Ông Phan Văn Mãi chia sẽ về áp lực chống dịch từ khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch thành phố đến nay. Sau hơn một tháng “mở cửa”, cuộc sống người dân TP HCM đang dần trở lại bình thường.
– Cuộc sống người dân TP HCM đang dần trở lại bình thường sau hơn một tháng ‘mở cửa’. Nhìn về giai đoạn chống dịch khốc liệt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên từng chia sẻ “nỗi lo lắng, ám ảnh vẫn còn hiện hữu đến hôm nay”. Với cá nhân ông thì sao?
– Tôi đã có những khoảng thời gian rất lo lắng. Nhất là khi số bệnh nặng liên tục tăng cao, số tử vong có hôm trên 300 người, hay những lúc người dân cần nhập viện mà không có chỗ… Tôi vừa lo cho sức khỏe người dân vừa thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm khi không cung cấp được đầy đủ về y tế. Bây giờ nhìn lại, không biết lúc đó sao mình chịu đựng được, có thể vượt qua giai đoạn khó khăn như vậy.
Có những lúc tôi thấy áp lực khủng khiếp. Nhưng rồi tôi nghĩ, đây là việc phải làm, chỉ có cách đối diện để cố gắng mỗi ngày. Bên cạnh mình còn có anh em, có lực lượng tăng cường hỗ trợ. Mừng cái nữa là sau này thành phố có thêm vaccine, thuốc, kinh nghiệm tiếp nhận, điều trị bớt lúng túng… nên tình hình dần cải thiện.
– Được bổ nhiệm làm Phó bí thư thường trực Thành ủy vào đầu tháng 6 và hai tháng sau, ông được điều động làm Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 trong giai đoạn dịch căng thẳng nhất. Ông đã đối diện với việc này như thế nào?
– Tôi về thành phố được thời gian rất ngắn, công việc còn mới mẻ. Nhận nhiệm vụ lúc dịch bệnh bùng phát nên tập trung lớn nhất của tôi là cùng các lãnh đạo và hệ thống chính trị, nhân dân thành phố thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, sự hướng dẫn của bộ ngành chuyên môn.
Có thể nói, đến giờ này, dù ở nhiệm vụ là Phó bí thư thường trực Thành ủy hay Chủ tịch UBND thành phố đều trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh nên công tác phòng chống dịch gần như chiếm hết thời gian của tôi cũng như các lãnh đạo thành phố. Hơn một tháng gần đây, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, tôi mới có thời gian cho các nhiệm vụ khác như phát triển kinh tế, xã hội…
– Trong suốt 5 tháng chống dịch, TP HCM đã ra nhiều quyết định tác động đến người dân. Ảnh hưởng lớn nhất là quyết định nâng cấp độ giãn cách xã hội trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp từ ngày 23/8. Đã có những lo ngại, cân nhắc nào được đưa ra trước quyết định này, thưa ông?
– Ở một đô thị lớn như TP HCM, không có quyết định nào gọi là nhỏ, nhất là những quyết định tác động đến toàn bộ người dân. Cho nên, lúc đầu thành phố cũng đặt vấn đề ban bố tình trạng khẩn cấp. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, chúng tôi thấy rằng việc đó có thể sẽ tạo ra những hệ lụy mà mình chưa lường hết được. Do vậy, thành phố bàn đi, bàn lại và đề xuất thống nhất áp dụng một số biện pháp của tình huống khẩn cấp mà không ban bố tình trạng khẩn cấp.
Mười mấy triệu dân thực hiện “ở đâu yên đó”. Mình thấy việc hạn chế đi lại, người dân có thể chịu được, nhưng vấn đề cung cấp lương thực, thực phẩm rồi các nhu cầu thiết yếu của người dân, trong đó có nhu cầu về y tế đang rất nóng, sẽ đáp ứng bằng cách nào? Tổ chức lực lượng, hậu cần để đáp ứng là một nhiệm vụ quá lớn.
Việc cung ứng hàng hoá của thành phố bình thường do thị trường điều tiết. Khi mình cho dừng lại hết rồi, chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy, các dịch vụ phải tạm dừng. Cho nên, lúc đó rất khó khăn, thành phố phải mất hơn một tuần để chuẩn bị.
