Trong bài viết mới trên Tiếng Dân News, ông Mạc Văn Trang tỏ ra vô cùng bức xúc vì bao nhiều lần phản biện, “góp ý” là bấy nhiêu lần bị đài VTV và dư luận xã hội vạch mặt.
Phản biện xã hội là một trong những biện pháp để mở rộng dân chủ và tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội. Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay đã luôn luôn coi trọng ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với đường lối, chính sách của mình. Tuy vậy, phản biện sao cho đúng, đủ, mang tính xây dựng là điều không phải ai cũng làm được. Thời đại mạng xã hội với những giá trị ảo sinh ra những “trí thức” ảo tưởng, “biết tuốt”, chủ đề gì cũng bàn, cũng “phản biện”, khi bị người khác chỉ ra cái sai thì bức xúc, cho người ta là “hỗn”.
Không khó để chỉ ra các chuyên gia phản biện có uy tín hiện nay. Tại các kỳ họp Quốc hội có một số vị Đại biểu luôn làm nóng nghị trường với những ý kiến sắc sảo cùng nhiều câu hỏi khó nhằn như Trần Du Lịch. Hay những người thường bình luận về chính sách đất đai hoặc kinh tế như chuyên gia Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nguyễn Đức Thành. Đây là các vị thường có những quan điểm cá nhân mạnh, đôi khi khó nghe và chắc hẳn làm nhiều quan chức nóng mặt, nhưng ai cũng phải công nhận trình độ của họ, và tâm huyết của họ với đất nước. Sự thuyết phục nằm ở chỗ họ chỉ nói những việc nằm trong chuyên môn và hiểu biết của mình, từ đó tạo nên những ý kiến phản biện nghiêm túc, có trách nhiệm.
Các chuyên gia mạng ảo thì trái lại, đặc điểm chung của họ là thay vì phản biện để đóng góp cho xã hội, thì họ lại coi đó là công cụ để khoe khoang hiểu biết cá nhân và chê trách Nhà nước. Bất cập nảy sinh khi nhiều ý kiến họ đưa ra thu hút một bộ phận thiếu hiểu biết, gây hoang mang trong xã hội và tạo ra những tác hại khôn lường. Đơn cử là khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện ở phương Tây và Mỹ, và các chính quyền bắt đầu áp dụng chính sách bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, cấm nhập cảnh, nhiều chuyên gia mạng xuất hiện và bắt đầu đưa ra lý lẽ. Họ cho rằng Covid chỉ là trò lừa đảo của chính quyền, đeo khẩu trang là không cần thiết, không nên giãn cách xã hội mà nên để miễn dịch cộng đồng. Kết quả là chính quyền không thể nào thực thi hiệu quả các biện pháp kiểm soát, đại dịch bùng phát, các bệnh viện quá tải và số ca nhiễm cũng như tử vong tăng cao.
Đó là thời kỳ trước khi có vaccine, và chiến lược cách ly, phong tỏa, truy vết biến Việt Nam trở thành hình mẫu thành công hiếm hoi trên thế giới đẩy lùi được đại dịch. Trớ trêu thay, khi biến chủng Delta mới xuất hiện, đất nước ta phải gánh chịu những hậu quả nặng nề và chưa mua được vaccine, thì nhiều “chuyên gia mạng” Việt Nam xuất hiện đòi học theo các biện pháp của phương Tây. Ví dụ như “chuyên gia” Mạc Văn Trang tuy chỉ có chuyên môn về giáo dục, nhưng đã “tận tình” phản biện ít nhất là 8 bài viết về cách chống dịch ở Sài Gòn, đòi bỏ phong tỏa, cách ly trong khi tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh đang rất cao vì thiếu vaccine. Đương nhiên là khi đó không ai có thể chấp nhận quan điểm này dựa trên những hậu quả nặng nề hơn nhiều mà các nước phương Tây phải gánh chịu.
