Monday, November 25, 2024

Kiểm soát văn hóa phẩm thời kỳ công nghệ số: Vấn đề cấp bách

Trong thời kỳ công nghệ số phát triển hiện nay, việc phổ biến các sản phẩm văn học nghệ thuật trên môi trường mạng dễ dàng và nhiều cách thức hơn. Song cũng chính vì vậy việc kiểm soát các sản phẩm văn hóa có nội dung độc hại, không phù hợp trở nên khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi cần được quan tâm đúng mức nhằm thiết thực bảo vệ quyền tự do cho người sáng tạo chân chính và bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa lành mạnh của cộng đồng.

Kiểm soát văn hóa phẩm thời kỳ công nghệ số: Vấn đề cấp bách

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu về việc bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.

Trước khi Luật Điện ảnh sửa đổi được thông qua vào ngày 15/6 vừa qua, dư luận nói chung, đặc biệt là các nhà quản lý văn hóa rất quan tâm vấn đề tiền kiểm, hậu kiểm với dòng phim chiếu mạng. Việc tiền kiểm các bộ phim trước khi chúng được phát hành tới công chúng theo cách thức truyền thống luôn cần thiết nhưng nếu chỉ như vậy sẽ khó mà kiểm soát hết các nội dung phim.

Mỗi ngày có hàng nghìn sản phẩm phim ảnh được cập nhật trên các trang mạng, các nền tảng công nghệ đòi hỏi phải có cách thức “kiểm duyệt” nhanh chóng, phù hợp hơn để vừa bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất phim, quyền được hưởng thụ của công chúng, vừa khích lệ, động viên nghệ sĩ sáng tạo, nhưng đồng thời cũng không bỏ lọt các sản phẩm có nội dung độc hại làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa nói chung.

Những quy định mới nhất về phổ biến phim trên không gian mạng trong Luật Điện ảnh sửa đổi 2022 đã giải quyết được cơ bản những bất cập trong các quy định cũ không còn phù hợp, theo kịp với sự phát triển khách quan của đời sống. Theo đó, công tác tiền kiểm và hậu kiểm đều được áp dụng, tùy theo từng dòng phim, thể loại phim. Với các phim phát hành trong hệ thống rạp chiếu và các địa điểm chiếu phim công cộng thì các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài đều phải xin cấp giấy phép phân loại phim.

Các phim phổ biến trên hệ thống truyền hình phải có quyết định phát sóng của các cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình. Việc hậu kiểm sẽ áp dụng với các phim phổ biến trên không gian mạng, nghĩa là nhà sản xuất, phát hành phải có trách nhiệm phân loại phim theo độ tuổi người xem, hiển thị cảnh báo và tuân thủ các quy định của Luật Điện ảnh. Cũng theo quy định, nhà cung cấp phải thông báo kết quả phân loại phim và danh sách phim sẽ phổ biến trên không gian mạng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Như vậy với các quy định cụ thể trong Luật Điện ảnh sửa đổi 2022, vấn đề tiền kiểm, hậu kiểm phim đã minh bạch, theo đó các cơ quan quản lý có một hành lang pháp lý với những quy định cụ thể, rõ ràng làm cơ sở để xử lý những sai phạm nếu xảy ra. Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực khác, việc tiền kiểm, hậu kiểm vẫn còn đang bề bộn, lúng túng, chủ yếu ở các sản phẩm phát hành trên mạng.

Chẳng hạn trong âm nhạc, tình trạng thả nổi với các sản phẩm phổ biến trên mạng vẫn đáng lo ngại. Việc kiểm duyệt các tác phẩm âm nhạc, các chương trình biểu diễn theo cách thức tiền kiểm như từ trước đến nay vẫn làm mới chỉ “khoanh vùng” được một phần nhỏ. Sự sôi động của đời sống âm nhạc trên mạng mới chỉ được kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý theo kiểu sự vụ, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế khách quan.

Trong lĩnh vực văn học, dù không sôi động như điện ảnh và âm nhạc, nhưng cũng đang tiềm ẩn những bất cập tương tự. Không những thế, việc phổ biến các tác phẩm văn học trên mạng còn dễ dàng hơn cả phát hành một bộ phim, một tác phẩm âm nhạc, bởi đặc thù văn học là chữ viết, người sáng tạo không phải quá công phu các khâu kỹ thuật. Tác giả gần như không phải chịu áp lực gì về sự kiểm duyệt. Sau khi một tác phẩm được viết xong, việc phổ biến có thể diễn ra ngay lập tức, thậm chí tác giả có thể vừa viết vừa tương tác với bạn đọc.

Nếu tác phẩm phổ biến theo cách truyền thống có thể chỉ giới hạn trong số lượng bản in từ vài trăm đến vài nghìn cuốn, thì số lượng người đọc trên mạng xã hội là không giới hạn. Tính nhanh chóng này giúp cho người viết có thể gặp bạn đọc của mình một cách sớm nhất, có thể bổ sung, chỉnh lý theo yêu cầu, góp ý của độc giả, nhưng mặt trái của nó là những nội dung đưa lên mạng nếu chứa yếu tố tiêu cực sẽ có những hệ lụy khó lường.