Chưa kể, khi Trung ương quyết định tăng cường các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Công an và lực lượng khác vào, thành phố cũng phải tổ chức phối hợp, phân, giao nhiệm vụ sao cho tốt, cũng rất khó khăn. Rất may các anh ở Bộ Quốc phòng và Công an có nhiều kinh nghiệm điều, bố trí quân nên đã hỗ trợ rất nhiều cho thành phố.
Trong quá trình đó, TP HCM bằng thực tiễn của mình cũng đề xuất với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ. Ví dụ, theo kế hoạch ban đầu người dân ở nhà, ai ở đâu yên đó, lực lượng quân đội sẽ đảm nhận việc đi mua hàng và cung cấp lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, việc này nếu tổ chức theo đặc điểm của thành phố, sẽ phát huy một phần lực lượng cung ứng của thị trường. Vì vậy, sau đó, lực lượng shipper đã được hoạt động để phục vụ nhu cầu người dân.
Đó là những việc chưa có tiền lệ, thành phố chưa bao giờ xảy ra tình huống như thế, tất cả đều rất mới mẻ, thách thức. Quá trình làm, anh em cũng bàn bạc, cái gì nhận diện ra sẽ thống nhất làm, rút ra điều gì sẽ tiếp tục điều chỉnh. Cho nên, có thể nói công tác phòng chống dịch của TP HCM vừa qua là quá trình vừa học vừa điều chỉnh rất nhiều.
– Theo ông, quyết định nào giúp tình hình dịch của TP HCM thay đổi?
– Kết quả của một quá trình như vừa qua mình không thể nói do một hay hai yếu tố quyết định được. Tuy nhiên, theo tôi, tại thời điểm dịch bùng phát mạnh, chủ trương xây dựng “mỗi xã phường là một pháo đài, người dân là chiến sĩ” đã có hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch lây lan.
Cùng với đó, lực lượng tăng cường xuống từng pháo đài để củng cố các trạm y tế hiện hữu và lập thêm các trạm y tế lưu động với sự tham gia của các quân y hỗ trợ F0 tại nhà. Đồng thời, thành phố phát huy các đội hình hỗ trợ người dân tại cơ sở như đội phản ứng nhanh, nhóm tư vấn online theo địa bàn… là những lực lượng đóng góp rất lớn giúp tình hình chuyển biến.
– Trong suốt những tháng chống dịch vừa qua, có nuối tiếc nào mà ông nghĩ thành phố có thể làm tốt hơn?
– Chắc chắn có nhiều việc mình cần phải rút kinh nghiệm, nhưng thật sự chúng ta đã làm hết sức. Thành phố đang chuẩn bị sơ kết công tác chống dịch và sẽ đánh giá đầy đủ hơn việc này. Tôi nghĩ chúng ta nên đánh giá việc này theo thời điểm. Tức là mình rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho tình huống tương tự sẽ xử lý thế nào để hiệu quả hơn. Còn nếu nói quay lại và nuối tiếc gì thì nó đã xảy ra rồi.
– Ở thời điểm ngày 1/10, TP HCM bắt đầu mở cửa hoạt động, dần tái thiết thành phố. Nhưng cũng lúc này, dòng lao động di cư ồ ạt rời thành phố về quê. Khi ấy, ông cảm thấy như thế nào?
– Những ngày đầu tháng 10, tôi có mặt ở các cửa ngõ và chứng kiến dòng người khá đông rời thành phố bằng xe máy. Lúc đó, tôi có rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ.
Trước mắt tôi, những cặp vợ chồng cùng con nhỏ đèo nhau qua quãng đường dài để về quê, thấy rất xót xa. Tôi rất chia sẻ với bà con đã trải qua thời gian dài phải chịu đựng. Nhưng việc lớn nữa là tại thời điểm đó, thành phố chưa thể nào mở ra các hoạt động kinh tế để bà con có thể yên tâm ở lại, để có việc làm, có sinh kế, thu nhập. Đó là điều khiến tôi ray rứt nhưng không thể làm khác được. Bởi vì các hoạt động kinh tế, xã hội phải mở dần dần theo tình hình kiểm soát dịch. Thực tế cho đến lúc này, sau hơn một tháng ngưng giãn cách, thành phố vẫn chưa thể mở lại hết các hoạt động kinh tế – xã hội như trước.
