Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, đã có 3 chuyến công tác của Chủ tịch nước và Thủ tướng thu hút được tình cảm và sự quan tâm của dư luận cả nước.
Vị Xuyên những người lính sống bám đá, chết hóa đá
Đầu tiên là chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hà Giang. Theo lịch trình làm việc, sáng 8/12/2021, Chủ tịch nước đã đến dâng hương, dâng hoa viếng anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.
Vị Xuyên là chiến trường ác liệt chống quân Trung Quốc xâm lược, diễn ra trong suốt 10 năm (1979-1989). Nơi đây được ví như “lò vôi thế kỷ” nhưng các chiến sĩ Vị Xuyên không hề nao núng. Những chàng trai mười tám đôi mươi ngày ấy đã bám trụ kiên cường, giữ bằng được từng tấc đất thiêng liêng.
Ở nghĩa trang Vị Xuyên có một bia đá khắc 9 chữ vàng: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Dòng chữ được khắc trên báng súng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh (dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hoà, Yên Lập, Phú Thọ) và đó cũng là lời thề bất tử của thế hệ những người lính đã chiến đấu can trường trên mảnh đất này.
Đến thời điểm đầu năm nay, tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên đã có 1.850 liệt sĩ và một phần mộ liệt sĩ tập thể. Trong đó, có hơn 1.600 liệt sĩ từ khắp các tỉnh trong cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc được quy tập về đây. Trên mảnh đất Hà Giang, vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy. Vì vậy, công tác tu bổ, mở rộng và quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc về nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên vẫn đang được thực hiện…
Pò Hèn tuổi thanh xuân thắm dải đất biên cương
Hơn một tháng sau, ngày 26/1/2022, trong chuyến công tác tại Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hương đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979 tại khu tưởng niệm Pò Hèn (xã Hải Sơn, Móng Cái).
Đây là nơi ghi dấu sự chiến đấu và hy sinh dũng cảm, kiên cường bất khuất của cán bộ, chiến sỹ đồn công an vũ trang 209, cán bộ công nhân nông lâm trường Hải Sơn và nhân viên ngành Thương nghiệp với nhiều câu chuyện cảm động không thể nào quên.
Thượng sĩ cơ yếu Đoàn Tiến Phúc trước lúc hy sinh còn kịp chôn túi tài liệu cơ mật; Đồn phó Đỗ Sĩ Họa khẳng khái đáp lại địch rằng “Quân ta không biết đầu hàng”; Chính trị viên Phạm Ngọc Tảo dù bị thương nặng vẫn bám trụ động viên các chiến sĩ chiến đấu; nữ tự vệ ngành Thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm, nguyên chiến sĩ của Trung đoàn 8, Quân khu 3, cùng người yêu là thượng sĩ Bùi Anh Lượng, đã sát cánh bên nhau chiến đấu cho đến lúc hy sinh.
Tất cả đều được lưu danh trên tấm bia tại khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn hôm nay. 86 cán bộ, chiến sĩ đã cùng nhau chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng để bảo vệ từng tấc đất, chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại đây, Thủ tướng nhắc nhở, mỗi người dân là một chiến sĩ, một cột mốc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước một cách tự giác, trách nhiệm với tất cả tình yêu quê hương, đất nước…
Gạc Ma khúc tráng ca bất tử
Mới đây nhất, ngày 12/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến đi khảo sát thực địa tại huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.
Chuyến đi này của Thủ tướng lập tức thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận trong nước bởi có lẽ đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ đến dâng hương tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Chuyến đi diễn ra khi chỉ còn 2 ngày nữa là tròn 34 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm trái phép đảo đá chìm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ghi sổ vàng lưu niệm, Thủ tướng khẳng định 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng, quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là những tấm gương chói sáng minh chứng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…
Những chuyến dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979, trong trận chiến Gạc Ma 14/3/1988 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các vị lãnh đạo cấp cao khác trong thời gian gần đây mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, đáp ứng được tâm tư, tình cảm của nhân dân về những sự kiện lịch sử.
Không thể lãng quên, không ai được quên những năm tháng bi hùng trong lịch sử chống giặc giữ nước thời hiện đại của dân tộc. Nhắc nhở sự thật lịch sử để chúng ta có thể rút ra những bài học lịch sử quý giá trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo trong hiện tại và tương lai. Ghi nhớ nỗi đau để chúng ta trân quý nền hòa bình, để ký ức về Vị Xuyên, Pò Hèn, Gạc Ma… không bao giờ bị xóa nhòa trong lòng mỗi người con đất Việt.
Tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử là cách tốt nhất để chúng ta giáo dục cho các thế hệ con em mình biết uống nước nhớ nguồn, biết tưởng nhớ và tri ân người đi trước đã ngã xuống vì Tổ quốc, để sống có trách nhiệm hơn và yêu Tổ quốc mình hơn, để tiếp nối truyền thống anh hùng của ông cha, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng và sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò