Sau nhiền lần hăm he, dùng dằng, đe dọa qua lại từ cuộc chiến thương mại phát khởi bởi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuối cùng Chủ tịch Hạ viện Mỹ – Nancy Pelosi đã chốt hạ đến thăm Đài Loan. Điều đó có nghĩa là một cuộc chiến mới dù công khai hay âm thầm cũng sẽ diễn ra.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) gặp gỡ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sáng 3/8.
Sau cuộc chiến quân sự Nga-Ukraine, Mỹ càng bị đe dọa mất đi ngôi vị bá chủ. Đặc biệt, chuyến thăm Ả Rập Xê Út mới đây của Tổng thống Joe Biden đã giáng cho Mỹ một “cái tát” rất nặng nề. Khái niệm “đổi an ninh để lấy dầu mỏ” đã xa vời khi Ả Rập Xê Út thẳng thắn từ chối đề nghị gia tăng sản lượng dầu thô từ phía Mỹ. Bởi đơn giản giờ đây, thị trường Trung Đông đã có thêm sự xuất hiện của hai ông lớn Nga và Trung Quốc.
Và cũng chính cuộc chiến quân sự Nga-Ukraine đã minh chứng cho thế giới thấy rõ một trật tự mới đang được hình thành. Trong đó một trung tâm chính trị mới do Nga và Trung Quốc đã được lập nên. Vì thế Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định mạnh mẽ, những thay đổi thực sự mang tính cách mạng và to lớn hiện nay sẽ dẫn đến việc tạo ra một trật tự thế giới mới.
Từng lớp, từng lớp đe dọa đã khiến Mỹ không còn bình chân để đe dọa và cảnh báo nữa. Không còn nhạy cảm nào hơn khi ngay sau khi Trung Quốc kỉ niệm 95 năm ngày thành lập Quân đội với tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình thì hôm sau, bà Nancy Pelosi có chuyến thăm với Chính phủ bà Thái Anh Văn. Đáp trả những lời đe dọa từ tên lửa siêu thanh như một phần của “sự chuẩn bị cho chiến đấu trong thực tế” mà Trung Quốc đã chuẩn bị. Đó là việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan trong 25 năm, kể từ sau chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich năm 1997.
Trung Quốc phẫn nộ, lớn giọng tuyên bố: “Nếu các bạn đùa với lửa, các bạn sẽ bị bỏng. Quân đội Trung Quốc sẽ không ngồi yên và sẽ thực hiện các biện pháp đối phó kiên quyết và mạnh mẽ”. Và cuối cùng sau những lời đe dọa mạnh mẽ của Bắc Kinh thì bà Chủ tịch Hạ Viện vẫn bình yên đáp xuống Đài Loan. Nếu để ý kĩ thì buổi tiếp đón bà Pelosi khi hạ cánh sau nhiều vòng bay lượn trên bầu trời diễn ra sơ sài ảm đạm, thiếu ánh sáng và dường như không có một sự hân hoan nào. Và điều đó đặt ra câu hỏi, Trung Quốc có thật sự tức giận như cách họ đang thể hiện và Đài Loan có thật sự vui mừng, hồ gởi khi có một lãnh đạo cấp cao Mỹ đến thăm sau 25 năm.
Với lịch sử phát triển của Đài Loan cùng những hành động muốn thống nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình thì chuyến thăm này tính ra người có lợi nhất vẫn là Trung Quốc. Tuy nhiên những hành động tiếp theo của Trung Quốc vẫn còn phải đợi miếng bánh mà Mỹ mang đến Đài Loan như thế nào? Nhưng rõ ràng một điều rằng nếu có cuộc chiến quân sự như Nga – Ukraine xảy ra thì không một ai được lợi. Bởi cứ nhìn cuộc chiến ở Nga Ukraine khiến giá xăng dầu nhảy múa, Việt Nam chạy theo và kìm hãm muốn đứt hơi là đủ hiểu.
Vậy nên ngay sau khi chuyến thăm sóng gió xảy ra, Việt Nam lập tức lên tiếng kêu gọi: “Các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển”. Từng câu từng chữ đều phải suy xét cẩn trọng theo đúng đường lối ngoại giao mà chúng ta đang theo đuổi. Không ai mong muốn chiến tranh và chính xác chiến tranh cũng chỉ là sự bất lực của ngôn từ. Chính vì vậy, cần có một cái nhìn toàn cảnh và ứng xử phù hợp. Việc hô hào, kích động đòi đánh bắn nhau giữa Mỹ, Trung Quốc, không khiến Việt Nam vô can trong bất cứ trận chiến nào!
Công Luân
Nguồn: Cánh cò