25 năm trôi qua, sự ra đi của Công nương Diana vẫn là nỗi ám ảnh với những người ở lại. Tuần qua, những người yêu mến bà lại được dịp cùng nhau tưởng nhớ và tri ân về những di sản vĩ đại mà “Bông hồng nước Anh” để lại cho đời. Bên cạnh đó, các diễn biến xung quanh tình hình dịch bệnh hay vấn đề hợp tác hạt nhân… là một trong số các sự kiện thế giới nổi bật trong tuần (29/8 – 4/9).
Thế giới kỷ niệm 25 năm ngày Công nương Diana qua đời
Người dân đặt hoa tưởng nhớ Công nước Diana tại Paris. (Nguồn: AP)
Ngày 31/8, gia đình, bạn bè và người hâm mộ tại Anh và nhiều nơi trên khắp thế giới đã tưởng nhớ Công nương Diana và di sản của bà để lại sau 25 năm sau ngày Công nương xứ Wales qua đời (31/8/1997).
Tại London, nhiều người dân Anh đã tập trung bên ngoài Cung điện Kensington – nhà cũ của Công nương Diana, đặt biểu ngữ, ảnh và hoa để vinh danh bà, trong khi nhà của gia đình bà ở Althorp, Northampton, đã treo cờ rủ để tưởng nhớ Công nương xứ Wales.
Tại Paris, nơi Công nương Diana, 36 tuổi, và bạn trai bà Dodi Fayed, 42 tuổi, thiệt mạng trong vụ tai nạn xe xảy ra ở đường hầm Pont de l’Alma, người hâm mộ Hoàng gia Anh từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều du khách Anh, Mỹ và Pháp, đã dành buổi sáng 31/8 để tưởng nhớ Công nương xứ Wales.
Khu vực ngay phía trên hiện trường vụ tai nạn giờ đây được đổi tên thành Quảng trường Diana, thường xuyên ngập tràn hoa, thông điệp và những lời tưởng nhớ dành cho vợ cũ của Thái tử Charles và mẹ của các Hoàng tử William và Harry.
Là một trong những người đặt hoa tại Cung điện Kensington, bà Tessy Ojo, Giám đốc điều hành giải thưởng The Diana Award – được thành lập để thúc đẩy niềm tin của Công nương vào sức mạnh thay đổi thế giới của những người trẻ tuổi, cho biết khả năng kết nối với mọi người bằng sự tử tế và lòng trắc ẩn chính là một trong những di sản quan trọng nhất của công nương Diana.
Công nương Diana là một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất trên thế giới. Bà luôn ủng hộ các hoạt động nhân đạo, bao gồm tổ chức từ thiện cho trẻ em và rà phá bom mìn.
WHO kêu gọi châu Âu có chiến lược khẩn cấp đối phó dịch bệnh
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Mới đây, Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi khu vực này đưa ra những chiến lược và công cụ khẩn cấp để kiểm soát và đẩy lùi các dịch bệnh như COVID-19, đậu mùa khỉ và bại liệt.
Trả lời họp báo ngày 30/8, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO – Hans Kluge đã đưa ra đánh giá về từng loại dịch bệnh đang hoành hành tại châu Âu cũng như trên toàn cầu.
Đối với COVID-19, trong khi mùa Thu – Đông đang đến gần, WHO dự đoán số ca bệnh sẽ gia tăng ở châu Âu, trong khi dịch cúm mùa có thể bùng phát hoặc không.
Theo ông Kluge, chiến lược đối phó với COVID-19 mùa Thu – Đông mới đây của châu Âu đã đề ra những biện pháp các quốc gia cần thực hiện kiểm soát cả dịch bệnh do SARS-CoV-2 và các virus đường hô hấp khác. Ông cũng kêu gọi các quốc gia sử dụng vaccine cúm cùng với vaccine COVID-19 nếu có thể.
Theo số liệu của WHO, chỉ trong tuần trước, châu Âu đã có 3.000 người tử vong do COVID-19 và chiếm khoảng 1/3 số ca tử vong toàn cầu. Trong khi đó, châu Âu hiện cũng đã ghi nhận 22.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 43 quốc gia, chiếm 1/3 tổng số ca toàn cầu. Tuy nhiên, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO tin rằng châu Âu có thể chặn đứng chuỗi lây nhiễm bệnh đậu mùa ở khỉ từ người sang người “nếu quyết tâm và dành các nguồn lực cần thiết cho mục tiêu đó.”
Theo ông, các ổ bùng phát ở Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và các quốc gia khác có thể đang chậm lại nhưng châu Âu phải khẩn trương đẩy mạnh nỗ lực chống dịch.
Nga, Mỹ thảo luận khả năng đàm phán gia hạn hiệp ước New START
Tên lửa liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Yars RS-24 của Nga.
(Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 31/8, hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga và Mỹ đang thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc họp của ủy ban tham vấn song phương về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START, hay còn gọi là START 3).
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay đã xuất hiện những “tín hiệu” về khả năng nối lại đàm phán về việc gia hạn hiệp ước New START. Tuy nhiên, ông Peskov lưu ý vẫn chưa có tiến bộ đáng kể nào trong vấn đề này.
Ngày 1/9, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chỉ khi nào các cuộc thanh sát các địa điểm vũ khí hạt nhân của hai nước được nối lại, Washingtin mới có thể đàm phán với Moskva về hiệp ước thay thế New START giữa hai nước nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược.
Một phát ngôn viên tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng tuyên bố: “Bước đầu tiên là nối lại các cuộc thanh sát theo Hiệp ước New START hiện có và chúng tôi đang cố gắng làm việc với người Nga để đạt được mục tiêu đó”.
Tháng 3/2020, Mỹ và Nga đã nhất trí ngừng các hoạt động thanh sát các địa điểm vũ khí hạt nhân chiến lược của nhau do đại dịch COVID-19. Các cuộc đàm phán vào năm ngoái về nối lại hoạt động thanh tra này đã không đạt được kết quả.
Nga và Mỹ ký New START năm 2010. Tháng 2/2021, hai bên đã gia hạn hiệp ước này đến ngày 5/2/2026, tức là kéo dài thêm 5 năm.
Đầu tháng này, Điện Kremlin đã thông báo với Mỹ rằng thời gian đàm phán một hiệp ước thay thế New START đang dần hết và nếu hiệp ước này hết hiệu lực năm 2026 mà không có hiệp ước thay thế, an ninh toàn cầu sẽ suy yếu.
Cựu Tổng thống Sri Lanka G.Rajapaksa về nước
Cựu Tổng thống Sri Lanka G.Rajapaksa. (Ảnh: Reuters)
Một quan chức Sri Lanka xác nhận cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ngày 2/9 đã trở về nước, 7 tuần sau khi rời khỏi đất nước do người biểu tình bày tỏ sự bất bình trước cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước tới nay tại đảo quốc Nam Á.
Ông Rajapaksa đã được một nhóm Bộ trưởng và chính trị gia tặng hoa khi ông đáp xuống sân bay quốc tế chính của Sri Lanka. Cũng theo quan chức trên, cựu lãnh đạo 73 tuổi đã trở về từ thủ đô Bangkok của Thái Lan sau khi quá cảnh tại Singapore.
Ông Rajapaksa, 73 tuổi, trở về Sri Lanka sau 52 ngày sống lưu vong từ khi tháo chạy khỏi đất nước do các cuộc biểu tình ngày 13/7. Ông Rajapaksa sau đó gửi đơn từ chức và được Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka chấp thuận.
Cựu Tổng thống Rajapaksa trở thành tâm điểm chỉ trích của những người biểu tình Sri Lanka. Họ cho rằng ông phạm hàng loạt sai lầm dẫn tới suy thoái kinh tế, lạm phát tăng vọt và kho dự trữ ngoại tệ cạn kiệt. Sau khi ông từ chức, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã được bầu làm người kế nhiệm ông.
G7 lên kế hoạch áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga
Hệ thống đường ống dẫn khí của Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)
Ngày 2/9, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tuyên bố sẽ lên kế hoạch áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.
Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính G7 nêu rõ các bên cam kết khẩn trương hợp tác nhằm hoàn tất và tiến hành biện pháp này.
Các nước G7 đang hướng tới việc thiết lập một liên minh rộng lớn nhằm tối ưu hóa hiệu quả của biện pháp, đồng thời hối thúc tất cả các nước định nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga cam kết áp dụng mức giá này hoặc thấp hơn.
Mức giá trần ban đầu sẽ dựa trên các tiêu chí kỹ thuật và sẽ thường xuyên được điều chỉnh khi cần thiết. Tuy nhiên, tuyên bố không tiết lộ mức giá cụ thể là bao nhiêu.
Theo tuyên bố, G7 đặt mục tiêu triển khai biện pháp này theo cùng lộ trình với các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã hoan nghênh kế hoạch trên của G7, đồng thời kêu gọi nhanh chóng triển khai biện pháp này nhằm giúp hạ nhiệt giá năng lượng và lạm phát. Cùng chung quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng việc áp giá trần sẽ giúp giảm áp lực đối với giá năng lượng toàn cầu.
Trước đó, Điện Kremlin khẳng định Nga sẽ ngừng bán dầu cho những nước áp giá trần đối với tài nguyên năng lượng của Nga, biện pháp mà Moskva cho là sẽ gây bất ổn lớn đến thị trường dầu mỏ toàn cầu./.
PV (tổng hợp)