Nga liên tiếp công bố “chiến tích” tấn công quân đội Ukraine bằng các tên lửa siêu thanh Kinzhal. Chiến sự ở thành phố Mariupol vẫn giằng co quyết liệt.
Nga “khoe sức mạnh” tên lửa siêu thanh Kinzhal
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 27 (22/03/2022), với những diễn biến mới rất phức tạp.
Trong bản tin cập nhật mới nhất vào lúc 17h30 ngày 21/03/2022, thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga tập trung vào việc cáo buộc phía Ukraine đang sử dụng các khu dân cư như một “lá chắn con người”, để bố trí các tổ hợp pháo binh bắn vào quân đội Nga.
Cụ thể, ở quận Vinogradar, ngoại ô Kiev, Nga cáo buộc phía Ukraine bố trí các hệ thống phóng tên lửa trong khu dân cư. Một khu trung tâm mua sắm bị bỏ không đã được sử dụng để lưu trữ và nạp đạn tên lửa.
Tình báo Nga, thông qua các kênh khác nhau, đã xác định chính xác vị trí kho đạn tên lửa, có cả băng video ghi hình lính Ukraine nạp đạn ở trung tâm thương mại.
Vì vậy, vào đêm 21/03/2022, phía Nga đã phát động tấn công tên lửa phá hủy hoàn toàn các giàn phóng tên lửa và đạn pháo dự trữ của Ukraine ở trung tâm thương mại này. Phía Nga khẳng định có đầy đủ bằng chứng về việc này.
Ngoài ra, phía Nga cũng tuyên bố đang sử dụng rộng rãi các tên lửa siêu thanh Kinzhal để phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự Ukraine.
Nhiều kho vũ khí hàng không và kho tên lửa Tochka-U của Ukraine nằm ở làng Delyatyn, vùng Ivano-Frankivsk, cũng như kho nhiên liệu lớn ở làng Konstantinovka, vùng Mykolaiv nằm sâu dưới lòng đất đã bị tên lửa Kinzhal phá hủy.
Thiếu tướng Igor Konashenkov tuyên bố: Tên lửa Kinzhal được phóng từ khoảng cách hơn 1.000km, và thời gian bay chưa đầy 10 phút.
Do có tốc độ siêu thanh và động năng cực cao, tên lửa Kinzhal có thể phá hủy các kho vũ khí nằm sâu dưới lòng đất ở Ukraine. Các kho này vốn được xây dựng từ thời Liên Xô để dự trữ vũ khí.
Việc phá hủy một kho nhiên liệu lớn ở làng Konstantinovka bằng tên lửa siêu thanh Kinzhal là do nó có khả năng tàng hình, và bất khả xâm phạm trước bất kỳ phương tiện phòng không của đối phương.
Việc sử dụng chiến đấu của hệ thống tên lửa hàng không Kinzhal đã khẳng định tính hiệu quả của nó trong việc tiêu diệt các mục tiêu đặc biệt được bảo vệ cao của đối phương.
Phía Nga tuyên bố các cuộc tấn công của hệ thống tên lửa hàng không Kinzhal vào các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ được tiếp tục.
Thiếu tướng Konashenkov cũng nhấn mạnh tên lửa Kinzhal được sử dụng chỉ trang bị đầu đạn thông thường.
“Vì vậy, tôi không khuyến nghị bất cứ ai hiểu sai về năng lực thực sự và tính chuyên nghiệp của Lực lượng vũ trang Nga” – Thiếu tướng Konashenkov nói.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, phía Nga tuyên bố đã phá hủy 216 máy bay không người lái, 180 hệ thống tên lửa phòng không, 1.506 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 152 bệ phóng tên lửa, 592 pháo dã chiến và súng cối, cũng như 1.284 chiếc xe quân sự đặc chủng của Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine công bố số liệu đến ngày 21/03/2022, tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến 15.000 quân Nga, phá hủy 498 xe tăng, 1.535 phương tiện chiến đấu bọc thép, 240 khẩu pháo, 80 giàn pháo phản lực phóng loạt, 45 hệ thống phòng không, 97 máy bay và 121 trực thăng, 969 xe quân sự đặc chủng, 3 tàu nhỏ, 60 téc nhiên liệu, 24 UAV chiến thuật, và 13 trang bị quân sự đặc chủng của Nga.
Về tình hình chiến sự trên hướng bắc: Giao tranh diễn ra quyết liệt ở thủ đô Kiev.
Tình hình thành phố Chernihiv và Sumy không thay đổi, vẫn nằm dưới sự phong tỏa của quân đội Nga.
