“Tham gia Hội đồng Bảo an là cơ hội lớn để đẩy mạnh và nâng tầm của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, góp phần duy trì môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong Hội nghị tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) nhiệm kỳ 2020-2021 diễn ra tại Hà Nội hôm nay.
Sáng 22/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức, nhìn lại những thành tích đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra những phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại năm 1953, trong bài “Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế”, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng Dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa thế giới, đã nhấn mạnh: “Giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta”. Tư tưởng về hòa bình, hợp tác quốc tế theo hướng đa phương và đa dạng các mối quan hệ của Bác Hồ cũng đã thể hiện rất rõ trước đó vào năm 1946 trong Lời kêu gọi Liên Hợp Quốc mà Người gửi đến các nước trong Hội đồng Bảo an và các nước thành viên khác của Liên Hợp Quốc.
Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Việt Nam là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Để triển khai hiệu quả, thực chất đường lối đối ngoại, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25 ngày 8/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó xác định: “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp Quốc”, phấn đấu đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể”.
Theo Thủ tướng, tham gia Hội đồng Bảo an là mục tiêu phấn đấu của nhiều nước bởi đây là cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cơ quan duy nhất có quyền hạn đặc biệt đưa ra các quyết định có tính ràng buộc pháp lý với 193 quốc gia trên thế giới. Đồng thời, thể hiện uy tín của một đất nước trên trường quốc tế.
Đây cũng là cơ hội lớn để đẩy mạnh và nâng tầm của nước ta tại các diễn đàn đa phương, góp phần duy trì môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho công cuộc Đổi mới; cơ hội để nắm bắt thông tin, xu thế, qua đó ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ an ninh đối với Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; cơ hội để làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, khai thác nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển bền vững đất nước; cơ hội để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, thể hiện hình ảnh một Việt Nam mới, chuyển mình mạnh mẽ từ một nước nhiều năm phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trở thành đối tác sẵn sàng tham gia tích cực, có trách nhiệm để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Thể hiện vị thế đất nước và sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế
Theo Người đứng đầu Chính phủ, việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vị trí quan trọng này (chỉ hơn 10 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên) với số phiếu bầu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu) cho thấy vị thế của đất nước và sự tín nhiệm cao của quốc tế đối với chính sách đối ngoại của chúng ta, kết quả hoạt động của các cơ quan đối ngoại, nhất là Bộ Ngoại giao.
Việt Nam đảm nhiệm trọng trách lớn này trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thậm chí chưa có tiền lệ, thay đổi căn bản so với giai đoạn trước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những kết quả chúng ta đạt được là rất đáng tự hào.
Việt Nam đã thúc đẩy thượng tôn pháp luật, cách hành xử đa phương dựa trên luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển. Việt Nam đã cùng các nước thành viên Hội đồng Bảo an thảo luận, thông qua các biện pháp giảm căng thẳng, thúc đẩy để các bên đàm phán, tìm giải pháp bền vững đối với xung đột, điểm nóng ở các khu vực. Chúng ta cũng luôn đề cao tinh thần nhân đạo, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nỗ lực bảo vệ an toàn, tính mạng và sinh kế của người dân trong xung đột vũ trang, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt có thể tác động tới các nỗ lực ứng phó với COVID-19, ủng hộ viện trợ nhân đạo, cứu trợ thường dân, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.
Thứ hai, chúng ta đã thực hiện thành công chủ trương giữ nước từ sớm, từ xa, kiên định mục tiêu bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia – dân tộc, phục vụ phát triển, nâng cao vị thế đất nước; tận dụng sáng tạo “trọng trách kép” tại Hội đồng Bảo an và ASEAN để thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc, vai trò, tiếng nói của ASEAN; thu hút nguồn lực để xử lý vấn đề hậu quả chiến tranh, bom mìn ở Việt Nam; phát huy tốt vai trò tại Hội đồng Bảo an cùng với sự tham gia các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; thúc đẩy xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống.
