Người dân châu Âu chào đón năm mới với những màn bắn pháo hoa rực rỡ, tụ tập tại các quảng trường lớn cùng người thân và bạn bè. Năm mới 2022 sẽ chứng kiến nhiều thay đổi tích cực trên hàng loạt phương diện quan trọng, đặc biệt là y tế và kinh tế.
Một năm với bao mất mát, khó khăn vì đại dịch COVID-19 đã qua đi, thế giới đón năm 2022 với nhiều kỳ vọng lạc quan. Năm 2022, người dân thế giới sẽ dần gặt hái những thành quả từ quá trình nỗ lực suốt năm qua trên hàng loạt lĩnh vực từ y tế đến môi trường, kinh tế.
Đại dịch không còn quá đáng sợ
Năm 2022, vaccine sẽ được phủ gần kín toàn cầu. Theo tạp chí Foreign Policy, đến nay thế giới đã tiêm được hơn 4 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19, với phần đông người được tiêm ba mũi. Tuy nhiên, hầu hết những người này tập trung ở những nước giàu, trong khi rất đông dân số các nước thu nhập thấp hơn thậm chí còn chưa được tiêm mũi 1. Năm 2022, 1 tỉ liều vaccine dự kiến sẽ được chuyển đến châu Phi, đủ để tiêm ngừa cho 70% dân số khu vực này. Đây là tin rất tích cực khi tính đến tháng 12-2021, tỉ lệ người được tiêm hai mũi ở châu Phi mới đạt 8%.
Năng lực sản xuất vaccine toàn cầu đã được cải thiện rất nhiều trong năm qua, giúp nguồn cung không còn quá khan hiếm như trước. Các nước cũng đã rút kinh nghiệm trong quá trình phân phối, tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm vaccine. Do đó, việc thu hẹp khoảng cách trong tỉ lệ tiêm chủng giữa nước giàu và nước nghèo không còn lâu nữa.
Một hy vọng nữa, thuốc điều trị COVID-19 (Paxlovid của Pfizer, Molnupiravir của Merck) đã có. Các hãng dược Pfizer, Merck của Mỹ đã cho phép các hãng dược khác được sử dụng công thức để sản xuất thuốc phiên bản cung cấp cho thế giới. Chưa biết chính xác thời điểm người dân các nước sẽ được tiếp cận thuốc điều trị COVID-19 nhưng theo tính toán của giới chuyên gia và quan chức y tế thì sẽ trong năm 2022 này.
Virus vẫn sẽ chưa ngừng biến đổi, tuy nhiên với biến thể Omicron mới nhất có độc lực được đánh giá nhẹ hơn biến thể trước là Delta, khả năng các dòng biến thể sau sẽ tiếp tục nhẹ hơn.
Với các diễn biến này, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tự tin dự báo giai đoạn nghiêm trọng nhất của đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc trong năm 2022.
Kinh tế thế giới phục hồi tốt
Sau thời gian suy thoái vì đại dịch COVID-19, trong năm 2022, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ và ổn định nhanh trên con đường quay lại đà tăng trưởng trước dịch. Theo báo cáo thường niên công bố mới đây của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Anh, tổng giá trị nền kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên đạt mốc 100.000 tỉ USD vào năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu bởi trước đó CEBR từng dự báo phải đến năm 2024 thế giới mới có thể chạm tới cột mốc này.
Mức tăng trưởng toàn cầu cao hơn dự kiến được cho là nhờ khả năng thích ứng tốt hơn với đại dịch của các nền kinh tế, khiến các biện pháp hạn chế được áp đặt trở lại gây thiệt hại ít nghiêm trọng hơn. Các nước hầu hết cũng đã chuyển sang sống chung an toàn với dịch COVID-19 và triển khai các gói kích thích tăng trưởng hậu đại dịch.
Dù vậy, mức tăng trưởng được đánh giá là sẽ không đồng đều. Các nước ở châu Á – Thái Bình Dương dù mở cửa sau nhưng sẽ có đà phục hồi mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, Mỹ, châu Âu và các nền kinh tế khác vốn mở cửa trước từ lúc số ca nhiễm COVID-19 còn cao sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
Rủi ro lớn nhất tới các triển vọng lạc quan nói trên là lạm phát, theo CEBR. Trung tâm này cho rằng nếu các nền kinh tế không có biện pháp đối phó, lạm phát có thể kéo lùi các kết quả thu được trong năm 2022 và lại đẩy thế giới vào suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024.
Dù thế, theo báo cáo dự báo của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) mà hãng tin Bloomberg dẫn lại thì đây là vấn đề không quá nghiêm trọng. Lạm phát ở các nền kinh tế lớn có thể sẽ tăng cao tạm thời vào đầu năm 2022 nhưng rồi sẽ giảm dần trong các tháng tới. Còn theo dự báo của Công ty tư vấn Oxford Economics (Anh), lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ mức đỉnh 5% trong quý IV năm nay xuống còn 2,8% trong năm sau, thấp hơn mức trung bình 3,2% của năm 2019.•
Không khí đón năm mới 2022 ở một số nơi trên thế giới
Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, năm nay, Hy Lạp chỉ tổ chức những sự kiện quy mô nhỏ để chào đón năm mới do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Omicron. Trong ảnh là màn bắn pháo hoa tại thành cổ Acropolis tại Athens, Hy Lạp.
Pakistan chào đón năm mới 2022 bằng màn bắn pháo hoa đặc sắc và những sự kiện sôi động khi chuông đồng hồ điểm thời khắc giao thừa. Các bang Lahore và Islamabad có những màn trình diễn nhạc nước đầy mê hoặc. Nhiều người dân tập trung tại Bahria Town Lahore để chứng kiến màn bắn pháo hoa đẹp mặt tại bản sao của tháp Eiffel để chào đón năm mới.
Tại bang Karachi cũng diễn ra những sự kiện đặc sắc. Khi chuông đồng hồ điểm gần 12 giờ đêm, người dân nới đây có truyền thống nhìn ra biển và thưởng thức âm nhạc dân gian Sindhi truyền thống.
Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân tại Anh vẫn tụ tập tại các thành phố lớn như London và Manchester để đón Giao thừa. Tiếng chuông đồng hồ Big Ben sẽ vang lên vào thời khắc giao thừa sau gần 4 năm im lặng.
Kể từ khi bắt đầu sửa chữa vào năm 2017, đồng hồ Big Ben chỉ đổ chuông trong những sự kiện quan trọng như thời điểm Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Quá trình sửa chữa do Công ty Đồng hồ Cumbria (Anh) thực hiện, trong đó có việc làm sạch mặt đồng hồ Big Ben.
Dù bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống dịch Covid-19, nhưng Nga vẫn tổ chức màn bắn pháo hoa tại một số khu vực. Trong ảnh là màn pháo hoa đẹp mắt trên bầu trời khu vực Nhà thờ St. Basil, Điện Kremlin và Tháp Spasskaya được quan sát từ Quảng Trường Đỏ.
Lần thứ hai liên tiếp, người dân Séc sẽ phải hạn chế các bữa tiệc và tụ tập đông người trong đêm giao thừa do đại dịch Covid-19. Theo đó, chỉ có tối đa 50 người có thể ăn mừng cùng nhau trong nhà, không quá bốn người có thể ngồi cùng một bàn ăn ở trong quán rượu và nhà hàng, trừ khi họ là thành viên trong gia đình. Ngoài ra, chỉ những người được tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh do Covid-19 trong sáu tháng qua mới được phép vào các quán bar và câu lạc bộ.
Theo thông lệ, vào thời khắc đón giao thừa và ngày đầu năm mới, hàng nghìn người tập trung về các quảng trường lớn của Séc như Quảng trường Con ngựa, Quảng trường Con gà hay cầu Charles để xem các màn bắn pháo hoa chào mừng năm mới, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, tham quan, mua sắm cũng như thưởng thức các món ăn, các loại bia truyền thống của Séc. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên từ năm ngoái tới năm nay đa số người dân đã lựa chọn việc đón năm mới tại nhà để đảm bảo an toàn và cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình – xã hội.
Các hoạt động chào mừng năm mới 2022 đã bắt đầu ở thủ đô Belgrade của Serbia, nơi không giống như nhiều khu vực khác ở châu Âu, các cuộc tụ tập đông người vẫn được phép diễn ra. Đám đông lớn tụ tập trong thành phố để xem các buổi hòa nhạc ngoài trời, bắn pháo hoa và trình diễn ánh sáng.
Ấn Độ hạn chế tổ chức các sự kiện chào đón năm mới 2022 do sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Omicron. Năm nay, người dân không tụ tập ăn mừng tại Cổng chào Ấn Độ (Gateway of India) – một địa danh biểu tượng hay khu trung tâm thương mại Connaught Place tại New Delhi như các năm trước. Tuy vậy, ở một số nơi, chẳng hạn như Goa hay Punjab người dân vẫn đổ ra đường ca hát, nhảy múa và thưởng thức màn bắn pháo hoa.
Tùng Anh
Theo: Cánh cò