Sau này, khi chiến lược ngoại giao vaccine của Việt Nam thành công, độ phủ vaccine lớn giúp giảm mạnh hệ số lây nhiễm cũng như số ca nặng và tử vong thì Chính phủ mới có thể chuyển hướng sang biện pháp nới lỏng để sống chung, thích ứng linh hoạt với đại dịch. Sài Gòn dần mở cửa và nới lỏng, đồng nghĩa với việc ông Trang lên tiếng nhận công cho những đề xuất từ vài tháng trước. Vài tháng, khoảng thời gian đủ để thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc dập xong dịch bệnh và nới lỏng giãn cách, đủ để Việt Nam tiêm xong gần 100 triệu liều vaccine cho người dân, và gần đủ để người nông dân trồng cấy rồi thu hoạch xong một vụ lúa. Trong thời buổi dịch bệnh căng thẳng, những diễn biến mới liên tục phát sinh, không hiểu điều gì khiến ông Trang nghĩ giải pháp của mình đúng từ ngày này sang tháng khác?
Hết Sài Gòn, ông Trang lại “phê phán lãnh đạo Hà Nội không biết hình dung trước, nên phát ngôn và ra những quyết định rất cảm tính, ấu trĩ”. Ông cũng hả hê “Mấy tháng nay thì Hà Nội “bung”, “toang” thật rồi, mà những điều tôi hình dung trước cho Hà Nội thì đúng như vậy.” Nhưng trên thực tế, số ca nhiễm ở Hà Nội chỉ bắt đầu tăng mạnh từ khi bắt đầu mở cửa sống chung với dịch bệnh theo đúng ý ông Trang, còn trước đó số ca nhiễm được kiểm soát rất thấp, có thời điểm chỉ còn vài chục ca một ngày. Ta có thể nhìn ra ngay vấn đề của ông Trang ở đây là hoàn toàn không có chuyên môn, không có hiểu biết, cũng không dựa trên thông tin số liệu mà hoàn toàn cảm tính, cóp nhặt.
Sang đến vấn đề giáo dục, ông Trang xuyên tạc rằng các giáo viên, những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, giáo dục, tuyên truyền đường lối đúng đắn của Đảng là những dư luận viên. Và định nghĩa “dư luận viên” của ông là những người “giấu mặt, toàn chửi bậy, nói tục, đánh phá bất kỳ ai viết trái ý”. Thật ra, ai cũng có niềm tin của mình, và có quyền nói lên ý kiến để bảo vệ những gì mình cho là đúng. Nếu như ông Trang có thể khăng khăng cho rằng góp ý chống dịch của mình luôn luôn đúng, kể cả sau này thực tế đã chứng minh là sai, thì tại sao lại cấm người khác quyền bảo vệ ý kiến của họ? Hay ông nghĩ rằng mình là chuyên gia giáo dục lâu năm nên chỉ ông mới có quyền lên tiếng và dạy bảo, “gõ đầu” người khác, từ các giáo viên đến lãnh đạo?
Khi phản biện, chỉ trích người khác thì phải chấp nhận việc bị chỉ trích, phản biện ngược lại. Đó chắc hẳn cũng là cách xử sự của những chuyên gia phản biện nghiêm túc, với mong muốn đóng góp giá trị cho xã hội. Nhưng ông Trang thì lại thích phản biện bằng những ý kiến cảm tính, không có cơ sở thực tế, thích khoe khoang hiểu biết cá nhân và không hề thoải mái khi bị chỉ trích ngược lại. Đã thế, xưa nay ông cũng nổi tiếng là người thích “ném đá”, xuyên tạc và bôi nhọ các chính sách của Đảng và Nhà nước, vậy thì có gì khó hiểu khi trong số hàng trăm chuyên gia phản biện, ông là người thường bị đài VTV và dư luận xã hội vạch mặt. Mình phải thế nào thì người ta mới như thế chứ?
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