Việc người lao động rời thành phố nhiều như thế sẽ ảnh hưởng lực lượng lao động của nền kinh tế. Chuyện đó cũng đặt ra suy nghĩ cho thành phố phải có chiến lược về lao động, an sinh xã hội, việc làm, nhà ở cho người lao động. Việc này phải đi từ cơ cấu kinh tế của thành phố, rồi từ đó có chiến lược bài bản về lao động, về đào tạo nghề để đáp ứng. Sau đó là các chính sách về nhà ở và các chính sách khác cho người lao động.
Thành phố đặt mục tiêu từ đây đến năm 2030 xây dựng một triệu căn hộ giá rẻ cho người thu nhập thấp. Trong đó phân kỳ từ nay đến năm 2025, tập trung cho phân khúc nhà ở cho công nhân, nhà trên kênh rạch, thay thế chung cư cũ. Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng cơ chế, chính sách giúp chủ nhà trọ cải tạo, nâng cao chất lượng nhà cho thuê đúng quy chuẩn, góp phần cải thiện nơi ở của người lao động. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ đẩy nhanh thủ tục, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư dự án, tạo nguồn lực đất đai, xã hội hoá nguồn vốn đầu tư…
– Ở giai đoạn quyết định chỉ mở cửa dần các hoạt động của thành phố, có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, TP HCM thận trọng không cần thiết vì khi đã phủ đủ vaccine, Covid-19 không thể biến mất thì phải xác định sống chung với dịch. Quan điểm của ông như thế nào?
– Sau thời gian phòng chống dịch, có nhiều ý kiến nhận định về các biện pháp kiểm soát dịch khác nhau. Có người ủng hộ mở cửa để sớm phục hồi kinh tế, có ý kiến đề nghị chưa mở vì lo sợ dịch bùng phát trở lại. Ngay bây giờ thành phố cũng nhận được 2 luồng quan điểm. Một luồng cho rằng như vậy là chậm, dè dặt, quá thận trọng. Nhưng cũng có luồng nói thành phố mở như vậy là nguy hiểm, chủ quan, cho nên mình phải cân nhắc rất kỹ.
Sau gần một tháng rưỡi mở cửa, dù số ca nhiễm tăng nhưng số ca nặng, ca tử vong vẫn trong theo dõi và kiểm soát. Trước ý kiến của các chuyên gia, mình cần ghi nhận, tiếp thu để có sự điều chỉnh.
Từ khi nhận nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố, tôi có các kênh tiếp thu ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Ở các quyết định về biện pháp phòng chống dịch thời gian qua, thành phố có nhiều điều chỉnh từ việc tiếp thu này.
Thế giới đã đúc kết và đưa ra công thức nào trong phòng chống Covid-19 hay không, chứ theo cá nhân tôi, việc này có lẽ không có đáp án đúng hoàn toàn mà chỉ chọn giải pháp phù hợp ở từng thời điểm. Có thể biện pháp đó đúng với tình huống hiện tại nhưng sau này mình nhìn lại sẽ thấy khác. Cho nên việc đánh giá công tác chống dịch nên đặt trong từng tình huống và bối cảnh lịch sử của nó.
– Sau hơn một tháng mở cửa, nhiều hoạt động kinh tế đang có những dấu hiệu hồi phục, ông đánh giá thế nào về kết quả này?
– Hơn một tháng qua, TP HCM vừa tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch vừa dần mở các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Sau nhiều tháng giãn cách, các hoạt động xã hội, sinh hoạt người dân trở lại bình thường trong điều kiện mới. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi, nhiều lĩnh vực đạt 70-90%. Việc này đã tạo ra những cơ hội việc làm, sinh kế và thu nhập cho người dân. Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đều phấn khởi với kết quả này.
TP HCM đã trải qua thời điểm khó khăn nhất, và chúng tôi tự đáy lòng rất biết ơn Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng như các bộ ngành trung ương, các địa phương đã chia sẻ kịp thời, giúp đỡ hiệu quả để thành phố vượt qua những khó khăn.