Dù chúng ta đã có Luật Xuất bản nhưng những quy định liên quan đến phổ biến xuất bản phẩm trên mạng vẫn còn lạc hậu, chưa cập nhật, bám sát sự phát triển của đời sống khách quan. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh… vấn đề phổ biến các tác phẩm trên mạng chưa quá nhiều nhưng cũng đã có những thí dụ cho thấy việc thả nổi vấn đề kiểm duyệt gây hậu quả tiêu cực khiến dư luận bức xúc.

Những bất cập đang diễn ra trong đời sống văn học nghệ thuật thời gian qua đã bộc lộ nhiều mặt trái đòi hỏi cần một sự đổi mới toàn diện trong việc thẩm định, kiểm định các tác phẩm văn học nghệ thuật, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng loại hình trong giai đoạn hiện nay. Đã đến lúc cần phải có những quy định cụ thể, khoa học, bảo đảm công bằng với các môi trường phổ biến khác nhau, từ môi trường phổ biến truyền thống đến môi trường mạng. Việc tiền kiểm, hậu kiểm sẽ tùy vào đặc trưng của mỗi lĩnh vực để áp dụng sao cho bảo đảm sự chặt chẽ, phù hợp. Biện pháp tiền kiểm phù hợp với những sản phẩm phổ biến trong môi trường truyền thống, nhưng lại khó có thể áp dụng trên môi trường mạng.

Công nghệ số càng phát triển càng nhìn rõ những bất cập trong quản lý nội dung tác phẩm văn học nghệ thuật trên môi trường mạng, nhưng ngay cả trong môi trường phổ biến truyền thống, nơi mà phần lớn tác phẩm đều được tiền kiểm trước khi đưa đến công chúng vẫn để lọt những sai sót. Vẫn có những tác phẩm văn học mang nội dung không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam được cấp phép xuất bản, cho đến khi dư luận phát hiện ra mới bị thu hồi.

Trong điện ảnh, chúng ta chưa quên vụ phim “Điệp vụ biển Đỏ” được cấp phép chiếu rạp nhưng lại bỏ lọt chi tiết liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam và phải dừng phát hành. Phim truyền hình “Quỳnh búp bê”, “Người phán xử tiền truyện” dù được tiền kiểm vẫn có những cảnh nóng, bạo lực và khi dư luận lên tiếng phải dừng phát sóng để chỉnh sửa. Triển lãm “Bí mật cơ thể người” ở Thành phố Hồ Chí Minh có nội dung bị cho là phản cảm, không phù hợp với tâm lý người xem,…

Mỗi năm có hàng nghìn nội dung không phù hợp được xóa bỏ, nhưng thường không kịp thời ngay lập tức, và quan trọng là không có chế tài đủ mạnh để xử phạt những người liên quan, dẫn đến việc các nội dung tương tự vẫn được phổ biến vô tư cho đến khi bị yêu cầu thì gỡ xuống. Trong khoảng thời gian đó, các nội dung phản cảm có thể đã được hàng triệu lượt người xem, gây ra những hậu quả khó có thể đong đếm. Khoảng trống này cần được các cơ quan quản lý quan tâm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả càng sớm càng tốt.

Về phía các đơn vị, cơ quan chức năng quản lý văn hóa nghệ thuật, cần trang bị thêm kiến thức để trong quá trình thực thi vấn đề tiền kiểm, hậu kiểm cho các cán bộ, nhân viên thực thi để vừa bảo đảm sự nghiêm túc nhưng cũng không làm triệt tiêu cảm hứng của người sáng tạo. Kiểm duyệt không có nghĩa là cấm đoán gắt gao, mà còn giúp nâng cao chất lượng, làm “bà đỡ” để các tác phẩm văn học nghệ thuật được phổ biến trở nên có giá trị, tác động tích cực vào đời sống, làm trong sạch môi trường văn hóa.

Bên cạnh đó cần nhanh chóng có các giải pháp hiệu quả giúp nâng cao nhận thức cho người sáng tác và người hưởng thụ. Khi người sáng tác xác định rõ việc dù trong môi trường phổ biến truyền thống hay môi trường mạng, một tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị đều phải hướng đến những giá trị cao đẹp, nhân văn, tạo ra cảm xúc tích cực cho công chúng thì sẽ không còn mải mê chạy theo những xu hướng nhất thời nhằm kiếm view, câu like. Tương tự, chỉ có việc nâng cao nhận thức của người hưởng thụ mới giúp công chúng một bản lĩnh, hiểu biết là “vắc-xin” chống lại các vi-rút độc hại rất cần thiết, có khả năng tự chọn lọc những gì là hay, bổ ích.

Công tác kiểm duyệt sản phẩm văn học nghệ thuật hiện nay đang đối diện nhiều thách thức. Do vậy, rất cần đến một chiến lược mang tính tổng thể, có tính cấp bách bởi nếu chậm trễ sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường đến thẩm mỹ của công chúng, nhất là thế hệ trẻ, những người đang có xu hướng ngày một tiêu dùng nhiều hơn các sản phẩm văn hóa từ mạng internet.

———————————

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 9/8/2022.

VŨ QUỲNH (Nhân dân)

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG