Monday, November 25, 2024

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 6-6,5%

Chiều 11/11, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là thành viên Chính phủ thứ tư trả lời chất vấn trong kỳ lần thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Tiến độ giải ngân 2 tỷ USD cho Đồng bằng sông Cửu Long đến đâu

Dẫn quy định tại Chỉ thị 23 của Thủ tướng về việc yêu cầu phê duyệt quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long trong quý IV, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết đến nay đã một năm trôi qua mà quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt, ông đặt câu hỏi chất vấn về nguyên nhân của sự chậm trễ này và thời gian phê duyệt quy hoạch này.

Theo báo cáo 243 của Chính phủ về đầu tư công, Chính phủ dự kiến bổ sung 2 tỷ USD cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện chương trình mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Ông Tuấn Anh đặt câu hỏi về tình hình triển khai chương trình và tiến độ giải ngân.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nội dung quan trọng nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu cùng với việc huy động nguồn lực và cơ chế điều phối liên vùng. Đây là những nội dung được đưa vào Nghị quyết 120.

Về quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, ông Dũng cho biết Bộ KHĐT đã chủ trì, phối hợp cùng các tư vấn quốc tế làm bài bản và đã làm xong từ cuối năm 2020. Hiện đang trình Chính phủ và sẽ tổ chức thẩm định, xem xét trong thời gian tới.

“Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện thêm một bước nữa để sớm phê duyệt trong thời gian tới”, ông Dũng thông tin thêm.

Về nội dung bổ sung thêm bổ sung 2 tỷ USD, Bộ trưởng cho biết Chính phủ khóa trước đã cam kết ủng hộ cho vùng một khoảng tăng thêm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc này liên quan đến rất nhiều vấn đề như các nhà tài trợ, các bộ ngành. Hiện đã thống nhất với các nhà tài trợ.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xem xét thể chế tiếp cận nguồn vốn theo dự án hay theo chương trình mục tiêu đồng thời cần xem xét quy trình thủ tục thực hiện theo quy định trong nước hay ODA. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã thống nhất với Bộ Tài chính về sửa đổi Nghị định 56, từ đó báo cáo Chính phủ để phê duyệt để có cơ sở thực hiện các dự án.

Dự án giao cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm

Về vấn đề tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết ngoài nguyên nhân do dịch bệnh, còn có trách nhiệm lớn của các bên trong việc chuyển nguồn giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua.

Khi đi giám sát tại địa phương, đoàn Đại biểu Quốc hội được phản ánh trách nhiệm này thuộc về trung ương, nhưng khi làm việc với Bộ chủ quản, trách nhiệm lại được phản ánh thuộc về địa phương. Đại biểu Mai đề nghị Bộ trưởng KHĐT làm rõ vấn đề này.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Trường hợp dự án của địa phương thì địa phương phải là bên chịu trách nhiệm, tương tự với dự án của trung ương thì trách nhiệm cũng thuộc về trung ương.

Bên cạnh đó, với các dự án của trung ương triển khai tại địa phương, nếu cấu phần nào đã bàn giao cho địa phương thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Lấy ví dụ về công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Dũng cho biết hiện nay các dự án của trung ương tại địa phương đều gặp khó khăn liên quan giải phóng mặt bằng.

Vì vậy, trong đề án tách khoản bồi thường và hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu công sắp tới trình Quốc hội, Bộ KHĐT đang trình riêng phần giải phóng mặt bằng với quy định giao lại cho địa phương xử lý hoàn toàn. Bên cạnh đó, để thuận lợi cho địa phương, Bộ KHĐT cũng có đề xuất cho phép địa phương dùng cả ngân sách Trung ương cấp qua bộ, ngành và ngân sách địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

“Nếu tách được và giao hẳn cho địa phương thì sẽ tách bạch được trách nhiệm 2 bên trong cùng một dự án. Khi đó, tiến độ dự án cũng sẽ được cải thiện”, Bộ trưởng KHĐT nhấn mạnh.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm không thể đổ lỗi cho pháp luật

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ vấn đề hiện nay không phải ở luật pháp, mà vấn đề của đầu tư công luật quy định rõ ràng, đầy đủ, phân cấp triệt để cho địa phương, Bộ chỉ quản lý tổng hợp chung thông qua hệ thống công nghệ thông tin.

“Như vậy đã rất thông thoáng, thuận lợi cho các địa phương”, ông Dũng nói. Vì thế ông khẳng định tất cả nằm ở vấn đề tổ chức thực hiện, vì cùng một thể chế có nơi giải ngân được 100%, thậm chí phải ứng thêm vốn, trong khi có nơi rất thấp.

Ông dự báo cuối năm nay giải ngân không thể cao bằng năm 2020, khả năng chỉ đạt 80-85%. Ông đề nghị các địa phương nghiêm khắc nhìn nhận vấn đề, không đổ cho pháp luật.

“Tiền có chưa tiêu hết thì tiêu mới cái gì?”

Từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chia sẻ quan điểm về việc giải ngân vốn đầu tư công. Ông nhắc lại năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục 98%. “Thể chế của năm 2021 phải tiến bộ hơn năm 2020 chứ. Vì sao trong cùng một thể chế lại có nơi giải ngân cao, nơi giải ngân thấp?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Ông đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi là gì, vì đến hết 10 tháng rồi chưa giải ngân được 50%. Theo Chủ tịch Quốc hội, doanh nghiệp, người dân đều mong muốn có gói kích thích mới, nhưng “toàn bộ số tiền chúng ta có chưa tiêu hết đây thì tiêu mới cái gì?”.

Từ đó, ông đặt câu hỏi về năng lực hấp thu vốn khi 16.000 tỷ của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ được đồng nào; 56.000 tỷ của các địa phương cũng chưa phân bổ được đồng nào?

“Nếu chúng ta không làm rõ được chuyện này, Quốc hội có chất vấn xong thì vẫn như vậy thôi, trách nhiệm nằm ở đâu phải nói cho rõ. Tình hình kiểm tra, giám sát và từng nguyên nhân vướng mắc chúng ta sẽ giải quyết thế nào chứ không thể nói chung chung được”, ông yêu cầu.

Nêu bối cảnh năm 2020 cũng có dịch Covid-19 và đất nước phải lo rất nhiều công việc lớn nhưng chúng ta vẫn giải ngân được tỷ lệ lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nói rõ câu chuyện này.

“Không thể để tình trạng này kéo dài mãi, vì nền kinh tế đang rất thiếu vốn. Nhiều đại biểu muốn nới bội chi, tăng trần nợ công rồi có gói nọ, gói kia, nhưng toàn bộ số tiền chúng ta có còn chưa tiêu được”, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại.

Tư duy nhiệm kỳ làm chậm giải ngân vốn đầu tư công?

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) sử dụng quyền tranh luận để trao đổi lại với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về nội dung giải ngân vốn đầu tư công. Ông Hạ cho biết khi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, đầu tư công là vấn đề được nhìn nhận còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

“Không chỉ vấn đề giải ngân mà bất cập từ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cho đến khi kết thúc dự án. Có ý kiến nói mắc do luật, có người nói phần nhiều do tổ chức thực hiện và tôi cũng đồng ý quan điểm do tổ chức thực hiện”, ông Hạ nói.

Theo vị đại biểu, nguyên nhân một phần do khi xây dựng kế hoạch không sát, không xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương mà do doanh nghiệp lập kế hoạch. Đặc biệt, có tình trạng điều chỉnh theo tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ xây dựng kế hoạch thì thấy cần thiết, bức xúc nhưng nhiệm kỳ sau lại xin điều chỉnh.

“Luật đã quy định rõ, vậy chuyện tồn tại nhiều năm thì Bộ KHĐT với trách nhiệm gác cửa, tham mưu về lĩnh vực này thì có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay. Nếu cứ để vướng mắc tồn tại dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của nền kinh tế”, ông Hạ nói và đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp và trách nhiệm.

Lý do giải ngân vốn đầu tư công còn chậm

Theo báo cáo gửi Chính phủ, tính đến ngày 31/10, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch. Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng KHĐT cho biết nguyên nhân vì sao tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp và giải pháp của Bộ KHĐT để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm nay và các năm tiếp theo.

