Các lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở hiện đông, dù không được đào tạo chính quy nhưng lại đóng vai trò quan trọng ở địa bàn cơ sở, trực tiếp tiếp xúc với dân. Từ 2 năm trước, khi dự luật được Bộ Công an lấy ý kiến xây dựng, nhiều câu hỏi đã được dư luận xoáy mạnh bởi tính chất hoạt động riêng lẻ của lực lượng, khiến nhiều nỗi lo về ngân sách “nuôi” lực lượng phình to.
Điều ai cũng nhìn thấy, lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở góp mặt đầy đủ ở mỗi địa phương, nhưng họ lại đa phần không được đào tạo kỹ năng, không ít trong số đó chưa hiểu đúng về vai trò của mình. Hiện nay lực lượng an ninh cơ sở có: bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách. Mỗi lực lượng được cơ quan quản lý khác nhau, điều đó dễ dẫn đến trách nhiệm và công việc chồng lấn lên nhau. Như lực lượng bảo vệ dân phố và lực lượng công an bán chuyên trách chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy phường, sự giám sát của Hội đồng nhân dân phường, sự quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân phường và sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp công tác của Công an phường; Lực lượng dân phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập, quản lý.
Trên một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau (dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách). Đáng lo hơn có những trường hợp trong lực lượng này tự cho mình cái quyền cao giọng với dân, thậm chí có trường hợp lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, bảo vệ khu phố dừng xe người vi phạm, yêu cầu soát giấy tờ; cũng có những hình ảnh nhiễu nhương đó gây nhiều bức xúc trong nhân dân khi lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở truy đuổi, đạp đổ xe, đánh người điều khiển xe máy khi họ không đội mũ bảo hiểm…
Hơn hai năm dự Luật này đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng sâu từ lãnh đạo chính quyền địa phương các thôn, xã, huyện, đến tỉnh thành. Bây giờ, người dân đã thấy rõ hơn sự đồng bộ, thống nhất trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc cộng gọp quy về một mối cho ba lực lượng trên, số lượng dự kiến hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước khoảng 300.000 người (riêng dân phòng chỉ gồm đội trưởng và đội phó).
Với trung bình hàng tháng, các địa phương chi hỗ trợ cho một chức danh thuộc lực lượng trên khoảng 300.000 đồng từ ngân sách Nhà nước, mỗi tháng ngân sách cần khoảng 450 tỷ đồng để chi trả cho khoảng 1,5 triệu người; mỗi tỉnh cần 7 tỷ đồng để đảm bảo chi trả. Như vậy, nếu dự Luật này được thông qua sẽ giảm 500.000 người (1,5 triệu người thay vì 2 triệu người) thì hàng tháng toàn quốc sẽ cắt giảm được khoảng 150 tỷ đồng từ ngân sách.
Điều đó có nghĩa, việc điều chỉnh theo hướng này sẽ bảo đảm không làm tăng số lượng người hoạt động, không làm tăng chi ngân sách và góp phần kiện toàn, tinh gọn thống nhất một đầu mối; cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Luật quy định rõ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng hỗ trợ thường xuyên hàng tháng; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được trang bị công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận để thực hiện nhiệm vụ.
Quyền lợi đi đôi trách nhiệm, dự Luật nêu rõ, những trường hợp thành viên của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được tín nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật, pháp luật thì cho thôi hoạt động và bổ sung người thay thế. Việc bổ sung, đào tạo kiến thức cho lực lượng này được công an và các cơ quan quản lý của thực hiện, theo kế hoạch cụ thể từng khu vực, điều này sẽ giúp lực lượng phục vụ tốt hơn, cho từng mục tiêu ở từng giai đoạn, khu vực khác nhau.
Thái Thanh
Theo: Hội Cờ đỏ