Nói về cảm xúc lúc này, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đến giờ tình hình dịch vẫn kiểm soát được, các hoạt động bình thường của người dân, của xã hội, sản xuất kinh doanh dần phục hồi trở lại. Tôi vui khi thấy TP HCM đang trở lại một thành phố năng động vốn có, đúng vị thế của mình.
Tuy nhiên, tôi cũng rất lo vì nguy cơ dịch bùng phát trở lại do TP HCM là trung tâm giao thương lớn, mật độ dân cư cao và đặc biệt biến chủng của virus rất phức tạp. Trên thực tế, nhiều thành phố, nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải đóng cửa trở lại khi vừa mở ra. Đây cũng là tình huống, nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đối với tôi. Thành phố đang theo dõi sát sao, nghiên cứu và thường xuyên cập nhật các kế hoạch phòng chống dịch với những kịch bản, giải pháp phù hợp.
– Vậy thành phố đưa ra kế hoạch ứng phó như thế nào để dịch không bùng phát trở lại?
– Nghị quyết 128 của Chính phủ thể hiện tư tưởng rất rõ là thích ứng an toàn, sống trong điều kiện có dịch, phải kiểm soát được dịch. Cho nên mình phải nhất quán quan điểm này.
Với TP HCM, việc ca nhiễm tăng nằm trong dự tính của thành phố. Chúng tôi biết khi mở cửa và giao thương, khả năng tiếp xúc nhiều, chắc chắn ca nhiễm sẽ tăng. Để chuẩn bị cho chuyện đó, thành phố tiếp tục củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, khắc phục một số bất cập sẵn sàng ứng phó.
Đồng thời, thành phố đang theo dõi sát sao, giám sát tình hình bằng cơ chế cảnh báo dịch và cố gắng xây dựng các cơ chế để mở các hoạt động xã hội, kinh tế, sản xuất theo cấp độ dịch. Tinh thần của thành phố là chủ động các biện pháp phòng chống, ổn định sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, chứ không phải tình hình dịch cứ tăng lên một chút là đóng lại, giảm sẽ mở ra. Để làm được điều này không hề dễ. Do đó, thành phố tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm những cách thức để thích ứng an toàn.
– Trong giai đoạn tiếp theo, Thành phố sẽ đưa ra kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế như thế nào để thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19?
– Thành phố đang hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế với 2 giai đoạn chính: phục hồi và phát triển.
Giai đoạn thành phố hồi phục từ nay đến tháng 6/2022. Thứ nhất, chúng tôi sẽ tập trung củng cố hệ thống y tế nhất là khối cơ sở và dự phòng, làm sao đảm bảo năng lực, các biện pháp y tế về phòng chống dịch, làm nền tảng phục hồi các hoạt động kinh tế – xã hội.
Thứ hai, thành phố tập trung khắc phục những đổ gãy trong chuỗi sản xuất, cung ứng, hỗ trợ các doanh nghiệp gia nhập lại thị trường, phục hồi những hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thành phố cũng tập trung chăm lo về an sinh xã hội, việc làm, sinh kế cho người dân. Đây là 3 nhiệm vụ chính trong giai đoạn phục hồi.
Ở giai đoạn phát triển, sau tháng 6/2022, thành phố sẽ giải quyết các bất cập, điểm nghẽn đã bộc lộ trong thời gian dịch bệnh vừa qua, đã ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế, xã hội. Cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung tái cơ cấu kinh tế, quản trị thành phố và triển khai giải pháp khắc phục các điểm nghẽn, bất cập.
Để triển khai nhiệm vụ ở hai giai đoạn trọng tâm trên, thành phố đã xây dựng 11 chiến lược thành phần. Trong đó, có thể kể đến: Chiến lược y tế chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất. Chiến lược huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội thành phố, gồm cơ chế phát huy các nguồn lực ngoài ngân sách. Chiến lược cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền số. Chiến lược đảm bảo an sinh xã hội, trong đó chú trọng vấn đề lao động, việc làm, nhà ở của người dân thành phố..
Ngọc Anh
Theo: Cánh cò