“Tư tưởng xuyên suốt là cần phải có cách tiếp cận đa phương để cùng tìm giải pháp thỏa đáng, bền vững; đối với các vấn đề mang tính toàn cầu thì cần phải có các giải pháp toàn cầu để ứng phó”, Thủ tướng nói.
Thứ ba, hoạt động tham gia, đóng góp xây dựng có trách nhiệm của ta vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc đã làm gia tăng rõ rệt uy tín và vị thế đất nước, thể hiện sinh động hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, yêu chuộng hòa bình, tích cực và trách nhiệm, có năng lực, bản lĩnh và bản sắc đối ngoại. Việt Nam đã khẳng định được năng lực điều hành, từng bước thể hiện rõ vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các hội nghị Hội đồng Bảo an với nhiều dấu ấn tích cực, được các nước ủy viên Hội đồng Bảo an, kể cả các nước ủy viên thường trực, các nước bạn bè truyền thống, đang phát triển, các nước trong Phong trào không liên kết… coi trọng, đánh giá cao, nhất là trong 2 lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021.
Lãnh đạo cấp cao nhiều nước trong và ngoài Hội đồng Bảo an đánh giá cao lập trường nguyên tắc, ứng xử có trách nhiệm, “có tình có lý” của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an. Điều này góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các nước trong và ngoài Hội đồng bảo an, nhất là các nước lớn, đối tác quan trọng, các nước bạn bè, các tổ chức quốc tế và khu vực, đem lại nhiều nguồn lực hỗ trợ quý báu cho đất nước thời gian qua, trong đó có hỗ trợ quốc tế ứng phó với đại dịch. Việt Nam cũng có các sáng kiến rất thiết thực, đúng và trúng mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng là các vấn đề quan trọng đối với lợi ích của nước ta. Thủ tướng lấy ví dụ, trong hơn 200 triệu liều vaccine mà Việt Nam đã có, khoảng một nửa được mua, nửa còn lại là từ nguồn viện trợ.
Qua những thành tựu nêu trên, chúng ta có thể đúc rút ra một số bài học lớn như sau:
Trước hết, phải luôn kiên định lập trường nguyên tắc về thúc đẩy hòa bình, độc lập dân tộc, chống chiến tranh, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và phát huy uy tín, vị thế ngày càng cao của đất nước, quan hệ rộng mở, tốt đẹp với tất cả các nước trên thế giới. Trong triển khai mọi hoạt động đối ngoại, cần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, kiên định những mục tiêu, nguyên tắc lớn là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Thứ hai, phải phát huy sức mạnh đoàn kết, ý chí thống nhất của toàn dân, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tín nhiệm, hỗ trợ của các nước và bạn bè quốc tế; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của các đồng chí Lãnh đạo cấp cao, sự đồng hành, phối hợp nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Thứ ba, phải chuẩn bị từ sớm, công phu, bài bản về cả nội dung và lực lượng; vận dụng các kinh nghiệm và bài học thành công của nhiệm kỳ 2008-2009, đồng thời sáng tạo, đổi mới trong cách làm, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, luôn có phương án dự phòng tốt, không để bị động, bất ngờ; xử lý nhanh và kịp thời các vấn đề phức tạp, các phát sinh mới, bảo đảm tốt yêu cầu đối nội và đối ngoại.
Thứ tư, vận dụng hiệu quả phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc hài hòa với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế; bám sát lập trường nguyên tắc song luôn chủ động xử lý khôn khéo và linh hoạt, hài hòa, mềm dẻo các vấn đề phức tại Hội đồng Bảo an, xử lý hài hòa, hợp lý lợi ích và quan tâm chính đáng của các nước liên quan.
Thứ năm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đa phương với đối ngoại song phương, tranh thủ hiệu quả các trọng trách đa phương để làm sâu sắc quan hệ song phương, tạo dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước.
Thứ sáu, trong tổ chức thực hiện và giao tiếp cụ thể, phải thể hiện tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe, hiệu quả, hợp tác, cùng phát triển.
