Saturday, November 23, 2024

Nơi mà những bé gái bị “bán” với giá không bằng một quả thận

Bị đẩy tới đường cùng, người mẹ ở Afghanistan buộc phải gả bán hai đứa con gái nhỏ với giá chưa đầy 1.000 USD mỗi bé, rồi đến thận của bà cũng phải bán đi với giá hơn 1.400 USD.  

Nhiệt độ đang giảm xuống dưới 0 độ C ở miền Tây Afghanistan và bà Delaram Rahmati vật lộn đi kiếm thức ăn cho 8 đứa con của mình.

Rời quê hương ở tỉnh Badghis từ 4 năm trước, gia đình Rahmatis hiện sống trong một túp lều bằng bùn với mái nhựa ở trong một khu ổ chuột của thành phố Herat. Hạn hán khiến cho đất đai khô cằn, còn ngôi làng của họ thì không thể sống được.

Delaram Rahmati, một người mẹ đã bán thận để lấy tiền nuôi gia đình. Ảnh: Rukhshana Media.

Ước tính 3,5 triệu người Afghanistan bỏ nhà, trong đó có gia đình Rahmatis, đang sống trong một khu trú tạm dành cho những người di cư trong nước (IDP).

Bán con gái nhỏ

Không có việc làm nhưng người mẹ 50 tuổi vẫn phải trả viện phí cho 2 người con trai của mình, một người bị liệt và một người bị bệnh tâm thần, cũng như thuốc men cho chồng.

Vài tháng trước, bà Rahmati đã bán 2 người con gái rứt ruột đẻ ra của mình, một bé 6 tuổi còn bé kia 8 tuổi, với giá chưa đầy 2.000 USD cho những gia đình mà bà không quen biết. Hai bé gái sẽ được ở với mẹ cho đến khi chúng đến tuổi dậy thì và bị giao cho người khác.

Việc các cô gái sẽ bị bán đi từ nhỏ, nhưng vẫn được gia đình nuôi nấng, cho đến khi dậy thì sẽ bước vào những cuộc hôn nhân sắp đặt, không phải điều gì xa lạ ở Afghanistan.

Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc, các gia đình có xu hướng bán con ở độ tuổi nhỏ hơn vì họ không đủ khả năng để nuôi dưỡng.

Bán đi tương lai của con gái ruột không phải là quyết định đau đớn duy nhất mà Rahmati phải làm. “Vì nợ nần, đói khát và túng quẫn, tôi còn phải bán thận của chính mình”, bà chia sẻ.

Theo Liên Hợp Quốc, Afghanistan đang trên bờ vực của “một cuộc khủng hoảng nhân đạo và sụp đổ kinh tế”.

Đại sứ của cơ quan này tại Afghanistan cho biết họ đang “trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử đương đại”.

Hạn hán, Covid-19 và các lệnh trừng phạt kinh tế được áp đặt sau khi Taliban nắm chính quyền vào tháng 8/2021 đã gây ra những hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế Afghanistan. Lạm phát cao khiến giá lương thực tăng vọt.

Một y tá đang xem vết sẹo của một người phụ nữ sau khi cắt bỏ thận. Chồng của cô bị bệnh, buộc cô phải bán thận để trả tiền viện phí. Ảnh: AP.

Tình trạng buôn bán thận gia tăng ở Afghanistan trong một thời gian dài. Từ khi Taliban lên nắm quyền, giá cả và các điều kiện buôn bán nội tạng bất hợp pháp đã thay đổi. Giá của một quả thận, từng dao động 3.500-4.000 USD, nay đã giảm xuống còn dưới 1.500 USD. Nhưng số lượng người tham gia ngày càng tăng lên.

Không còn lựa chọn

Rahmati đã bán quả thận phải của mình với giá 150.000 afghani (1.430 USD). Nhưng vì sức khỏe không thể hồi phục như cũ, bà cũng bị bệnh, và không có tiền để đi khám, giống như chồng bà.

Theo UN Refugee Agency, cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc, hơn một nửa dân số, ước tính 40 triệu người Afghanistan, đang trong tình trạng đói ăn cùng cực và gần 9 triệu người rơi vào nạn đói kém. Đối với nhiều người bây giờ, bán thận là cách duy nhất để tồn tại.

“Đã nhiều tháng qua chúng tôi chưa được ăn cơm. Hầu như không thể tìm thấy bánh mì và trà. Cứ khoảng 3 buổi trong một tuần, chúng tôi nhịn ăn tối”, theo Salahuddin Taheri, một người sống cùng khu ổ chuột với gia đình Rahmati.

Taheri, một ông bố 27 tuổi đang nuôi 4 con nhỏ, cố gắng gom góp đủ tiền mua 5 ổ bánh mì mỗi ngày bằng cách thu gom và bán rác tái chế, đang tìm người mua thận của mình.

Taheri nói: “Tôi liên tục liên hệ với các bệnh viện tư nhân ở Herat nếu họ cần thận. Thậm chí nếu họ cần gấp, tôi có thể bán dưới giá thị trường, nhưng chưa ai phản hồi tôi. Không còn sự lựa chọn nào khác, tôi cần nuôi lũ trẻ”.

Theo Asif Kabir, một quan chức y tế công cộng của của tỉnh Herat, trong 5 năm qua, khoảng 250 ca ghép thận chính thống đã được thực hiện tại các bệnh viện ở tỉnh Herat, đều là các trường hợp người nhà hiến cho bệnh nhân, với số lượng hạn chế. Chi phí ghép thận là 400.000 afghani (khoảng 3.850 USD), đã bao gồm giá mua thận.

Nhưng số ca phẫu thuật thận trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Một bác sĩ giấu tên làm việc tại một bệnh viện chuyên cấy ghép cho biết: “Gần đây, số người muốn bán thận đã tăng lên ở Herat và hầu hết là những người nghèo sống ở những trại tị nạn, khu ổ chuột của Herat. Nhiều khách hàng cũng tìm đến các trại tị nạn để mua thận giá rẻ”.

Ngày càng bế tắc

Sayed Ashraf Sadat là một nhà hoạt động xã hội ở Herat, thành viên của phái đoàn do tổng thống Ashraf Ghani giao nhiệm vụ điều tra vụ buôn bán thận bất hợp pháp vào tháng 5/2021.

Một người dân khác sống trong trại tị nạn ở Herat. Ông đang cho xem vết sẹo phẫu thuật, sau khi bán đi quả thận của mình. Ảnh: AP.

Ông nói rằng: “Chúng tôi nhận thấy các bệnh viện đã hoạt động không đúng quy định pháp luật. Người dân trong và ngoài nước đang vận động bán thận của mình. Họ làm visa và ra ngoài biên giới. Nhu cầu cấy ghép thận bên ngoài Afghanistan ngày càng tăng. Những quốc gia như Iran rất cần thận, và người Afghanistan nghèo buộc phải bán chúng”.

Sadat nói rằng ông đang tham gia điều tra hai bệnh viện ở Herat, nơi nhiều hoạt động ghép thận diễn ra. Ông ghi nhận được một trường hợp đã thực hiện 194 ca phẫu thuật ghép thận, một bác sĩ khác nói đã phẫn thuật 32 ca. Ngoài ra, hơn 500 người tiết lộ đã bán thận, trong đó có 100 người từ một ngôi làng ở Herat.

Sadat nhận định: “Chứng tỏ thận đã được chuyển ra bên ngoài Afghanistan”.

Ví dụ, nếu một quả thận được mua với giá 300.000 afghani (khoảng 2.800 USD) ở Afghanistan, và sẽ được bán với giá hơn 72 USD đến 105 USD ở nước ngoài”, Sadat cho biết.

Nhà hoạt động này nói thêm: “Một số chứng cứ cho thấy một vài người được thuyết phục bán thận ra nước ngoài, có giá 200.000 đến 400.000 afghanis (khoảng 1.900 USD đến 3.800 USD). Có vẻ như các bác sĩ đã tham gia vào đường dây buôn bán thận bất hợp pháp. Nhưng tiếc thay, cuộc điều tra của chúng tôi đã bị hoãn do tình hình an ninh ngày càng bất ổn”.

Đã 2 tháng đã trôi qua kể từ khi Rahmati phẫu thuật bán thận, tất cả số tiền đó đã được dùng để thanh toán viện phí. Quá trình hồi phục của bà sau ca phẫu thuật có diễn biến xấu.

“Tôi quá ốm yếu. Thậm chí tôi không thể đi lại vì vết thương đã bị nhiễm trùng”, bà nói. Người nhận thận của bà chỉ phải trả phí phẫu thuật, 2 đêm nằm viện và hóa đơn thuốc đầu tiên của bà.

Vào ngày cấy ghép, Rahmati bị ốm và các bác sĩ từ chối phẫu thuật. Tôi đã nói với họ: “Tôi hạnh phúc khi chết, nhưng tôi không thể chịu đựng được khi nhìn thấy cảnh lũ trẻ đói và ốm đau”.

Khai Tâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG