Mỹ và các đồng minh phương Tây phải rất bí mật vận chuyển các lô vũ khí thiết bị quân sự hỗ trợ cho Ukraine, do đây là hoạt động đầy phức tạp và rủi ro vì nguy cơ bị Nga phát hiện.
Theo The Conversation, kể từ tháng 11/2021, Mỹ đã cung cấp 3 lô hàng viện trợ quân sự cho Ukraine, lấy hàng từ kho dự trữ tại các căn cứ trên khắp châu Âu chuyển đến cho Kiev.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí, từ súng trường và áo giáp đến tên lửa Stinger có khả năng bắn hạ trực thăng hoặc máy bay chiến đấu, cũng như tên lửa chống tăng Javelin.
Nhưng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, công việc chuyển hàng hóa quân sự này không còn dễ dàng vì xung đột xảy ra ở khắp mọi nơi.
Làm thế nào để vũ khí từ các kho chứa của Mỹ ở các căn cứ quân sự của nước này tại châu Âu đến tay các binh sĩ Ukraine? Những bước nào liên quan đến hậu cần vận chuyển để các thiết bị quân sự từ châu Âu vào được khu vực tác chiến?
The Conversation dẫn lời các chuyên gia nói rằng, chuỗi cung ứng dân sự và quân sự là giống nhau. Trong bối cảnh chiến sự hiện nay, tốc độ giao hàng là điều quan trọng với Ukraine.
Theo các nguồn tin, các vũ khí và thiết bị vào Ukraine được chuyển nhanh chóng để đề phòng tình báo Nga xác định hoặc dự đoán các tuyến đường tiềm năng. Nếu việc bảo mật và an ninh không được đảm bảo, nguy cơ bị phát hiện và sự gián đoạn việc vận chuyển là rất cao.
Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo việc các nước phương Tây chuyển vũ khí cho Ukraine để đối phó chiến dịch quân sự của Moscow là “sai lầm lớn”.
“Điều này sẽ kéo dài xung đột, tăng con số thương vong và sẽ không tác động đến kết quả của chiến dịch. Mục tiêu thực sự của các chuyến viện trợ như vậy không phải để hỗ trợ Ukraine, mà là để kéo nước này vào cuộc xung đột quân sự kéo dài “cho đến khi còn lại người Ukraine cuối cùng””, Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga Sergei Rudskoy tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 25/3.
Theo ông Rudskoy, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, các nước phương Tây đã vận chuyển hơn 100 đơn vị pháo, gần 900 hệ thống tên lửa phòng không cơ động và 3.800 vũ khí chống tăng cho Kiev.
Những thiết bị vũ khí quân sự mà Ukraine cần hiện có trong kho ở các căn cứ của Mỹ trên khắp châu Âu. Sau khi hàng được chuyển ra khỏi kho sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không, xe tải hoặc đường sắt trên “chặng đầu” đến địa điểm nào đó trong lãnh thổ một quốc gia NATO giáp với phía tây hoặc tây nam Ukraine, bao gồm Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania.
Các hoạt động chuyển hàng trong chặng đầu này phải bí mật để tránh nguy cơ bị phía Nga phát hiện và dự đoán được điểm đến.
Trong thuật ngữ quân sự, điểm đến đầu tiên này được gọi là “khu vực lưu trữ” (khu vực quân đội tập hợp để chuẩn bị một công việc mới). Để đảm bảo an ninh cho kho vũ khí, khu vực lưu trữ có thể sẽ là một kho vũ khí hoặc cơ sở nằm trong căn cứ của NATO trước khi vận chuyển vào Ukraine. Và điều quan trọng hơn nữa là các nhà lãnh đạo Mỹ, NATO và Ukraine cần phải quyết định xem chỉ sử dụng một hay nhiều khu vực lưu trữ.
Nếu chỉ sử dụng một khu vực lưu trữ thì không quá khó khăn bởi dễ lập kế hoạch và thực hiện. Tuy nhiên, điều đó có thể gây ra nhiều rủi ro như Nga dễ dàng phát hiện và dễ dàng tấn công. Trong khi đó, nếu sử dụng nhiều khu vực lưu trữ, việc lập kế hoạch và thực hiện sẽ phức tạp hơn.
Sau khi quyết định xong về khu vực lưu trữ, bên hỗ trợ cần lập kế hoạch điều phối chuyển giao thiết bị vũ khí cho quân đội Ukraine. Đó là lúc Ukraine sẽ nhận trách nhiệm vận chuyển các thiết bị từ vùng lãnh thổ một quốc gia NATO đến các khu vực tiếp theo ở trong nước họ. Và trong chặng này là yêu cầu bảo mật tuyệt đối hơn nữa.
Trong tình hình chiến sự hiện nay, Ukraine không thể vận chuyển nguồn hàng bằng đường hàng không và kết quả là phải sử dụng các đoàn xe trên bộ để đi từ biên giới phía Tây đến địa điểm tiếp theo trong chuỗi cung ứng.
Kiev cũng không thể triển khai đoàn xe quy mô lớn để vận chuyển hàng vì nguy cơ bị máy bay trực thăng tấn công hoặc máy bay chiến đấu của Nga phát hiện. Thay vào đó, vũ khí và thiết bị được chia thành các lô hàng nhỏ hơn và vận chuyển theo nhiều đoàn.
Vì không thể sử dụng các vũ khí khí tài như máy bay trực thăng để bảo vệ các đoàn xe do ưu thế trên không của Nga, Ukraine phải đảm bảo an toàn cho các đoàn xe vận chuyển bằng cách bố trí thêm tên lửa đất đối không như loại Stinger mà Mỹ đang cung cấp dọc các tuyến đường xe đi qua.
Ukraine cũng bố trí những đơn vị có thể dọn đường cho đoàn xe khi gặp bất kỳ chướng ngại vật nào như xe quân sự bị cháy hoặc xe tăng bị phá hủy.
Và trong chặng cuối, thông thường các khu vực tập kết cuối cùng là nằm trong các thành phố lớn. “Chặng cuối” trong khu vực chiến đấu nguy hiểm hơn nhiều vì tình hình chiến sự đang diễn ra căng thẳng.
Do đó, các đơn vị hậu cần di chuyển quãng đường cuối cùng cũng cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Khi đoàn xe đến nơi, các lô hàng được chia nhỏ để dễ phân phối cho lực lượng đang chiến đấu trên chiến trường.
Minh Tú
Theo: Cánh cò