Tiếp tục xây dựng trường phái đối ngoại “Cây tre Việt Nam”, phát huy vai trò tiên phong, đi trước mở đường
Trong bối cảnh quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, thuận lợi và thách thức đan xen, Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao tiếp tục vai trò tiên phong, đi trước mở đường giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Đối ngoại nói chung, ngoại giao đa phương nói riêng cần bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa qua, coi đối ngoại đa phương là một định hướng chiến lược quan trọng. Kiên định đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư; xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về đối ngoại đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đối ngoại nói chung, ngoại giao đa phương nói riêng cần bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa qua, coi đối ngoại đa phương là một định hướng chiến lược quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng nêu rõ tình hình càng khó khăn, thách thức, càng phải giữ vững nguyên tắc, đoàn kết thống nhất, huy động trí tuệ tập thể, phát huy dân chủ, giữ vững bản lĩnh, tự tin, sẵn sàng để làm những việc lớn hơn. Cơ bản nhất trí với các định hướng lớn, giải pháp đã nêu, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ chính.
Một là, triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động đối ngoại đa phương trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, môi trường, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ…, nhất là thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu như an ninh phi truyền thống, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh biển, an ninh con người. Tiếp tục nỗ lực phát huy vai trò, đóng góp, lồng ghép, phát huy các ưu tiên, sáng kiến của ta tại các diễn đàn đa phương, tăng cường sự tham gia, đóng góp tích cực của Việt Nam trong quản trị toàn cầu và khu vực.
Hai là, tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hòa giải, tham gia định hình luật chơi tại các diễn đàn đa phương phù hợp với điều kiện cho phép, thông qua việc đăng cai các hội nghị quốc tế lớn, ứng cử và đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế; chủ động đề xuất các sáng kiến, tạo dấu ấn tích cực, nâng cao vị thế và giá trị Việt Nam trong quan hệ với các nước; thể hiện thực chất là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Ba là, tận dụng hiệu quả vị thế, uy tín đất nước đã có, tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ song phương với các nước, các tổ chức quốc tế; tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, công nghệ với các nước, nhất là các nước lớn trong bối cảnh COVID-19 cũng như nhìn xa hơn trong giai đoạn ổn định ngay sau đại dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh các hoạt động đối ngoại cần được triển khai trên cơ sở “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe, hợp tác, hiệu quả và cùng phát triển”, tạo cơ sở tranh thủ nguồn lực quốc tế, góp phần thực hiện khát vọng phát triển bền vững đất nước, trước mắt ưu tiên cho tiếp cận, triển khai chiến lược vaccine và thuốc đặc trị, tư vấn chính sách và hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, triển khai ngoại giao khí hậu, ngoại giao y tế, ngoại giao năng lượng, ngoại giao số.
Bốn là, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương, tiếp tục xây dựng cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải quán triệt sâu sắc chủ trương của Đại hội XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, chủ động xây dựng các kế hoạch để tăng cường sự tham gia của từng bộ, ngành vào các cơ chế đa phương. Hệ thống các cơ quan đối ngoại, các cơ chế phối hợp cùng cần tiếp tục rà soát, kiện toàn để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp xử lý các nhiệm vụ chung trong triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước.
Năm là, chú trọng công tác cán bộ với tinh thần “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; phải có phương án tăng cường nhân lực, đào tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cụ thể, nhất là nhân lực đẳng cấp quốc tế và chuẩn bị đội ngũ cán bộ sẵn sàng tham gia công việc trong các tổ chức quốc tế. Đồng thời, giữ vững và vận dụng sáng tạo 5 nguyên tắc hoạt động của Đảng.
Thứ sáu, phải kiên trì, kiên định, kiên quyết, kiên nhẫn giữ vững bản lĩnh và những vấn đề có tính nguyên tắc.
Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng công tác đối ngoại sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; góp phần thực hiện mục tiêu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, tất cả vì sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước trong bối cảnh mới.
Từng cán bộ làm công tác đối ngoại, công tác ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả hết sức tích cực đã đạt được, nhất là trong năm 2020 và 2021 trong bối cảnh hết sức khó khăn vừa qua, tiếp tục xây dựng trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa, bản sắc “Cây tre Việt Nam”, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2022 có kết quả cao hơn năm 2021 và năm 2020.
Tùng Lâm
Theo: Cánh cò