Phương Tây khó có được một phản ứng thống nhất với Nga liên quan Ukraine, vì sự khác biệt trong khối NATO – giữa châu Âu với nhau, châu Âu với Mỹ, và quan trọng là Nga biết được điều này.
Căng thẳng giữa NATO với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine ngày càng thêm nóng. Các quan chức NATO và Liên minh châu Âu (EU) nhiều lần khẳng định sẽ không để Nga tấn công vào Ukraine và sẵn sàng trừng phạt nếu Nga làm thế. Tuy nhiên, hiện không có sự nhất trí của phương Tây về cách tốt nhất để ngăn chặn Nga hoặc những biện pháp nào sẽ thực hiện trong trường hợp Nga tấn công vào Ukraine.
Có thể thấy dù ngày càng thêm lo trước việc Nga tăng hiện diện quân sự ở biên giới với Ukraine nhưng sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu trong đối phó với Nga cũng ngày càng sâu sắc, điều này đã và đang cản trở một phản ứng thống nhất của phương Tây, theo tờ Washington Post.
“Sự phụ thuộc vào Nga về dầu và khí đốt là gót chân Achilles của châu Âu” – ông JIM TOWNSEND, người từng là quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc về châu Âu.
Nội bộ châu Âu lủng củng
Các quốc gia châu Âu không có sự nhất quán trong đối phó với Nga, mà tùy theo khoảng cách địa lý với Nga, sự phụ thuộc năng lượng vào Nga và lý do lịch sử. Các nước Đông Âu và Baltic gần Nga thì muốn một “phản ứng cơ bắp” do Mỹ dẫn đầu. Các nước này lo ngại các đồng minh Tây Âu tìm cách theo đuổi con đường độc lập có thể làm suy yếu các cam kết của Mỹ với an ninh quốc gia mình.
Trong khi đó, việc phụ thuộc vào khí đốt của Nga (Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt châu Âu) làm nhiều nước Tây Âu miễn cưỡng trước việc có biện pháp mạnh với Nga. Bà Cathryn Clüver Ashbrook – Giám đốc Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức thừa nhận có “sự phân chia giữa đông và tây” châu Âu.
Ba cường quốc lớn nhất châu Âu – Đức, Pháp và Anh – đang theo đuổi các phương pháp tiếp cận khác nhau rõ ràng về Nga.
Một minh họa sống động gần đây về sự thiếu phối hợp này, các máy bay Anh buộc phải đi vòng quanh Đức trong quá trình chuyển vũ khí chống tăng cho Ukraine, phải chuyển hướng đường bay qua Biển Bắc và Đan Mạch, khiến hành trình dài thêm vài giờ.
Đức sau đó còn từ chối cấp giấy phép tái xuất cho Estonia để gửi xe pháo có xuất xứ từ Đức tới Ukraine. Nhiều quan chức Đức đã viện dẫn chính sách hàng thập niên của đất nước mình là từ chối vũ trang cho các bên tham gia xung đột.
Các động thái này làm rõ thực tế chia rẽ quan điểm giữa các nước châu Âu về việc có cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không. Lập trường của Đức bị các nước Anh, Estonia và Ukraine chỉ trích.
Nghị sĩ Tobias Ellwood, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Anh – nước vốn ủng hộ một phản ứng mạnh với Nga, trong đó có việc trang bị vũ khí cho Ukraine – cho rằng hành động của Đức cho thấy sự thiếu vắng nỗ lực phối hợp trong NATO để giúp một đồng minh NATO (Anh) và giúp một đồng minh châu Âu (Ukraine). Điều nghiêm trọng theo ông Ellwood là “Nga nhận thấy tất cả điều này”, ông lo ngại rằng Nga sẽ mạnh tay hơn và hậu quả với phương Tây sẽ lớn hơn.
Trong khi đó, Pháp nắm bắt cuộc khủng hoảng Ukraine để thúc đẩy tham vọng riêng mình về một khuôn khổ an ninh do EU lãnh đạo có thể làm suy yếu NATO. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc giục EU khởi động đối thoại riêng với Nga. Theo Washington Post, cuộc đối thoại này nếu xảy ra có khả năng đối lập với chính sách ngoại giao của phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Nghị sĩ Anh Ellwood cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin khó có thể chọn được một thời điểm tốt hơn lúc này để thách thức châu Âu.
“Ông ấy nhận ra rằng nền tảng quyền lực chính của châu Âu là Pháp, Đức và Anh. Nếu ba quốc gia này thống nhất, phần còn lại của châu Âu sẽ theo sau. Nếu có thể chia rẽ ba nước này thì sẽ không có sự lãnh đạo, không có sự phối hợp và không có sự thống nhất” – ông Ellwood nhận định về tầm nhìn của ông Putin.
Châu Âu mâu thuẫn với Mỹ
Bên cạnh mâu thuẫn giữa nội bộ châu Âu còn có sự chia rẽ giữa các nước châu lục này với Mỹ trong việc đối phó với Nga. Dễ nhìn thấy nhất là khó khăn trong thống nhất trừng phạt Nga.
Tờ Sueddeutsche Zeitung dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 23-1 kêu gọi châu Âu và Mỹ thận trọng khi xem xét các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó có cân nhắc những hậu quả với Đức.
Đức không thoải mái với phương án loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu Swift, trong khi Ba Lan và các nước vùng Baltic ủng hộ. Đức cũng phản đối lời kêu gọi của Mỹ về việc đưa đường ống dẫn khí Nord Stream 2 vào bất kỳ gói trừng phạt nào trong tương lai với Nga.
Điều này cho thấy chuyện có được một phản ứng thống nhất từ phương Tây với Nga liên quan Ukraine có thể rất phức tạp, vì “sự khác biệt” trong liên minh NATO.
Tuần trước, chính Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện sự bức xúc trước sự chia rẽ này, đồng thời cho rằng các đồng minh của NATO sẽ “phải đấu tranh về những gì nên làm và không nên làm”.
Nhiều quan chức Mỹ cũng đã cảnh báo rằng sự bất đồng chính kiến trong liên minh phương Tây sẽ làm lợi cho Nga, có nguy cơ làm suy yếu chính sách ngoại giao do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn Nga và cho biết Mỹ đang nỗ lực để thu hẹp khoảng cách.
Theo ông Jim Townsend – cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc về châu Âu, trong bối cảnh này, sự lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ và NATO là rất quan trọng; Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ phải đứng đầu cuộc chơi để giữ các nước sát cánh nhau trước sức ép của Nga.
Phản ứng của Nga
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng “những cảnh báo về khả năng Nga tấn công Ukraine là sự ngụy trang cho các hành động khiêu khích chống lại Nga”, đồng thời phàn nàn về các chuyến hàng vũ khí gần đây của Anh và Mỹ tới Ukraine.
Theo bà Zakharova, “Ukraine coi sự hỗ trợ như vậy chẳng khác gì sự trợ giúp đắc lực cho một chiến dịch vũ trang ở Donbas” – khu vực ở miền Đông Ukraine do phe ly khai thân Nga kiểm soát.
Nhiều nguồn tin EU tỏ ra bi quan về khả năng điện Kremlin từ bỏ các yêu cầu trong bản dự thảo an ninh đã gửi NATO cuối năm 2021, mà họ cho nếu NATO đáp ứng thì phạm vi ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu sẽ được mở rộng thêm.
Ngọc Anh
Theo: Cánh cò