Chỉ vài ngày sau khi thông báo rút một số lực lượng gần biên giới với Ukraine, ngày 19-2, Nga bắt đầu cuộc tập trận hạt nhân chiến lược có sự tham gia của tên lửa đạn đạo. Cùng ngày, phó tổng thống Mỹ cảnh báo Nga.
Theo Hãng thông tấn RIA của Nga, ngày 19-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh bắt đầu cuộc tập trận hạt nhân chiến lược, trong đó có nội dung phóng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình cùng các tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và Tsirkon.
“Đúng vậy” – người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời khi được phóng viên hỏi có phải cuộc tập trận này đã bắt đầu hay không.
Ông Dmitry Peskov cho biết cuộc tập trận trên là một phần của quá trình huấn luyện thường xuyên. Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko cùng giám sát cuộc tập trận này từ “trung tâm tình huống” ở Điện Kremlin.
Trước đó, Hãng tin Tass cũng tường thuật quân đội Nga sẽ tổ chức cuộc tập trận với sự tham gia của lực lượng răn đe chiến lược vào ngày 19-2 theo chỉ đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận này “đã được lên kế hoạch trước để kiểm tra tình trạng sẵn sàng của các trung tâm chỉ huy quân sự, các đội tác chiến, tàu chiến và máy bay mang tên lửa chiến lược để hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như kiểm tra độ tin cậy về vũ khí của các lực lượng thông thường và hạt nhân chiến lược”.
Cuộc tập trận này có sự tham gia của các lực lượng đến từ Lực lượng Hàng không vũ trụ, Quân khu phía Nam, Lực lượng Tên lửa chiến lược, Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Phương Bắc của Nga.
Theo Hãng tin Reuters, cuộc tập trận trên diễn ra sau một loạt cuộc tập trận của các lực lượng vũ trang Nga trong 4 tháng qua, trong đó có việc triển khai binh sĩ (theo ước tính của phương Tây là từ 150.000 quân trở lên) tới các khu vực gần phía bắc, đông và nam Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận kế hoạch tấn công quân sự Ukraine.
Ngày 19-2, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cảnh báo nếu Nga xâm lược Ukraine, Nga sẽ không chỉ chịu các lệnh trừng phạt kinh tế gây thiệt hại cho Matxcơva mà còn chứng kiến NATO tăng cường lực lượng ở Đông Âu.
Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông đã gửi thư cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề nghị có thêm các cuộc đàm phán để xoa dịu tình hình căng thẳng.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò