Saturday, November 23, 2024

Hong Kong cầu cứu Trung Quốc vì sắp thất thủ

Dù số ca mắc Covid-19 gia tăng nhanh chóng, giới chức Hong Kong khẳng định sẽ không phong tỏa toàn đặc khu. Thay vào đó, thành phố tìm kiếm sự trợ giúp của đại lục.

Hôm 13/2, Cơ quan Y tế Hong Kong công bố 3.000 ca mắc Covid-19 trong ngày – cao gấp đôi con số của ngày 12/2, lập mức kỷ lục về số trường hợp nhiễm mới sau mỗi 24 giờ ở đặc khu này.

Trước tình cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khi cơ sở y tế gần ngưỡng quá tải, người đứng đầu Cơ quan An ninh Hong Kong Lý Gia Siêu vẫn khẳng định sẽ không áp đặt lệnh phong tỏa toàn thành phố để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh như nhiều người đã lo ngại.

Thay vào đó, để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế ngày càng nghiêm trọng, thành phố sẽ thành lập 5 lực lượng đặc nhiệm chung với tỉnh Quảng Đông, South China Morning Post đưa tin.

Ông tiết lộ họ sẽ tập trung vào việc tăng cường năng lực xét nghiệm và chẩn đoán bệnh, thành lập cơ sở cách ly và duy trì nguồn cung hàng hóa y tế ổn định cho Hong Kong.

Cầu viện sự hỗ trợ của Trung Quốc

Ông Lý cũng cho biết sẽ giám sát công việc chống dịch cùng với Trung Quốc đại lục. “Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của chính quyền trung ương, đặc biệt là Bí thư tỉnh Quảng Đông Lý Tập”, ông Lee nói.

“Chúng ta là một gia đình, giúp Hong Kong là giúp Quảng Đông”, ông trích lời Bí thư Lý. Quan chức Hong Kong cho biết thêm rằng Bắc Kinh đã đồng ý về nguyên tắc đối với tất cả yêu cầu từ phía đặc khu.

Hong Kong nhờ cậy tỉnh Quảng Đông giúp đối phó dịch bệnh. Ảnh: Bloomberg.

Ông Lý cùng người đứng đầu Cơ quan Y tế Trần Triệu Thủy và Cảnh sát trưởng đặc khu Đặng Bỉnh Cường nằm trong phái đoàn đến thăm Thâm Quyến hôm 11-12/2 để thảo luận về các biện pháp hỗ trợ với giới chức Trung Quốc đại lục, theo Reuters.

Các biện pháp này sẽ mang lại cho Hong Kong “không gian thở” khi năng lực y tế trở nên căng thẳng trên mọi phương diện, mặc dù không có chi tiết cụ thể về kế hoạch.

“Mọi sự hỗ trợ sẽ được cung cấp. Việc xét nghiệm nhanh và hỗ trợ xây dựng các cơ sở cách ly là những điều chúng tôi đã nhất trí”, ông Lý nói với các phóng viên khi trở về từ Thâm Quyến.

Ông Lý cho biết Hong Kong sẽ nhận được hỗ trợ về nhân viên phòng thí nghiệm, giường bệnh, thiết bị bảo hộ. Các quan chức Trung Quốc cũng đã hứa đảm bảo cung cấp rau và đồ tươi sống cho Hong Kong, sau khi đặc khu này phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng vào đầu tuần.

Trong khi các cơ quan y tế đại lục công nhận những nỗ lực phòng chống nCoV của Hong Kong trong hai năm qua, họ lưu ý rằng biến chủng Omicron đã “vượt xa khả năng phòng chống của đặc khu”, ông nói.

Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau (Trung Quốc) cho biết các phái đoàn đã đánh giá tình hình mà thành phố đang phải đối mặt và kết luận làn sóng dịch bệnh được thúc đẩy bởi Omicron “vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm”.

Việc cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân, khẩu trang và các mặt hàng y tế khác sẽ đến theo từng đợt vào đầu tuần tới. Đồng thời, các nhà chức trách dự kiến quyết định trong một hoặc hai tuần tới về quy mô và vị trí của một bệnh viện tạm thời mà đại lục đã giúp thành phố thiết lập, một nguồn tin thân cận cho biết.

Khẳng định không phong tỏa

Một số nhà dịch tễ học cho biết chỉ một đợt đóng cửa giống với đại lục trong khoảng hai tháng có thể đưa số ca nhiễm về con số 0, nhưng cảnh báo đây sẽ không phải là một giải pháp dứt điểm vì Omicron có thể “tìm đường trở lại thành phố ngay sau đó”.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào cuối ngày 11/2, bà Trần cho biết không muốn áp đặt một đợt phong tỏa, và tốt hơn là người dân nên “tự thực hiện” bằng việc ở nhà. Mặc dù đã áp đặt những hạn chế xã hội nghiêm ngặt nhất, Hong Kong vẫn ghi nhận số ca mắc mới gia tăng nhanh.

Hong Kong đã báo cáo số ca nhiễm kỷ lục vào ngày 12/2. Ảnh: Reuters.

Qua đó, tiến sĩ Edwin Tsui, một quan chức của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong, cảnh báo đặc khu có thể đối mặt với số lượng lớn ca nhiễm trong những tuần tới.

“Tôi hy vọng người Hong Kong sẽ chuẩn bị tâm lý. Chúng ta đang trong cuộc chiến khó khăn nhất với loại virus này trong hai năm. Chúng tôi tin rằng số ca nhiễm sẽ vẫn ở mức cao”, ông cho biết.

Tổng số ca nhiễm đã được xác nhận của thành phố ở mức gần 22.000 ca. Các nhà chức trách cho biết 90% số giường cho bệnh nhân Covid-19 đã được sử dụng, trong khi các cơ sở cách ly cũng gần đạt mức công suất tối đa.

Các nhà dịch tễ học của Đại học Hong Kong cho biết số ca nhiễm có thể lên tới hàng chục nghìn ca mỗi ngày trong vài tuần, gây ra nguy cơ lớn cho người cao tuổi của thành phố.

Ông Lý đã cân nhắc về việc chính quyền đặc khu có nên phong tỏa 7,8 triệu cư dân để thực hiện xét nghiệm hàng loạt nhằm xác định và loại bỏ chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

“Hiện tại, chúng tôi không có kế hoạch như vậy. Chúng tôi tin rằng các biện pháp thắt chặt mà chúng tôi đã đưa ra sẽ có tác dụng”, ông Lý nói hôm 12/2, đề cập đến bộ quy tắc giãn cách xã hội mới nhất.

Khi được hỏi liệu nhiễm nCoV không triệu chứng nào có thể được coi như bệnh cúm thông thường hay không, tiến sĩ Tsui cảnh báo công chúng không nên so sánh như vậy.

“Chúng ta không nên đánh giá thấp xu hướng dịch bệnh đang diễn ra. Virus corona có nhiều đột biến và nó có thể phát triển để nhắm vào những người hoặc nhóm tuổi cụ thể”, ông nói,

Tính đến ngày 12/2, 82,8% dân số Hong Kong đủ điều kiện đã tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên, trong khi 73,9% đã tiêm mũi thứ hai và 1,2 triệu người đã tiêm liều thứ ba.

Hong Kong đã ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm và chỉ hơn 200 ca tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng phải trả một cái giá khá đắt. Đây là một trong những thành phố lớn bị cô lập nhất thế giới, với số chuyến bay giảm 90%.

Khai Tâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG