Saturday, November 23, 2024

Đội quân thực thi ‘Zero Covid-19’ lạnh lùng, bất chấp ở Trung Quốc

Đợt phong tỏa tại thành phố Tây An cho thấy nhiều người Trung Quốc sẵn sàng hành động để thực hiện mục tiêu dập tắt virus mà không quan tâm đến hậu quả.

Trong vòng phong tỏa của Tây An, một người đàn ông lên cơn đau ngực bị bệnh viện từ chối do ông sống ở khu vực có rủi ro trung bình. Người này sau đó chết vì đau tim.

Một người phụ nữ mang thai 8 tháng bị trả về dù đang xuất huyết vì có kết quả xét nghiệm không đúng. Bà mẹ tương lai cuối cùng sảy thai.

Cũng trong vòng phong tỏa, một thanh niên bị bắt quả tang ra đường. Anh cho biết mình không còn gì ăn nhưng hai bảo vệ khu dân cư nói họ không quan tâm. Họ đánh đập anh.

Những sự việc trên cho thấy chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc đang được hàng triệu người thực thi một cách mẫn cán, bất chấp cái giá người dân phải trả, theo New York Times.

Lạnh lùng

Chính quyền Tây An đã hành động nhanh chóng và quyết liệt khi áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào cuối tháng 12/2021, thời điểm số ca mắc dần tăng.

Nhưng chính quyền thành phố khi ấy cũng chưa sẵn sàng cho việc cung cấp thực phẩm, dịch vụ y tế và nhu yếu phẩm khác cho 13 triệu dân, từ đó làm phát sinh tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy kể từ khi Trung Quốc lần đầu phong tỏa tại Vũ Hán vào tháng 1/2020.

Người dân Tây An xếp hàng chờ nhận nhu yếu phẩm vào ngày 10/1. Ảnh: Tân Hoa xã.

Thành công ban đầu của Trung Quốc trong kiểm soát đại dịch thông qua các chính sách mạnh tay đã khiến giới chức nước này bạo dạn hơn. Nhiều người tin rằng phải làm mọi thứ có thể để đảm bảo số ca Covid-19 bằng 0.

Để thực hiện ưu tiên chống dịch, Trung Quốc có sự trợ giúp từ hai lực lượng: Những nhân viên phụ trách cộng đồng với tinh thần hăng hái thực thi chính sách từ trên đưa xuống. Ngoài ra là những người dùng mạng xã hội theo chủ nghĩa dân tộc, sẵn sàng công kích bất cứ ai kêu ca hoặc bày tỏ lo ngại.

Những bi kịch tại Tây An đã khiến một số người Trung Quốc tự hỏi tại sao những người thực thi quy định chống dịch có thể hành xử như vậy và ai là người chịu trách nhiệm sau cùng.

“Rất dễ để đổ lỗi cho các cá nhân khi họ làm điều ác một cách thản nhiên như thế”, một người dùng bày tỏ trên Weibo. “Nếu tôi và bạn trở thành những con ốc vít trong bộ máy khổng lồ ấy, chúng ta có lẽ cũng không thể cưỡng lại lực hút lớn mạnh của nó”.

Các trí thức Trung Quốc thường nêu ra khái niệm “cái ác tầm thường” để nói về những khoảnh khắc như tại Tây An. Khái niệm này trước đó được nữ triết gia Hannah Arendt đặt ra để mô tả Adolf Eichmann, một trong những kiến trúc sư chủ chốt của cuộc diệt chủng Do Thái.

Theo bà Arendt, Eichmann chỉ là một người bình thường. Động cơ của ông ta chỉ là “lòng hăng hái tới mức phi thường để tìm cơ hội thăng tiến cho bản thân”.

Một nhân viên bảo vệ tại địa điểm du lịch bị đóng cửa tại Tây An. Ảnh: AP.

“Tôi chỉ đang làm nhiệm vụ”

Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, vốn ở trong hoàn cảnh tốt hơn nhiều so với Vũ Hán vào đầu năm 2020, khi hàng nghìn người tử vong vì Covid-19 do hệ thống y tế quá tải.

Đến nay, Tây An mới ghi nhận 3 ca tử vong vì Covid-19, trong đó trường hợp cuối cùng là vào tháng 3/2020. Tính tới tháng 7/2021, 95% người trưởng thành tại Tây An đã được tiêm chủng. Trong làn sóng gần nhất, thành phố có hơn 2.000 ca nhiễm nhưng không có ca tử vong.

Dù vậy, Tây An vẫn áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Người dân không được phép rời khu nhà, một số tòa nhà thậm chí bị khóa lại. Hơn 45.000 người được chuyển tới cơ sở cách ly.

Trong khi đó, hệ thống mã sức khỏe dùng để giám sát việc đi lại của người dân sụp đổ vì chịu tải nặng. Hoạt động giao đồ phần lớn biến mất. Một số người dân phải lên mạng kêu than vì thiếu thực phẩm.

Nhưng các quy định phong tỏa vẫn được thực thi một cách cần mẫn.

Chẳng hạn, sau khi bắt quả tang một thanh niên ra ngoài mua đồ ăn, một số tình nguyện viên cộng đồng tại Tây An đã buộc đối phương đọc bản tự kiểm điểm trước ống kính.

“Tôi chỉ quan tâm tới việc tôi có đồ ăn hay không. Tôi không để ý tới hậu quả nghiêm trọng mà hành vi của tôi có thể đem đến cho cộng đồng”, người thanh niên nói trong một video được chia sẻ rộng rãi.

Nhóm tình nguyện viên trên sau đó đã phải xin lỗi, theo Beijing News.

Đường phố gần như vắng bóng người ở Tây An trong thời gian phong tỏa. Ảnh: AP.

Người đàn ông bị đau ngực trước khi tử vong ở trên đã phải chờ 6 tiếng để được bệnh viện tiếp nhận. Khi tình trạng của bệnh nhân này xấu dần, con gái ông cầu xin nhân viên cho vào gặp mặt bố lần cuối.

Tuy nhiên, một nhân viên tại bệnh viện đã từ chối, theo video người con gái đăng tải trên Weibo sau cái chết của bố. “Đừng có lấy đạo đức ra ép buộc tôi”, người nhân viên nói. “Tôi chỉ đang làm nhiệm vụ thôi”.

Một số quan chức cấp thấp của Tây An đã bị kỷ luật. Giám đốc ủy ban y tế thành phố phải xin lỗi sản phụ bị sảy thai, trong khi giám đốc một bệnh viện bị tạm đình chỉ. Ngày 7/1, chính quyền Tây An tuyên bố các cơ sở y tế không được từ chối bệnh nhân trên cơ sở xét nghiệm Covid-19.

Nhưng sự việc chỉ dừng lại ở đó. Kể cả đài truyền hình trung ương CCTV cũng bình luận rằng quan chức địa phương chỉ đang đổ lỗi cho cấp dưới. Theo CCTV, có vẻ như chỉ có nhân viên cấp thấp mới bị phạt vì những vấn đề này.

Ít tiếng nói phản đối

Có nhiều lý do khiến những người trong hệ thống ít thể hiện sự cảm thông và cũng ít người dám lên tiếng trên mạng.

Năm 2021, một bác sĩ ở tỉnh An Huy đã bị phạt 15 tháng tù vì không tuân thủ quy trình chống dịch, sau khi ông chữa trị cho một người bệnh bị ốm, theo CCTV.

Nhân viên phun khử khuẩn bên ngoài một trung tâm mua sắm tại Tây An. Ảnh: AFP.

Tuần trước, một quan chức cấp phó giám đốc sở tại Bắc Kinh cũng mất ghế sau khi bài viết trên mạng xã hội của người này về tình hình phong tỏa tại Tây An bị phản ánh là có thông tin không đúng sự thật.

Trong bài viết, vị quan chức cho rằng các biện pháp phong tỏa là “vô nhân đạo” và “tàn nhẫn”. Bài viết có tựa đề “Nỗi buồn của dân Tây An: Tại sao họ trốn chạy khỏi Tây An bất chấp rủi ro vi phạm pháp luật và cái chết”.

Kể từ sau Vũ Hán, mạng Internet đã trở thành nơi để những người theo chủ nghĩa dân tộc ca ngợi Trung Quốc. Không ý kiến chỉ trích hoặc bất đồng nào được cho phép. Những lời ca thán trên mạng bị công kích vì bị coi là tiếp tay cho truyền thông nước ngoài.

Xiaohongshu, một mạng xã hội của Trung Quốc, đã kiểm duyệt bài đăng của cô gái mất bố vì đau tim ở Tây An do “chứa thông tin tiêu cực về xã hội”, theo ảnh chụp màn hình trong tài khoản của cô.

Một số tờ báo Trung Quốc từng đăng bài điều tra về Vũ Hán lúc này không còn điều động phóng viên tới Tây An vì không xin được giấy phép đi lại trong thời gian phong tỏa, theo một số nguồn thạo tin.

Tuy đã tuyên bố chiến thắng virus vào tuần trước, chính quyền Tây An chưa nới lỏng quy định chống dịch và vẫn đặt ra tiêu chuẩn rất cao để có thể kết thúc phong tỏa.

Trao đổi với quan chức Tây An vào ngày 10/1, bí thư tỉnh Thiểm Tây cho rằng các nỗ lực kiểm soát đại dịch trong tương lai vẫn nên được duy trì “nghiêm”.

“Một lỗ hổng nhỏ bằng cây kim cũng có thể dẫn đường cho ngọn gió lớn”, vị bí thư nói.

Khai Tâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG