Thời gian vừa qua đã xảy ra hai vụ việc thương tâm liên quan đến hai quân nhân trong thời gian làm nghĩa vụ. Đây là nỗi đau chung của các gia đình và cả xã hội vì nhân dân luôn dành cho những người lính cụ Hồ một tình cảm rất đặc biệt. Tuy vụ việc đã kết thúc minh bạch nhưng vẫn còn không ít lời lẽ xuyên tạc từ những kẻ cơ hội chính trị.
Hai quân nhân không may qua đời là quân nhân Trần Đức Đô ở Quảng Ninh và mới đây là quân nhân Nguyễn Văn Thiên tại Gia Lai. Hai vụ việc đã gây chấn động rất lớn trong dư luận xã hội, và mọi cơ quan ban ngành đều đã vào cuộc để điều tra rõ ràng nguyên nhân cụ thể. Quá trình điều tra, khám nghiệm được tiến hành công khai dưới sự chứng kiến của các bên, bao gồm cả người nhà của các chiến sỹ. Sau khi khám nghiệm, cơ quan pháp luật đã thông qua biên bản, tất cả cùng nghe và ký tên chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo đó, quân nhân Trần Đức Đô được kết luận là tự tử, còn quân nhân Nguyễn Văn Thiên tử vong do đột quỵ, té ngã, xuất huyết não, nhồi máu phổi. Các vụ việc đã qua đi, nhưng nỗi đau thì vẫn còn ở lại. Bên cạnh đó, lợi dụng mất mát này, những đối tượng cơ hội chính trị đang tìm cách tạo nghi vấn về kết luận điều tra và tranh thủ xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh quân đội nhân dân.
Khi các vụ việc xảy ra, mỗi người dân Việt Nam đều rất đồng cảm chia sẻ với gia đình hai đồng chí. Chắc chắn không có lời lẽ nào, dù khoa học đến đâu, có thể đủ để giải thích cho những người cha, người mẹ nuôi con gần 20 năm, phải tiễn con đi và đón con về trong nước mắt. Không bao giờ là đủ, và chắc chắn họ cũng chẳng bao giờ có thể tin một điều khủng khiếp như thế lại xảy ra với con mình. Họ sốc, họ đau đớn, đôi khi không nói lên lời hoặc có thể thốt ra những lời cay nghiệt nào đó. Cảm giác ấy không hề xa lạ với dân tộc này, khi suốt bao năm ròng chiến đấu với giặc ngoại xâm đã có hàng trăm nghìn, hàng triệu chiến sỹ của chúng ta ngã xuống, đồng nghĩa với bấy nhiêu nỗi đau của gia đình và người thân. Quân đội thấu hiểu cảm giác ấy, nhân dân thấu hiểu cảm giác ấy. Nhưng việc có những người lợi dụng nỗi đau ấy để làm cớ xuyên tạc, bôi nhọ quân đội thì lại là một việc làm đáng phê phán.
BBC Tiếng Việt muốn so sánh với các vụ việc tương tự ở Anh. Hãy xem họ viết gì: Từ năm 1995 đến 2002 đã có tới 5 quân nhân bị tử vong chỉ trong một doanh trại ở Anh, các vụ việc sau khi điều tra đều được khép lại và bỗng nhiên được xới lên sau 20 năm. Tuy nhiên cũng không có ai bị quy trách nhiệm hình sự. Nếu nhìn vào dư luận xã hội ở Việt Nam sau vụ việc không may của hai đồng chí, chúng ta có thể thấy áp lực còn lớn hơn nhiều. Đạo lý của người Việt Nam thương người như thể thương thân, quý trọng người lính nên mỗi vụ việc xảy ra đều gây xôn xao dư luận. Đó đâu phải là chuyện riêng như ở Anh, mà ở Việt Nam mỗi việc xảy ra với những người lính nghĩa vụ sẽ khiến hàng triệu bà mẹ cảm thấy thương tâm, đồng cảm, và thậm chí là lo lắng. Rồi cộng đồng, làng xóm, họ mạc, xã hội đều quan tâm. Trong bối cảnh đó chắc chắn các cơ quan chức năng phải điều tra rất nghiêm túc, chuẩn mực và đầy trách nhiệm.
BBC Tiếng Việt ám chỉ quân đội bao che, không minh bạch vụ việc, nhưng họ cần biết ở Việt Nam điều đó là không thể. Nếu quả thực quân đội bao che, thì bao nhiêu anh em đồng chí đồng đội ở cùng doanh trại, cùng đơn vị, cùng làng xóm có thể yên tâm tiếp tục công tác hay không. Nếu không rõ ràng thì hàng năm bao nhiêu nghìn người cha người mẹ có thể yên tâm cho con đi nhập ngũ nữa hay không. Rồi bao thế hệ người lính đã nhập ngũ, công tác và ra quân họ có thể để yên không nói gì hay không. Văn hóa cộng đồng, tình đoàn kết gắn bó dân tộc của người Việt Nam khiến những “suy luận” của BBC trở nên phi lý. Người Việt Nam không sống cá nhân như người phương Tây, mỗi cá nhân đều gắn bó chặt chẽ với gia đình, hàng xóm, họ mạc, và không có chuyện một vụ việc gì đó phải 20 năm mới được xới lên điều tra.
Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh quân đội nói chung và những người lính nói riêng lâu nay vốn luôn đẹp trong mắt nhân dân. Đúng là cũng từng có những vụ việc không hay xảy ra trong doanh trại, nhưng đều bị điều tra xét xử nghiêm minh. Đơn cử như vụ 6 quân nhân tham gia đánh chết một đồng ngũ tại trung đoàn 209, sư đoàn 312, quân đoàn 1 đã bị truy tố hồi năm 2004 đã được báo chí đăng tải công khai thời gian đó. Làm sao BBC có thể xuyên tạc rằng quân đội bao che, sợ xấu mặt khi đã có những vụ án như thế xảy ra.
Các vụ việc đã khép lại nhưng nỗi đau còn kéo dài, nhất là với những người cha, người mẹ và thân nhân gia đình các đồng chí không may tử nạn. Chúng ta đồng cảm cùng họ, tiếc thương cho các chiến sỹ, nhưng cũng cần tỉnh táo không để các thế lực phản động lôi kéo, trở thành công cụ cho họ chống phá quân đội và Nhà nước.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