Văn hóa từ chức lâu nay được bàn luận sôi nổi trong mọi tầng lớp xã hội. Nhiều ý kiến được đưa ra, trong đó tập trung vào hai hướng chính là chê bai thói tham quyền cố vị, và thứ hai là tự hỏi vì sao quan chức Việt Nam không “dũng cảm” từ chức như ở nước ngoài. Nhiều đối tượng cơ hội, phản động cũng tranh thủ ném đá, cho rằng đó là yếu kém của thể chế và tham nhũng.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đây là chủ trương có ý nghĩa đột phá, giúp công tác cán bộ trở nên tròn khâu “có lên-có xuống, có vào-có ra” như quyết tâm chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trong nhiều nhiệm kỳ qua. Bên cạnh những kỳ vọng cho một thời kỳ mới, vẫn còn không ít “lời ong tiếng ve”, nhiều đối tượng phản động, cơ hội nhân dịp này dẫn chứng lại những vụ án tham ô tham nhũng đã bị triệt phá, để cho rằng quan chức ở Việt Nam tham quyền cố vị vì có nhiều “bổng lộc”.
Khi đề cập đến văn hóa từ chức, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã trải lòng thế này: Văn hóa từ chức không phải là một hiện tượng pháp lý mà đây là một hiện tượng xã hội. Đã là hiện tượng xã hội thì phải do xã hội điều chỉnh. Ông cho rằng văn hóa từ chức chưa diễn ra ở nước ta là vì mấy lẽ: Thứ nhất, đó là do lòng tự trọng của con người, do sự liêm sỉ ở trong mỗi cá nhân. Thứ hai, đó là do bản tính tham quyền cố vị. Và ông kết lại: Quan trọng nhất của vấn đề là giáo dục lòng tự trọng của con người.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, người đã 2 lần đề cập đến văn hóa từ chức tại nghị trường Quốc hội cho rằng, nguyên nhân chính ở đây là hành lang pháp lý, khi chúng ta tạo ra được điều này thì người ta cũng có thể rút lui, thực hiện văn hóa từ chức trong danh dự, trong sự chia sẻ của xã hội. Nếu tạo ra được một môi trường xã hội lành mạnh theo nghĩa thẳng thắn phê phán những việc làm sai trái, đồng thời ủng hộ những tấm gương, những người sống liêm chính thì sẽ tạo ra tiền lệ cho văn hóa từ chức.
Đây có lẽ là hai ý kiến nổi bật nhất cho đến nay, thể hiện các Đại biểu đã cố gắng lý giải một cách tổng thể nguyên do vì sao Việt Nam thiếu văn hóa từ chức. Tuy nhiên, nhưng kiến giải này dù rất tâm huyết nhưng vẫn còn nhiều điểm cần phải bổ sung. Lý do chủ yếu khiến nhiều người “đau đáu” đến vậy với “văn hóa từ chức” có lẽ là vì chúng ta quen so sánh với nước ngoài, vì sao thấy quan chức bên họ “từ chức ầm ầm” mà ở nước ta thật hiếm hoi.
Hãy đi từ xuất phát cơ bản nhất, là con người, có ai không “tham quyền cố vị”, ít nhất là ở một khía cạnh nào đó? Ông Putin giữ cương vị Tổng thống Nga hơn 20 năm, bà Merkel giữ chức Thủ tướng Đức 16 năm, ông Lý Quang Diệu giữ chức Thủ tướng Singapore hơn 37 năm và con trai ông, Lý Hiển Long cũng giữ chức này hơn 17 năm. Từng có chính trị gia phương Tây phát biểu đại ý khi chưa đắc cử thì chỉ muốn trúng cử, và trúng cử rồi thì chỉ muốn tái đắc cử. Đó là cách phát triển sự nghiệp của những cá nhân có năng lực và tham vọng vượt trội, không thể vì sự khác biệt thể chế chính trị mỗi nước rồi kết luận đơn thuần là ai đó tham quyền cố vị.
Đối với văn hóa từ chức, các chuyên gia Việt Nam lâu nay luôn nhìn nhận việc từ chức của các lãnh đạo phương Tây là vì trọng danh dự, sợ xã hội chê cười nên từ chức. Rất tiếc đó chỉ là một mặt của vấn đề, trên thực tế nhiều khi việc từ chức của lãnh đạo phương Tây còn là một chiêu bài chính trị. Mới đây chính trường Thụy Điển dậy sóng trước việc bà Magdalena Andersson được bầu làm Thủ tướng lần thứ hai chỉ trong vòng 1 tuần. Trong lần đầu được bầu giữ chức, bà không được Đảng xanh trong liên minh cầm quyền ủng hộ nên quyết định từ chức với tính toán là bà sẽ tái cử khi Đảng của bà không cần liên minh với Đảng xanh. Và kết quả đã chứng minh tính toán này là chính xác. Khá nhiều trường hợp các quan chức ở phương Tây từ chức hoặc bị sa thải nhưng sau đó một thời gian lại được bổ nhiệm chứng minh cho nhận định này. Việc từ chức của lãnh đạo phương Tây thực chất cũng chỉ xảy đến khi họ cảm thấy đã không còn sự ủng hộ của bộ máy và Quốc hội, sức ép nặng nền khiến họ không còn cách nào khác ngoài việc từ chức, không đơn thuần là việc tự nhận thức về bản thân hay tự trọng.
Trong khi đó, việc từ chức ở Việt Nam xưa nay luôn bị xem là một mất mát lớn, là biểu hiện của sự yếu kém, bị ruồng bỏ, mất danh dự, và sự nghiệp cũng coi chấm dứt. Văn hóa chức tước ở Việt Nam không chỉ phản ánh vị trí của một người trong bộ máy, mà nó còn phản ánh một cách sâu sắc văn hóa cộng đồng khi một người làm quan cả họ mở mày mở mặt. Thế nhưng chúng ta cũng từng có nhiều tấm gương chủ động giã áo từ quan. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam có không ít bậc hiền tài quyết liệt từ quan, từ chức, trở thành tấm gương sáng cho muôn đời sau, như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ… Thời đại Hồ Chí Minh, trong Đảng ta cũng đã có nhiều cán bộ, đảng viên cao cấp xin rút khỏi (từ chức) các cơ quan lãnh đạo cấp cao sau khi phạm sai lầm trong công tác quản lý, trở thành tấm gương sáng trong việc nêu gương của cán bộ. Ví như, sau những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất được kết luận, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã xin rút khỏi Bộ Chính trị, đồng chí Hồ Viết Thắng xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương và đặc biệt, đồng chí Trường Chinh xin từ chức Tổng Bí thư của Đảng…
Bàn luận về văn hóa từ chức cần một cái nhìn công tâm, không thể chỉ đưa ra những chê trách một chiều, dễ bị các thế lực cơ hội, phản động bóp méo để vu vạ, xuyên tạc đạo đức cán bộ cũng như công tác nhân sự của Đảng và Nhà nước. Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ chính trị thể hiện tính đột phá ở chỗ nó tạo ra hành lang, cơ chế và cả “sức ép” cần thiết cho việc từ chức, tương tự như sức ép mà các lãnh đạo phương Tây phải đối mặt khi quyết định rút lui khỏi vị trí. Tin rằng thời gian tới, quy định này đi vào cuộc sống sẽ góp phần quan trọng loại bỏ sự trì trệ, quan liêu trong quá trình làm việc của một số cán bộ. Thay vào đó mỗi cán bộ phải tự đề cao trách nhiệm, năng lực, hiệu quả, tính năng động và sáng tạo để xứng đáng với trọng trách, vị trí mà mình được bổ nhiệm, và cũng sẵn sàng rút lui khi cần thiết.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