Người bạn tốt là người luôn chân thật và thẳng thắn, sẵn sàng góp ý với bạn của mình để có thể cải thiện tình hình theo hướng tốt hơn. Người luôn luôn nói tốt cho bạn chưa chắc đã là người thành thật và đáng tin cậy.
Thế nhưng vừa qua, bà Nataliya Zhynkina, Đại biện Lâm thời Ukraine tại Việt Nam dường như đã có những hiểu lầm về phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và lại còn tin tưởng những tiếng nói phá hoại của ông Đoàn Bảo Châu hay tổ chức Việt Tân. Có lẽ, nên có đôi lời để chúng ta, những người dân Việt Nam và Ukraine, cũng như cá nhân bà Zhynkina hiểu rõ hơn quan điểm của Việt Nam.
Xin khẳng định, Việt Nam luôn coi Ukraine là người bạn thân thiết, và nước Nga cũng vậy. Việt Nam trước đây nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô mà Ukraine là một thành viên trong đó, nhiều thế hệ người Việt Nam từng được sang học tập và công tác tại các thành phố Kiev, Kharcop, Odesa. Điều đó Việt Nam không bao giờ quên, và thực tế là cho đến giờ hai nước Việt Nam và Ukraine vẫn giữ quan hệ gần gũi, là đối tác toàn diện với nhau. Việt Nam cũng luôn cố gắng duy trì quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine trong mọi thời điểm, kể cả sau sự cố năm 2014, thời điểm ở Ukraine bắt đầu xảy ra nhiều xáo trộn.
Về cuộc chiến hiện tại, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nói: “Với Ukraine, chúng ta ủng hộ người bạn của mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia. Chúng ta chân thành mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách “ngoại giao pháo hạm” của nước lớn. Chúng ta phản đối bất cứ hình thức nào áp đặt chiến tranh với Ukraine, kêu gọi hòa bình, ổn định cho người dân.” Điều này là hết sức tự nhiên, bởi cũng như Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã phát biểu: “Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác.”
Hãy cùng giải thích về phát biểu tiếp theo của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: “Cần góp ý với các bạn Ukraine về việc để đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn là rất không ổn”.
Trên thực tế, các nước lớn luôn có xung đột gay gắt về quyền lực mà ở đó, họ hành động gần như không giới hạn bất chấp luật pháp quốc tế. Có thể kể đến như các cuộc chiến đơn phương của Mỹ và phương Tây tại Iraq, Afganishtan, Lybia, Syria… Qua các sự kiện đó, cần nhận rõ rằng luật pháp quốc tế có giới hạn, và thứ duy nhất kìm chân được bạo lực, tránh được chiến tranh là phải giữ được chính nghĩa, và đừng biến mình thành mục tiêu xung đột.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng là người giữ cương vị hàng đầu về đối ngoại của Quân đội nhân dân Việt Nam, chính vì vậy ông hiểu rất rõ nguyên do sâu xa của cuộc chiến. Đây thực chất không phải cuộc chiến của riêng nước Nga và Ukraine mà là nước Nga với cả phương Tây. Chắc chắn, bà Zhynkina biết rõ rằng trước khi xảy ra chiến sự hiện tại, nước Nga và Tổng thống Putin luôn đòi hỏi phương Tây và cả Ukraine cam kết bảo đảm nguyên tắc “an ninh công bằng và không chia tách”. Hiến chương Paris về một Châu Âu mới năm 1990 đã tuyên bố rằng: “An ninh là không thể chia cắt và an ninh của mọi quốc gia tham gia liên kết không thể tách rời với an ninh của tất cả các quốc gia khác”.
Đối với nước Nga, “an ninh không thể chia tách” có nghĩa là Nga sẽ tham gia vào quá trình ra quyết định an ninh của châu Âu. Điều đó cũng đồng nghĩa bất kỳ sự mở rộng nào của NATO ảnh hưởng đến “lợi ích an ninh cốt lõi” của Nga đều phải được thực hiện với sự đồng ý của nước này hoặc sẽ có hành động để ngăn chặn các kế hoạch đó thành hiện thực. Thế nhưng, trong khi muốn gia nhập NATO, một tổ chức vốn sinh ra để chống Nga, bản thân Ukraine cũng có cách hiểu “an ninh không thể chia tách” của riêng mình, đó là “quyền tự quyết gia nhập NATO”. Rõ ràng, đây là điểm xung đột quyền lực giữa Nga và phương Tây, điều mà nước Nga khó có thể chấp nhận, và họ đã hành xử theo cái cách của nước lớn khi bị thách thức, tương tự như Mỹ.
Chúng tôi không hề ủng hộ chiến tranh, đúng như lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nói: “Không đồng tình khi chủ quyền, lãnh thổ các nước không được tôn trọng theo luật pháp quốc tế, bất luận là hình thức nào. Việc dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận, chúng ta cũng không đồng tình khi cuộc chiến này sẽ tạo ra các tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế.”
Thế nhưng, để xảy ra cuộc chiến này phải chăng cũng có phần từ các chính sách của Ukraine?
Thứ nhất là chính sách bài Nga, thể hiện qua việc chỉ trong 10 năm (từ 2004-2014) mà đã có 2 lần các Tổng thống thân Nga được bầu hợp pháp bị biểu tình, bạo loạn lật đổ và thay đổi hoàn toàn sau đó bằng một người khác. Hậu quả là nhiều người gốc Nga hoặc có quan hệ gần gũi với nước Nga ở Ukraine bị tổn thương. Khó có thể nói mọi việc bắt đầu như thế nào, nhưng về mặt hình thức thì các vùng lãnh thổ Crimea và Donbass đã bị chính người địa phương vùng lên ly khai khỏi Ukraine, từ đó diễn ra các cuộc nội chiến liên miên và nước Nga có lý do để can thiệp. Thay vì xoa dịu tình hình, ở Ukraine diễn ra chính sách bài trừ người Nga và đẩy mạnh ý định gia nhập NATO, tăng cường vũ khí. Không thể phủ nhận rằng, đó chính là tín hiệu của việc “khi sống cạnh nước lớn mà anh lại định đem sức mạnh quân sự để đối đầu với họ”.
Thứ hai, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nói rằng muốn “góp ý với bạn về việc không nên nghiêng về bên nào”. Việt Nam đã chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, để kiến lập nền hòa bình bền vững cho đất nước. Chúng tôi cũng có kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nhưng vẫn giữ được hòa bình. Nhưng hiện tại chúng tôi có quan hệ đa phương rộng rãi với hầu hết các quốc gia, các tổ chức quốc tế và luôn duy trì chính sách quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Chúng tôi có thừa quyết tâm để bảo vệ Tổ quốc, nhưng chúng tôi muốn luôn giữ được chính nghĩa, và không bao giờ để mình bị kéo vào xung đột.
Hiện nay, bà Zhynkina cũng thấy là Mỹ và châu Âu chỉ giúp đỡ được Ukraine một phần và chủ yếu là về mặt tinh thần, người Ukraine vẫn phải một mình đối mặt với tất cả sự tàn phá của cuộc chiến. Chính vì vậy mà Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nói: “Mỹ và một số quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine trong tình hình hiện nay là sai lầm, và có thể đằng sau nó là một âm mưu sâu xa bởi nó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.”
Ngọn lửa này đã bắt đầu từ năm 2008 khi Mỹ và phương Tây công khai mời gọi Ukraine vào NATO để biến đất nước các bạn thành nơi xung đột giữa họ và Nga. Ông Đoàn Bảo Châu hoàn toàn chẳng hiểu gì về những điều này, và rõ ràng lời “phản biện” của ông ta với phát biểu của tướng Vịnh chẳng khác gì giúp phương Tây “thổi thêm gió vào lửa”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói: “Ngoại giao phải chân thành. Chúng ta cần chân thành, thẳng thắn nêu ý kiến với tất cả bạn bè, đối tác để đóng góp cho hòa bình.”
Việt Nam không quên và luôn coi Ukraine là người bạn thân thiết, nhưng chúng tôi có cách nghĩ và quan điểm của mình. Chúng tôi tin rằng tiếng nói của chúng tôi dù có thể khiến một vài người bạn Ukraine không vui, nhưng chắc chắn có hiệu quả để chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến hiện tại, mang hòa bình trở lại Ukraine.
Xin đừng nghe thêm những tiếng nói phá hoại của những kẻ như Đoàn Bảo Châu, Việt Tân, VOA Tiếng Việt… Bởi vì họ sẽ chẳng làm được điều gì tốt đẹp cho đất nước Ukraine mà chỉ làm cho mọi việc rối thêm mà thôi.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