Cái gọi là “đấu tranh bất bạo động” từ lâu đã được nhận diện là một thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch, lợi dụng danh nghĩa tự do, dân chủ để tấn công phá hoại chính quyền.
Mới đây, Lưu Trọng Văn đã trắng trợn ủng hộ hình thức đấu tranh này để xây dựng một “xã hội sống chung”, tên gọi nghĩa bóng của khái niệm “đa nguyên đa đảng”. Đã thế ông ta lại còn ngụy biện đến mức đưa cả các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ra để làm “ví dụ”.
Cụ thể, Lưu Trọng Văn công khai “điểm danh” và khen ngợi các đối tượng Trần Huỳnh Duy Thức, kẻ bị kết án 16 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và Vũ Thư Hiên, đối tượng từng bị xử tù vì phản bội Tổ quốc, làm tình báo cho nước ngoài”, nay đã sống lưu vong. Lưu Trọng Văn tỏ ra ủng hộ đường lối đấu tranh “bất bạo động” của các đối tượng này vì mục tiêu xây dựng “xã hội sống chung” hay là “đa nguyên đa đảng”.
Với bài viết này, Lưu Trọng Văn đã có 3 lần ngụy biện. Thứ nhất cái gọi là “đấu tranh bất bạo động” không hề vì mục đích hòa bình hay “sống chung”, mà đây là một hình thức của “Diễn biến hòa bình”. Nó còn được gọi là “cuộc chiến không tiếng súng” – là chiến lược chống phá của các thế lực thù địch nhằm vào chính quyền. Con đường chủ yếu của chúng là xuyên tạc, kích động, gây phá hoại từ bên trong bằng cách gây chia rẽ, tạo mâu thuẫn nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, từ đó tạo ra các lực lượng chính trị núp bóng “tự do, dân chủ” và tiến tới lật đổ chế độ mà không cần sử dụng vũ lực, không cần chiến tranh. Tội danh của các đối tượng Trần Huỳnh Duy Thức và Vũ Duy Hiên đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Việt Nam, và hiện tại chúng là tội phạm bị giam giữ hoặc sống lưu vong.
Ngụy biện thứ hai của Lưu Trọng Văn là về ngụy biện “xã hội sống chung” mà nói thẳng ra như ý ông là “đa nguyên đa đảng”. Hiến pháp Việt Nam đã quy định Đảng là “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Nếu muốn xây dựng đất nước giàu đẹp, “sống chung” thì những người có tài, có tâm hoàn toàn có thể xin gia nhập Đảng để cống hiến. Việc Lưu Trọng Văn đòi đưa ra một khái niệm “sống chung” mới phải chăng là muốn phá hoại mối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được xây dựng từ môi hôi xương máu của biết bao thế hệ?
Ngụy biện thứ ba là Lưu Trọng Văn ám chỉ việc có các Đảng cộng sản ở nhiều nước tư bản phương Tây như biểu hiện của “sống chung” và cần “áp dụng” cho Việt Nam. Cần nhắc cho ông nhớ là thế giới hiện nay có hơn 200 quốc gia, và thể chế chính trị của mỗi quốc gia không hề giống nhau, nó phụ thuộc vào lịch sử, đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của mỗi nước. Bởi vậy trong hợp tác quốc tế ngày nay giữa các quốc gia, tinh thần chung là “hợp tác cùng có lợi, bình đẳng tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Những quan điểm đòi mang tư duy và mô hình nước này áp đặt vào nước khác đã gây ra rất nhiều hậu quả trong quá khứ và ngày càng bị cộng đồng tiến bộ thế giới lên án, tẩy chay. Chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015 là một sự kiện lịch sử khẳng định quốc gia tư bản đứng đầu thế giới như Mỹ hoàn toàn tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Vậy mà không hiểu sao vẫn có những người Việt Nam cổ hủ, lạc hậu hay ngoan cố muốn đi ngược lai tinh thần chung của thế giới tiến bộ, quyết phá hoại sự ổn định chính trị của đất nước.
Lưu Trọng Văn có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, nhưng thay vì dùng tài năng của mình vào những việc đúng đắn, cống hiến cho xã hội, ông lại sử dụng nó để ngụy tạo và xuyên tạc. Việc công khai ủng hộ “đấu tranh bất bạo động”, “đa nguyên đa đảng” nghĩa là ông đã đồng lõa với những kẻ tội phạm đang bị bắt giam và xét xử như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, và chỗ của ông là đứng bên lề xã hội tiến bộ.
Bảo An
Theo: Hội Cờ đỏ