Về tình hình chiến sự trên hướng đông: Các lực lượng vũ trang Nga đã tiến thêm 4km trong đêm, và hoàn toàn kiểm soát khu định cư Sladkoe. Tàn binh của tiểu đoàn dân tộc chủ nghĩa “Donbass” của Ukraine đang bị phía Nga truy quét.
Trong khi đó, quân đội DPR cũng đang tiếp tục truy quét tàn quân của Lữ đoàn cơ giới 53 Ukraine, phát triển dần theo hướng Novomikhailovka. Chỉ trong một đêm, phía DPR tuyên bố diệt 50 lính địch, phá hủy 3 xe tăng, 4 xe chiến đấu bộ binh, 4 xe việt dã, và 2 khẩu pháo.
Ngoài ra, các đơn vị DPR đang tiếp tục giao chiến với Lữ đoàn dù 25 Ukraine, và đã đánh chiếm được làng Verkhnetoretskoye.
Về tình hình chiến sự trên hướng nam: Giao tranh vẫn diễn ra quyết liệt ở nội thành Mariupol. Phía Nga và DPR vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn thành phố.
Thành phố Mikolaiv bị bao vây, phong tỏa, nhưng chưa có tấn công bằng bộ binh. Odessa vẫn bị hải quân Nga uy hiếp.
Tổng thống Ukraine nêu điều kiện thảo luận với Nga
Về tình hình đàm phán giữa các bên: Vòng đàm phán thứ tư giữa Nga và Ukraine vẫn đang diễn ra.
Ngày 21/03, trong một cuộc phỏng vấn với các kênh truyền hình của Ukraine và châu Âu, Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky nêu điều kiện để sẵn sàng thảo luận với Nga.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh: “Đây là một tình huống hết sức khó khăn đối với mọi người, đối với Crimea, Donbass… Để tìm ra lối thoát, bạn phải thực hiện bước đi đầu tiên mà tôi đã đề cập: đảm bảo an ninh, kết thúc chiến tranh”.
Theo Tổng thống Ukraine, ông sẵn sàng thảo luận những vấn đề liên quan Bán đảo Crimea và việc công nhận các vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Nhà lãnh đạo trên nói: “Đây là các vấn đề đáng quan tâm và quan trọng đối với chúng tôi”.
Trước đó, ông Zelensky lưu ý, việc nhất trí bất kỳ nhượng bộ nào với Nga trong các cuộc đàm phán cũng sẽ cần được người dân Ukraine bỏ phiếu thông qua trưng cầu ý dân và ông sẵn sàng ủng hộ bất ký thỏa thuận nào mà người dân chấp nhận.
Về phía Nga, ngày 21/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, điều quan trọng không chỉ là chọn địa điểm tổ chức cuộc đàm phán mà các nước có ảnh hưởng tới Kiev cần thuyết phục để Ukraine có tinh thần “hợp tác và mang tính xây dựng hơn”.
Về phản ứng quốc tế: Ngày 21/03, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, Ấn Độ là một “ngoại lệ” trong số các đồng minh của Washington, với phản ứng “yếu ớt” trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, Tổng thống Biden nói, đã có “một mặt trận thống nhất” trong liên minh do Washington đứng đầu trải khắp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác châu Á tại Thái Bình Dương trong việc phản ứng với Nga.
Theo ông, điều này thể hiện qua các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ về tài chính, thương mại và công nghệ nhằm vào Moscow.
Trong khi đó, đối với Ấn Độ – một đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Thái Bình Dương – ông Biden chỉ trích nước này khi vẫn tiếp tục mua dầu giảm giá từ Nga, ngay cả khi phương Tây tìm cách cô lập Moscow.
Trong diễn biến khác, Reuters đưa tin, Đại Hội đồng Liên hợp quốc có thể sẽ tiếp tục bỏ phiếu trong tuần này về tình hình xung đột Nga-Ukraine.
Nếu diễn ra, đây sẽ là lần thứ hai Đại hội đồng với 193 thành viên bỏ phiếu về cuộc xung đột tại Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt hôm 24/2.
Động thái này được xem là nỗ lực của Ukraine cùng Mỹ và các đồng minh phương Tây trong việc gia tăng cô lập Nga trên trường quốc tế, sau lần bỏ phiếu đầu tiên hôm 2/3 với 141 nước nhất trí thông qua nghị quyết “lên án hành động” của Moscow đối với Kiev.
Các nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc song cũng có sức nặng chính trị đáng kể.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò