Ngày 7/5, thủ lĩnh tối cao của Taliban đã ra lệnh cho phụ nữ Afghanistan mặc áo trùm kín đầu ở nơi công cộng.
“Phụ nữ nên mặc áo chadori (áo khoác trùm từ đầu đến chân) vì đó là truyền thống và thể hiện sự tôn trọng”, một sắc lệnh do thủ lĩnh Taliban Hibatullah Akhundzada ban hành đã được chính quyền Taliban công bố.
Đây được coi là quy định kiểm soát phụ nữ gắt gao nhất được chính quyền Taliban đưa ra kể từ khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan hồi tháng 8 năm ngoái. Phần lớn phụ nữ Afghanistan đều mang khăn quàng đầu vì lý do tôn giáo, nhưng nhiều người ở các khu vực đô thị như thủ đô Kabul không che mặt khi ra đường.
Khi mới lên nắm quyền, Taliban từng hứa hẹn sẽ đưa ra các quy định mới ôn hòa hơn so với giai đoạn cai trị trước đây. Tổ chức này cũng cam kết về một chính phủ “bao trùm” gồm các đại diện của các thành phần dân tộc Afghanistan, và đảm bảo an ninh cho các nhóm thiểu số ở Afghanistan. Tuy nhiên, một loạt động thái gần đây chính quyền Taliban đang gây ra nhiều lo ngại.
Taliban cũng khẳng định đang cho phụ nữ hưởng các quyền lợi theo luật Hồi giáo và văn hóa Afghanistan. Tuy nhiên, các quy định nghiêm khắc gần đây khiến chính quyền này vẫn nhận về nhiều chỉ trích và hoài nghi.
Chính quyền Taliban hồi tháng 3 gây xôn xao khi cấm phụ nữ đi máy bay mà không có đàn ông đi cùng, đồng thời yêu cầu các công viên mở cửa riêng cho nam và nữ, trong đó ba ngày chỉ dành cho nữ giới và nam giới là 4 ngày. Điều này đồng nghĩa là các đôi vợ chồng và gia đình không được tới công viên cùng nhau.
Taliban cũng phá vỡ cam kết trước đó là mở trường trung học cho nữ sinh, hành động gây sốc với nhiều người dân Afghanistan và bị các cơ quan nhân đạo cùng chính phủ nước ngoài chỉ trích.
Trước đó, Taliban đã cho phép trẻ em gái đến trường, nhưng đột ngột thay đổi quyết định vào ngày 23/3. Giới chức Taliban cho biết nguyên nhân đóng cửa trường học là thiếu giáo viên nữ, vấn đề về cơ sở vật chất, sự chậm trễ trong chấp thuận các loại đồng phục thích hợp, cũng như “các yêu cầu về văn hóa và tôn giáo”.
Điều này vấp phải sự lên án rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Ngân hàng Thế giới đã đình chỉ các dự án trị giá 600 triệu USD nhằm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và những lĩnh vực khác.
Mỹ cũng hủy bỏ đàm phán ở Doha, Qatar nhằm giải quyết vấn đề kinh tế của Afghanistan.
Chỉ khi Taliban chấp nhận đảm bảo quyền con người – bao gồm phụ nữ, trẻ em gái và người thiểu số – và dừng hỗ trợ các tổ chức khủng bố quốc tế, việc thiết lập quan hệ ngoại giao hay viện trợ trực tiếp mới được tính đến.
Giới chuyên gia về Afghanistan nhận định các động thái trên đến từ các quyết định mang tính ý thức hệ của giới lãnh đạo Taliban.
Phạm Hùng
Theo: Cánh cò