Một quan chức phụ trách mạng lưới điện và khí đốt của Đức cho biết, các nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên trong nước hiện không đủ để giúp quốc gia này “sống sót qua mùa đông sắp tới” nếu không mua thêm nhiên liệu từ Nga.
Ông Klaus Muller, Chủ tịch Cơ quan mạng lưới liên bang (GFNA) chuyên trách điều hành các hệ thống năng lượng quốc gia Đức đã đưa ra cảnh báo trên trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Bild am Sonntag.
Theo ông Klaus Muller, dù các kho dự trữ khí đốt của Đức hiện đạt gần 65% công suất tối đa và đã được cải thiện hơn so với những tuần trước, nhưng số lượng đó vẫn không đủ dùng cho nước Đức qua mùa đông năm nay nếu không được mua bổ sung từ Nga. Quan chức này nói thêm, tình hình hiện chủ yếu phụ thuộc vào việc liệu hoạt động bảo trì tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 có hoàn tất đúng dự kiến vào ngày 21/7 tới hay không.
Đến nay chưa thể khẳng định liệu Nga có ngừng cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sau khi hoàn tất công tác bảo trì hay không. Trong trường hợp xấu nhất là Nga ngừng cung cấp khí đốt, một số kịch bản có thể xảy ra, trong đó có kịch bản Đức rơi vào tình trạng khẩn cấp về khí đốt. Điều đó có thể dẫn đến biến động kinh tế lớn, vì lục địa này không thể thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga bằng các nhà cung cấp khác, đặc biệt là với mức giá hiện tại của Nga. Đến lúc đó, sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng có thể khiến sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine sẽ sụp đổ.
Tuy nhiên theo ông, người dân Đức không cần hoảng sợ vì các hộ gia đình sẽ tiếp tục được cung cấp khí đốt trong khoảng thời gian lâu hơn nhiều so với các ngành công nghiệp. Hơn thế nữa, Đức đang không phải đối mặt với bất kỳ viễn cảnh nào hoàn toàn không có khí đốt. Ngay cả khi Nga cắt toàn bộ nguồn cung, những nước khác như Na Uy, Hà Lan và Bỉ vẫn sẽ bán nhiên liệu hóa thạch cho Đức. Trong tương lai, các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng của chính quốc gia này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt.
Từ lâu, khí đốt của Nga đóng vai trò quan trọng đối với sự vận hành của nền kinh tế Đức, cũng như giúp giữ ấm cho phần lớn các ngôi nhà của nước này. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, dòng khí đốt chảy qua đường ống đã giảm và chỉ còn khoảng 40% so với mức thông thường. Các kế hoạch dự phòng đang nhanh chóng được vạch ra trên khắp nước Đức, khi chính phủ Berlin lo ngại rằng Moscow có thể tận dụng cơ hội này để sử dụng khí đốt làm “đòn bẩy” đối phó phương Tây và cắt đứt nguồn cung vĩnh viễn. Thời điểm hiện tại, Đức đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, bao gồm cả việc xây dựng các cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Bất chấp nguy cơ thiếu khí đốt trong thời gian tới, đa số người dân Đức được hỏi vẫn phản đối việc sử dụng công nghệ fracking gây tranh cãi để sản xuất khí đốt. Công nghệ này hiện bị cấm trên toàn nước Đức, song nhiều ý kiến kêu gọi xem xét sử dụng phương pháp này giữa bối cảnh khủng hoảng về năng lượng hiện nay.
Theo kết quả khảo sát, có 55% số ý kiến cho rằng Đức nên tiếp tục cấm sử dụng công nghệ fracking, trong khi 34% số ý kiến ủng hộ. Số người ủng hộ đảng Xanh và đảng Cánh tả chiếm phần lớn trong các ý kiến phản đối công nghệ fracking, trái với quan điểm của phần lớn người ủng hộ đảng Dân chủ tự do (FDP).
Vào cuối tuần trước, Quốc hội Đức cũng dọn đường cho việc tạm thời sử dụng thêm các nhà máy điện than để sản xuất điện, bất chấp lượng carbon thải ra. Song, họ bác bỏ đề xuất của nhóm nghị sỹ liên đảng bảo thủ CDU/CSU kéo dài thời gian vận hành của nhà máy điện hạt nhân. Điều này khiến cho quá trình cắt giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga nhìn chung rất phức tạp và chậm chạp.
Trước mắt, mục tiêu ngắn hạn của Đức là cố gắng bổ sung nguồn dự trữ trong các cơ sở tích trữ khí đốt cho tới mùa đông. Thông tin mới đây nhất, do Cơ quan Mạng Liên bang Đức công bố vào hôm 8/7, các cơ sở tích trữ hiện ở mức 63% công suất. Theo Đạo luật tích trữ khí đốt, các cơ sở này phải được lấp đầy 80% vào ngày 1/10 và lên tới 90% vào ngày 1/11. Mục tiêu dài hạn là giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt bằng cách tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo, đồng thời xác định lại các lĩnh vực có tầm quan trọng sống còn đối với an ninh quốc gia.
Trung bình hàng năm, ngành công nghiệp và các hộ gia đình của Đức tiêu thụ khoảng 2/3 nguồn cung cấp khí đốt của đất nước. Giới chức Đức đã kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng. Trong nửa đầu năm 2022, lượng tiêu thụ khí đốt ở Đức đã giảm 14%. Các nhà hoạch định chính sách đang lên kế hoạch để xác định đối tượng sẽ được ưu tiên tiếp cận với khí đốt trong trường hợp cắt giảm. Bệnh viện và các dịch vụ khẩn cấp đứng đầu danh sách, trong khi các hộ gia đình được xếp trên hầu hết mối bận tâm về công nghiệp.
Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương, trong trường hợp chính quyền tiếp tục đối mặt với thách thức chi phí năng lượng tăng cao, kế hoạch dự phòng sẽ được bổ sung, bao gồm đóng cửa bể bơi, tắt đèn đường và đèn giao thông, đồng thời nhóm người dân sống trong cùng các khu tập thể quy mô công nghiệp. Giữa lúc đó, nhu cầu về các thiết bị sưởi không cần sử dụng gas, bao gồm máy sưởi bằng điện, tia hồng ngoại hay thậm chí cả bếp cắm trại, đang ở mức cao chưa từng có.
Trong bối cảnh hiện tại, rất có thể Đức sẽ phải trải qua một mùa đông vô cùng “lạnh giá” vì chính trừng phạt của mình áp lên Nga.
Lan Hoa
Theo: Cánh cò