Tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Dmitry Rogozin lập tức có phản ứng sau khi Tổng thống Mỹ Biden nói về các lệnh trừng phạt lên chương trình không gian của Nga.
Trước sức ép ngày càng tăng cao của cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ và châu Âu, mới đây, ông Dmitry Rogozin, Tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos), đã đăng tải lên tài khoản Twitter của mình lời đe dọa sẽ “buông tay” để cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) nặng 500 tấn rơi một cách mất kiểm soát xuống trái đất với mục tiêu có thể là “Mỹ, châu Âu, Ấn Độ hoặc Trung Quốc”.
Vai trò của Nga trên ISS
Hiện nay, các tàu vũ trụ chở hàng của Nga quản lý động cơ đẩy trên trạm ISS và giữ nó ổn định ở quỹ đạo cách Trái Đất 407 km. Nếu không có sự điều chỉnh thường xuyên, nó sẽ rơi trở lại Trái Đất và nếu để rơi mất kiểm soát, ISS nặng 500 tấn có thể rơi xuống bất cứ đâu trên hành tinh, bao gồm cả những khu vực đông dân cư, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Khi được hỏi về phản ứng của NASA trước sự bùng nổ của Dmitry Rogozin, trong một tuyên bố, cơ quan vũ trụ Mỹ NASA cho biết họ đang tiếp tục làm việc với tất cả các đối tác quốc tế của mình, bao gồm cả Roscosmos, cho các hoạt động an toàn và liên tục của ISS, Reuters cho biết.
NASA và Roscosmos đã đưa ra tuyên bố trong tuần này nói rằng cả hai cơ quan vẫn đang làm việc hướng tới một thỏa thuận “trao đổi phi hành đoàn”, theo đó các đối thủ không gian thời Chiến tranh Lạnh sẽ chia sẻ miễn phí các chuyến bay tới ISS trên tàu vũ trụ của nhau.
Cho đến nay, 4 phi hành gia Mỹ và 2 phi hành gia Nga (và 1 phi hành gia người Đức) trên Trạm Vũ trụ Quốc tế đã “bị cô lập phần lớn” trước những căng thẳng giữa Ukraine và Nga, các chuyên gia của ISS cho hay.
“Các thành viên của ISS gồm 7 phi hành gia hiện tại (bốn người Mỹ, một người Đức, hai người Nga) vẫn đang tiến hành các hoạt động nghiên cứu một cách an toàn ở quỹ đạo trái đất tầm thấp”, một phát ngôn viên của NASA nói, và cho biết thêm, phi hành gia người Mỹ của NASA Mark Vande Hei vẫn duy trì kế hoạch quay trở về trái đất vào ngày 30/3 bằng tàu vũ trụ Soyuz do Nga điều khiển.
Rick Mastracchio, nguyên là kỹ sư của NASA và từng làm việc trên ISS đã nghỉ hưu kể rằng, những người cùng nhau làm việc trên ISS “được đào tạo cực kỳ bài bản và không bị ảnh hưởng bởi quan điểm chính trị”.
Điều này cũng được xác nhận bởi ông Scott Pace, Giám đốc Viện chính sách không gian thuộc Đại học George Washington (Mỹ) khi ông cho biết, làm việc cùng nhau trên ISS có nghĩa là mỗi phi hành gia, cho dù là thuộc quốc tịch nào, cũng đều đang thực thi nhiệm vụ trong một mối quan hệ hợp tác quốc tế chặt chẽ và mang tính tương hỗ.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng khẳng định là họ sẽ tiếp tục hợp tác với NASA và Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) “bất chấp những mâu thuẫn hiện tại đang xảy ra giữa Nga và Ukraine”, Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher khẳng định.
Một phát ngôn viên của Cơ quan vũ trụ Anh (UKSA) tỏ ra lạc quan khi phát biểu rằng, những gì mà ông quan sát được cho thấy các hoạt động của trạm ISS vẫn đang thực hiện một cách bình thường bất chấp tình hình căng thẳng đang diễn ra dưới mặt đất.
“Có thể nhìn thấy sự sứt mẻ trong quan hệ với Nga dẫn đến những nguy cơ cho trạm ISS; tuy nhiên, chỉ khi nào các mối quan hệ ngoại giao bị thất bại thì tình hình trên này mới đáng quan tâm”, đại diện của UKSA chia sẻ.
Phạm Hùng
Theo: Cánh cò