài phát biểu, Vua Charles III cũng phong tước hiệu Hoàng tử xứ Wales cho con trai cả của ông là Hoàng tử William, 40 tuổi. Phu nhân của Hoàng tử William trở thành Công nương xứ Wales.
Cho đến nay, các thông tin ban đầu cho thấy Vương quốc Anh sẽ tổ chức một tang lễ Hoàng gia ở quy mô lớn chưa từng có cho Nữ hoàng Elizabeth II, vị quân chủ có thời gian trị vì 70 năm, lâu nhất trong lịch sử Anh quốc và có lẽ cũng là vị quân chủ Anh được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
*Chiều 6/9, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã chính thức trở thành tân Thủ tướng Anh sau khi yết kiến Nữ hoàng Elizabeth II.
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss có bài phát biểu đầu tiên tại số 10 phố Downing, ngày 6/9. (Ảnh: Xinhua)
Như vậy, bà Truss trở thành Thủ tướng thứ 4 của đảng Bảo thủ kể từ cuộc bầu cử năm 2015 và là nữ Thủ tướng thứ 3 trong lịch sử nước Anh, tiếp nối sự nghiệp của những nữ Thủ tướng tiền nhiệm là bà Margaret Thatcher và Theresa May. Sau khi trở thành chủ nhân mới của số 10 phố Downing, bà Truss sẽ đối mặt với các nhiệm vụ trước mắt là giải quyết cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ngày càng trầm trọng và tháo gỡ những “nút thắt” trong thỏa thuận Brexit về vấn đề Bắc Ireland để có thể dung hòa mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).
Thông tin bà Liz Truss được bầu chọn làm Thủ tướng Anh ngay lập tức đã nhận được những phản hồi tích cực từ các chính trị gia trong nước và lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, những thách thức phía trước đã dự báo về một “chặng đường không trải hoa hồng” đang chờ đón vị nữ Thủ tướng.
Giá khí đốt châu Âu tăng bùng nổ
Ảnh minh hoạ: Reuters.
Giá khí đốt tại châu Âu tăng tới 40% sau khi vừa mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai (5/9), trong bối cảnh Nga khoá van vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), làm dấy lên nỗi lo sợ mới về sự thiếu hụt khí đốt và khả năng các nước trong Liên minh châu Âu (EU) phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông này.
Trên sàn TTF ở Hà Lan, giá khí đốt giao tháng 10 vào thời điểm hơn 16h chiều theo giờ Việt Nam đứng ở mức gần 280 Euro/megawatt giờ, từ mức khoảng 200 megawatt giờ đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tuần trước, tương đương mức tăng 40%. Giá khí đốt giao sau tại sàn này là giá tham chiếu của thị trường khí đốt châu Âu.
Là một trong những đường ống cung cấp khí đốt chính của Nga cho châu Âu, việc Dòng chảy phương Bắc 1 khóa van vô thời hạn làm dấy lên mối lo ngại mới về tình trạng thiếu hụt khí đốt, và có thể buộc các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) phải áp dụng phân bổ khí đốt theo hạn mức trong mùa đông tới.
Giá nhiên liệu tăng vọt trong năm nay đã khiến người tiêu dùng châu Âu gặp khó khăn do chi phí tăng cao, đồng thời buộc một số ngành công nghiệp phải tạm dừng sản xuất.
Châu Âu đã cáo buộc Nga “vũ khí hóa” nguồn cung cấp năng lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moskva. Về phía Điện Kremlin đã bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời cho rằng phương Tây đã phát động 1 cuộc chiến tranh kinh tế và các lệnh trừng phạt đã cản trở hoạt động của các đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Thiên tai gây thiệt hại nặng nề tại một số nước trên thế giới
Một tuyến đường bị sạt lở sau trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, ngày 6/9/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
* Bảy trận động đất với độ lớn hơn 2,8 độ richter đã tấn công Tứ Xuyên, Trung Quốc trong vòng một giờ đồng hồ ngày 5/9. Trong đó lớn nhất là trận động đất có độ lớn 6,8 độ richter xảy ra trưa 5/9. Theo số liệu thống kê mới nhất, động đất đã làm mất điện và hư hại nhiều tòa nhà, khiến 82 trường hợp thiệt mạng, 35 trường hợp mất tích, 270 người bị thương.
Cục Địa chấn Tứ Xuyên đã kích hoạt ứng phó khẩn cấp cấp độ II, mức cao thứ hai trong hệ thống ứng phó khẩn cấp động đất bốn cấp của Trung Quốc. Các chuyên gia lưu ý rằng khó có khả năng sớm xảy ra một trận động đất lớn hơn ở khu vực động đất ban đầu và các dư chấn sẽ tiếp tục xảy ra trong một thời gian.
Một số thị trấn tại tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc chịu thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở do lở đất, trong khi đường dây viễn thông bị cắt đứt tại một số khu vực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi dốc toàn lực tiến hành các nỗ lực cứu trợ nhằm ưu tiên cứu người và giảm thiểu thương vong sau trận động đất. Bên cạnh đó Chính phủ Trung Quốc đã trích 50 triệu NDT (7,25 triệu USD) từ các quỹ khắc phục thảm họa thiên nhiên quốc gia để hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn sau trận động đất.
* Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 9/9 đã kêu gọi quốc tế hỗ trợ sâu rộng cho Pakistan nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á khắc phục hậu quả lũ lụt, trong khi Islamabad đưa ra chi phí thiệt hại liên quan vào khoảng 30 tỷ USD.
Lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng ở Pakistan. (Video: The Guardian)
“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính quy mô lớn cho Pakistan, vì theo ước tính ban đầu, thiệt hại vào khoảng 30 tỷ USD”, ông Guterres phát biểu trong một cuộc họp báo chung ở thủ đô Islamabad, sau cuộc gặp với Thủ tướng Shehbaz Sharif trong chuyến thăm diễn ra trong hai ngày.
Thủ tướng Sharif cho biết “Pakistan cần một nguồn tài trợ vô hạn” cho hoạt động cứu trợ, đồng thời nói thêm rằng đất nước “sẽ còn gặp khó khăn chừng nào không nhận được đủ hỗ trợ quốc tế”.
Trong nhiều ngày qua, mưa kỷ lục và sông băng tan ở các vùng núi phía bắc Pakistan đã gây ra lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, cầu cống, vật nuôi, hoa màu, và khiến hơn 1.400 người thiệt mạng. Lũ lụt khiến 1/3 diện tích lãnh thổ Pakistan bị nhấn chìm trong nước, khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa và cuộc sống của gần 33 triệu người bị gián đoạn.
Các nước tham gia IPEF nhất trí khởi động đàm phán chính thức
Ảnh minh họa. AFP/TTXVN
Ngày 9/9, Bộ trưởng 14 nước tham gia đàm phán Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán chính thức về 1 trật tự kinh tế dựa trên các quy tắc trong khu vực tăng trưởng năng động.
Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán IPEF nhấn mạnh các bên sẽ tìm những cách tiếp cận mới và sáng tạo đối với các chính sách thương mại và công nghiệp, giúp thực hiện một loạt mục tiêu kinh tế, tạo động lực cho các hoạt động kinh tế và mang lại các dự án đầu tư.
Các cuộc đàm phán về IPEF tập trung vào 4 trụ cột chính là thương mại công bằng, sự bền vững của chuỗi cung ứng, năng lượng sạch với việc phi carbon hóa cũng như chế độ thuế hợp lý và chống tham nhũng.
Tuyên bố chung cho biết, 13 nước tham gia thảo luận về tất cả 4 trụ cột trong khi Ấn Độ không tham gia thảo luận về trụ cột thương mại.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đánh giá đây là kết quả ấn tượng, phản ánh sự đồng thuận và cam kết của các bên tham gia đàm phán. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói rõ các nước tham gia đàm phán mong muốn thúc đẩy các sáng kiến tập trung vào an ninh kinh tế, bao gồm cả năng lượng.
Theo Bộ trưởng Thương mại Raimondo, Hội nghị bộ trưởng các nước tham gia đàm phán IPEF lần thứ 2 sẽ diễn ra vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, bà từ chối bình luận về việc liệu có thể đạt được một thỏa thuận vào thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2023 do Mỹ tổ chức hay không./.
PV (tổng hợp)