Monday, November 25, 2024

Người nổi tiếng và trách nhiệm trên mặt trận phòng, chống suy thoái, Bài 3: Chiến sĩ trên mặt trận mới

Cách đây hơn 70 năm, vào ngày 5-1-1952, trong bối cảnh toàn dân tộc đang thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã gửi thư cho các họa sĩ, nhắn gửi đến toàn thể văn nghệ sĩ, người nổi tiếng (NNT).

Người căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Bảy thập kỷ trôi qua, lịch sử trải qua bao biến cố thăng trầm, soi rọi vào mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, lời dạy của Người vẫn nóng hổi tính thời sự…

Không bàng quan, đứng ngoài cuộc

Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực có số lượng NNT nhiều nhất. Chỉ tính riêng các loại hình nghệ thuật, đến nay đã có hơn 450 người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bên cạnh đó là số lượng đông đảo Nghệ sĩ Ưu tú.

Giới văn nghệ sĩ, nhất là những NNT hoạt động trong môi trường nghệ thuật biểu diễn, là lực lượng có ảnh hưởng xã hội rất rộng rãi. Đây cũng chính là môi trường nhạy cảm, văn nghệ sĩ dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi các trào lưu, xu hướng nghệ thuật của các nền văn hóa trên thế giới.

Người nổi tiếng và trách nhiệm trên mặt trận phòng, chống suy thoái, Bài 3: Chiến sĩ trên mặt trận mới

Ảnh minh họa: qdnd.vn

Trong bối cảnh hội nhập, giao thoa văn hóa, các thế lực thù địch, lực lượng chống phá đất nước luôn tìm mọi cách tác động, lôi kéo NNT bằng những phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Kể từ khi đất nước đổi mới (năm 1986), đặc biệt, trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, đã có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sa chân vào con đường lầm lỗi, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Khi tài năng đang vào độ chín, là những ngôi sao sáng trên màn ảnh, sân khấu, là thần tượng của đông đảo giới trẻ, họ trở thành mục tiêu tấn công, lôi kéo của các thế lực thù địch. Vì non kém bản lĩnh, nhận thức hạn chế, lại bị vầng hào quang ảo do các thế lực dựng lên mê hoặc, những nghệ sĩ này đã dao động, ngả nghiêng, trở thành công cụ cho các thế lực thù địch lợi dụng phát ngôn, xuyên tạc lịch sử, đi ngược lại lý tưởng của Đảng và nhân dân ta. Những biểu hiện ấy chính là sự suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận NNT.

Với chính sách nhân đạo, nhân văn và chủ trương hòa hợp dân tộc, Đảng, Nhà nước ta đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để những nghệ sĩ, trong đó có nhiều NNT ở hải ngoại trở về quê hương hoạt động nghệ thuật. Ngay cả những người từng mắc sai lầm, sau khi ăn năn, hối cải, cũng được đất nước, quê hương dang rộng vòng tay chào đón trở về.

Thị trường giải trí, môi trường biểu diễn nghệ thuật trong nước, vì thế có thêm nhiều sắc màu, phong cách đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh đại đa số nghệ sĩ về nước tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật trong nghệ thuật biểu diễn, vẫn có một số gương mặt thiếu tự giác, thiếu chuẩn mực, công khai vi phạm các quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Đáng nói là, các thành phần cực đoan chính trị, phản động, thế lực thù địch lại bám vào những hành vi sai trái của một số nghệ sĩ để chỉ trích cơ quan chức năng các cấp, xuyên tạc, bôi nhọ đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước. Kiểu tạo cớ để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền kích động, chống phá Đảng, Nhà nước từ môi trường lao động nghề nghiệp của NNT, nhất là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, là thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch.

Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn, làm trong sạch nội bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, việc đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một mặt trận.

Đó là cuộc đấu tranh ý thức hệ đầy cam go, phức tạp. Văn nghệ sĩ, NNT là những chiến sĩ trên mặt trận mới, đầy quyết liệt, khó khăn, thử thách. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ vẻ vang, lâu dài, quyết liệt, nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, truyền thống ngàn đời của tiên tổ, ông cha. NNT cần thấy rõ trách nhiệm, bổn phận của mình, không bàng quan, không đứng ngoài cuộc. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021,

Đảng ta đã xác định: Chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Đảng ta chủ trương đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa; đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật…

Quan điểm này là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong tình hình mới; là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn học, nghệ thuật và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn mới.

Củng cố, lan tỏa hệ giá trị của người nổi tiếng

Có thể nói, chưa bao giờ đất nước ta có một đội ngũ NNT đông đảo trên các lĩnh vực đời sống xã hội như hiện nay. Trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta đang có một đội ngũ chiến sĩ hùng hậu. Đại đa số NNT đều được trang bị kiến thức lý luận chính trị, tham gia sinh hoạt, lao động sáng tạo trong các tổ chức chính trị-xã hội.

Lực lượng đông đảo, nền tảng vững vàng, vấn đề cần làm là xốc lại tinh thần, thống nhất nhận thức và hành động để mỗi NNT thực sự là một chiến sĩ, chiến đấu cho sự trường tồn của dân tộc, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Sinh thời, Bác Hồ đã căn dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp”.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra chủ trương, phương châm, sách lược của cuộc đấu tranh này là lấy xây để chống, xây kết hợp với chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Trên hết và trước hết, đội ngũ NNT phải xốc lại tinh thần bằng rèn luyện đạo đức cách mạng, biểu hiện cao nhất là lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Càng nổi tiếng càng phải khiêm tốn, hòa mình với quần chúng, tự giác học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp… như lời dạy của Bác.

Những yêu cầu, đòi hỏi nêu trên đối với NNT không phải là những quan điểm bây giờ mới đặt ra, mà nó được xây dựng ngay trong cương lĩnh từ ngày Đảng ra đời, được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội, tương ứng với những giai đoạn lịch sử.

Ngày nay, trước sự chống phá quyết liệt, toàn diện của các thế lực thù địch, vấn đề này được đặt ra với những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn, phù hợp với tình hình thực tế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này, đó là: Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.

Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần… Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực… Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập này có vai trò của đội ngũ NNT.

Những biểu hiện lệch chuẩn, lệch hướng trong lao động sáng tạo và hành vi ứng xử của một bộ phận NNT đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa xã hội. Dù chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục, nhưng những hạn chế, bất cập, nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ NNT vẫn chưa được ngăn chặn hữu hiệu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội…”.

Muốn đấu tranh có hiệu quả, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch thì phải có những đột phá, bắt đầu từ công tác giáo dục, bồi dưỡng, củng cố các hệ giá trị cho NNT trên nền tảng đạo đức cách mạng, sức mạnh văn hóa, truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa tiến bộ của nhân loại

Đội ngũ NNT trên các lĩnh vực, trước hết là các học giả, trí thức, chuyên gia, văn nghệ sĩ nổi tiếng… cần bày tỏ chính kiến rõ ràng, lan truyền thông điệp, năng lượng tích cực cho đời sống xã hội trên cơ sở các hệ giá trị của sự nổi tiếng. Với vị thế là lực lượng tinh hoa của đất nước, với lợi thế “quyền lực mềm” đặc trưng, hệ giá trị của NNT phải là biểu hiện sinh động của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. 

(còn nữa)

THANH KIM TÙNG (Quân đội nhân dân)

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG