Liên quan đến việc phát triển vaccine phòng Covid-19 nội địa, những chiếc “lưỡi không xương” tiếp tục tung ra nhiều luận điệu lệch lạc, vu khống đối với Việt Nam.
Vừa qua, Việt Nam Thời báo đăng tải bài viết với tiêu đề “Vì sao Bộ Y tế vẫn lặng im?”. Bắt đầu câu chuyện từ câu hỏi “đến tận thời điểm hiện tại, vẫn chưa thấy vaccine made in Vietnam duyệt và chích rộng rãi cho dân”, các đối tượng đã xấu đã dẫn dắt ra nhiều thông tin thiếu chính xác, hướng lái dư luận một cách tiêu cực: “các quan chức trong Hội đồng thẩm định cũng như Bộ Y tế sẵn sàng lờ đi, bất chấp sức khỏe của người dân?”, “Tốn tiền mua vaccine, ngoại giao vaccine làm gì, trong khi đó, Việt Nam vẫn có thể sản xuất”…
Thậm chí, những câu chuyện mang tính chất không tưởng, những “thuyết âm mưu” vô cùng đen tối cũng đã được tô vẽ ra như: “rất có thể là có sức ép của giặc Tàu không cho ra vaccine…hoặc có thể lợi ích từ chỉ đạo xét nghiệm toàn dân đã đủ lớn để không cho Nanocovax ra đời”…
Hay ở một khía cạnh khác, các đối tượng xấu lại thêu dệt ra câu chuyện cho rằng, Việt Nam không có đủ năng lực nghiên cứu vaccine phòng Covid-19. Các đối tượng vu khống việc chúng ta đưa ra thông tin liên quan đến vaccine Nano Covax và những vaccine nội địa khác chỉ là tự huyễn hoặc, đánh lừa người dân.
Liên quan đến việc nghiên cứu, sản xuất vaccine nội địa phòng Covid-19, đây là một nhiệm vụ khoa học được Việt Nam hết sức quan tâm và thúc đẩy. Thực tế, nhiều đơn vị trong nước đã tiến hành nghiên cứu và đạt được các kết quả đáng kỳ vọng. Theo đó, vaccine Nano Covax đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3, vaccine Covivac và ARCT-154 (loại vaccine chuyển giao công nghệ từ Mỹ) đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2. Toàn bộ các dự án nghiên cứu vaccine, việc thử nghiệm lâm sàng đều được công bố thông tin một cách công khai. Vì vậy, luận điệu cho rằng Việt Nam “đánh lừa người dân về việc có thể tự sản xuất vaccine COVID-19” là xuyên tạc.
Hơn nữa, năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận Việt Nam là 1 trong 39 nước có Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) đạt tiêu chuẩn quốc tế. Liên quan đến việc nghiên cứu vaccine phòng Covid-19, những kết quả mà các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được là không thể phủ nhận. Nên nhớ, Tập đoàn dược phẩm Vekaria (Ấn Độ) đã ký kết nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccineNano Covax. Sau đó, công ty HLB Pharma Ceutical của Hàn Quốc cũng đã kí biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ vaccine Nano Covax sau khi nhìn thấy tiềm năng của loại vaccine này.
Liên quan đến vaccine Nano Covax, nhiều câu hỏi xung quanh việc cấp phép đã được đưa ra. Không chỉ các thành viên của nhóm nghiên cứu, rất nhiều người dân Việt Nam cũng mong mỏi ngày vaccine phòng Covid-19 “made in Viet Nam” được cấp phép lưu hành. Trên thực tế, phía đơn vị nghiên cứu đã từng trình hồ sơ đề nghị cấp phép khẩn cấp. Tuy nhiên, do chưa đủ thông tin, dữ liệu nên Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa thông qua.
Nói thẳng, nóng lòng muốn vaccine Nano Covax được cấp phép là tâm lý chung. Nó không những mang lại lợi ích kinh tế mà còn thể hiện sự phát triển của nền khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà được phép dễ dãi. Vaccine nói riêng và tất cả các sản phẩm y tế nói chung đều ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, sức khoẻ của rất nhiều người. Vì vậy, cần phải hết sức thận trọng khi xem xét cấp phép lưu hành. Việc các cơ quan chức năng chưa cấp phép cho vaccine Nano Covax là do đơn vị nghiên cứu chưa cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu, các kết quả liên quan về hiệu lực, hiệu quả, tính an toàn của vaccine. Việc các đối tượng xấu hướng lái cho rằng lý do là vì “lợi ích nhóm”, vì áp lực từ các cá nhân, tổ chức bên ngoài là luận điệu vô căn cứ.
Tại Việt Nam, những thử nghiệm của các loại vaccine đã bước sang giai đoạn cuối. Chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng về các vaccine của Việt Nam. Việc xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu trong phòng, chống dịch của đất nước không giúp đẩy lùi dịch bệnh. Chỉ có chấp hành đúng các hướng dẫn về y tế, nâng cao ý thức phòng, chống dịch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng mới góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Bảo An
Theo: Hội Cờ đỏ