Bộ trưởng KHĐT cho biết vấn đề giải ngân vốn đầu tư công được rất nhiều cử chi, đại biểu Quốc hội quan tâm và đã được nhắc tới ở rất nhiều kỳ họp. Nhưng các vấn đề đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ giải ngân vẫn thấp. Trong năm nay, tỷ lệ giải ngân thấp có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo Bộ trưởng KHĐT, lý do chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt tiến độ là phương pháp chuẩn bị phương án kém, chất lượng không cao, chủ yếu việc chuẩn bị phương án đầu tư chỉ mang tính hình thức, qua loa. Sau khi được chấp thuận chủ chương đầu tư thì các chủ đầu tư mới thực hiện một cách thực tế, lúc này lại mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh lại dự án.

Bên cạnh đó, vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng vẫn gây khó khăn và chưa thể giải quyết ngay. Theo Bộ trưởng Dũng, nếu các quy định, vướng mắc trong Luật đất đai không được giải quyết triệt để thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ không thể giải quyết nhanh. Các phát sinh chủ yếu là giá đền bù đất, tranh chấp khi bàn giao, khiếu kiện, ý thức người dân…

Riêng năm 2021, Bộ trưởng KHĐT cho biết công tác giải ngân vốn đầu tư công còn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội nhiều tháng. Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến giá nhiên vật liệu tăng cao, thiếu lao động, chi phí đối ứng tăng cao…

Ngoài ra, đây cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và trùng với nhiều sự kiện lớn. Theo Bộ trưởng KHĐT, để khắc phục tình trạng này thì tổ chức thực hiện vẫn là khâu chính, bởi hiện nay Bộ KHĐT đã phân cấp phần lớn quyền quyết định về lựa chọn dự án giải ngân, tỷ lệ giải ngân, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn… về các bộ, ngành và địa phương.

Không để kéo dài dự án ODA gây lãng phí

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) về một số dự án ODA gây lãng phí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các dự án này ngoài thực hiện theo quy trình, thủ tục trong nước còn phải theo quy trình thủ tục của nhà tài trợ.

“Việc thực hiện đồng thời các quy trình này mất rất nhiều thời gian, nhất là năm vừa qua phải giãn cách xã hội, bởi có những thay đổi rất nhỏ vẫn phải cần có thỏa thuận của nước ngoài”, Bộ trưởng KHĐT lý giải.

Ngoài ra, ông giải thích lao động, việc chuyên gia phải có giấy phép lao động và giấy xác nhận tư cách chuyên gia cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án ODA giải ngân chậm. Bên cạnh đó còn vướng mắc trong nhập khẩu máy móc, chuyên gia lao động vào vướng cách ly, không thể di chuyển giữa địa phương này với địa phương khác.

Đặc biệt, người đứng đầu Bộ KHĐT cũng thừa nhận một số dự án do chúng ta triển khai, lựa chọn, tổ chức thực hiện không tốt nên dẫn đến lãng phí.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát lại, dự án nào có thể tháo gỡ được sẽ phối hợp với các địa phương giải quyết ách tắc, vướng mắc, còn nếu không hiệu quả thì sẽ bàn với nhà tài trợ đóng các dự án này lại, không để kéo dài, lãng phí”, ông Dũng nhấn mạnh.

Khi nào đầu tư cao tốc tới Hà Giang, đi qua Tuyên Quang – Phú Thọ?

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về tuyến cao tốc kết nối từ Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ hiện đã được Chính phủ quy hoạch vào mạng lưới giao thông đường bộ 2021-2030, bà Thúy đánh giá đây là điều kiện quan trọng để Hà Giang cùng các địa phương trong khu vực phát triển. Nữ đại biểu đặt câu hỏi về thời gian đầu tư của tuyến đường này. “Liệu có được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 hay không?”, bà Thúy nói.

Trả lời, Bộ trưởng cho biết theo quy hoạch sẽ thực hiện trong giai đoạn 2025-2030. Tuy nhiên, ông Dũng ủng hộ thực hiện trong thời gian sớm hơn nếu có điều kiện. Bộ trưởng lý giải khi có tuyến đường này sẽ rất có hiệu quả bởi sẽ kết nối các trục dọc, hướng tâm từ Hà Nội thông ra cửa khẩu Thanh Thủy. Từ đó, mở ra không gian phát triển mới cho các tỉnh miền núi phía Bắc và kết nối với thị trường Trung Quốc.

Ông cho biết sẽ trình Chính phủ xem xét để đầu tư sớm hơn tuyến đường này.

Trình chương trình phục hồi kinh tế vào kỳ họp Quốc hội cuối năm

Về quan điểm của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Bộ trưởng cho biết chương trình này phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, ông nhấn mạnh phải đảm bảo hỗ trợ cho cả cung và cầu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần thực hiện linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế…

Đồng thời, Bộ trưởng cho biết chương trình cần tập trung tập trung vào những chính sách tác động ngay, kịp thời hỗ trợ đồng thời phải tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa…

Chính sách và giải pháp phải gắn với cơ chế thực hiện để đảm bảo khả thi, hiệu quả, hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, gắn với khả năng vay – trả của nền kinh tế.

Một điều kiện nữa là phải phục hồi phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết 128.

“Đảm bảo chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng 2021-2025 là 6,5-7%, chúng ta phải kiên định mục tiêu này”, ông Dũng nói và cho biết dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế vào kỳ họp cuối năm. Chương trình dự kiến kéo dài trong 2 năm (2022-2023).

Ông cũng cho biết các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, những ngành có tiềm năng phục hồi nhanh, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Bộ trưởng nhấn mạnh vào tính trọng tâm, trọng điểm.

Dự báo tăng GDP 6-6,5% năm 2022 dựa theo kịch bản kiểm soát dịch

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu trong các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội, chỉ tiêu tốc độ tăng GDP đạt 6-6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân 4%, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Ông đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết khi xây dựng những chỉ tiêu này, đã dự báo hết nguy cơ gia tăng tỷ lệ lạm phát chưa, nhất là hậu quả nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Đồng thời, trong tỷ lệ bội chi nêu trên, đã bao gồm các gói phục hồi kinh tế mà Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian tới chưa.

Trả lời, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định cơ sở để xác định các mục tiêu trên đều dựa trên tình hình thực tiễn, có tính đến khả năng chúng ta kiểm soát được dịch bệnh vào quý IV và khả năng phục hồi của nền kinh tế khi chúng ta mở cửa trở lại.

Đối với ý thứ hai của đại biểu Sơn, Bộ trưởng cho biết chưa tính các gói phục hồi kinh tế vào tỷ lệ bội chi đề ra. “Nếu được Quốc hội thông qua, chúng tôi tính toán điều này làm tăng thêm bội chi khoảng 1% và chúng ta có thể kiểm soát được”, ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, khi kinh tế phát triển và quy mô của nền kinh tế tăng lên sẽ giải quyết được rất nhiều mục tiêu: Giải quyết được việc làm, tận dụng các cơ hội, các chỉ số về nợ công và bội chi cũng sẽ giảm đi.

Một số nước tung gói hỗ trợ bất chấp kỷ luật tài chính

Trả lời chất vấn của đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) về các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn cách làm của một số nước trên thế giới.

Đối với các quốc gia, ông Dũng cho biết họ có những quyết sách rất nhanh với 2 đặc điểm chính. Thứ nhất, các nước có những gói hỗ trợ quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ và bất chấp những kỷ luật về tài chính. Thứ hai, các nước chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách.

Tư lệnh ngành KHĐT cho biết các nước thống nhất và quyết định rất nhanh, thực hiện ngay. Do đó, ngay sau khi phủ vaccine, cùng với các gói hỗ trợ, các nước này đã phục hồi rất nhanh về kinh tế.

Ông Dũng dẫn thông tin từ IMF cho thấy tăng trưởng GDP của Mỹ tăng tới 27,9% trong khi chấp nhân tăng nợ công thêm 21%, đây tỷ lệ nợ công của nước này lên 133% GDP. Trong khi đó, Trung Quốc có mức tăng trưởng 6,1% GDP đồng thời tăng nợ công thêm 9,7%, đẩy tỷ lệ nợ công tương ứng 66,8% GDP…

Về chính sách tài khóa, các quốc gia đều tăng cho chi tiêu y tế, phòng chống dịch. Hoạt động trợ giúp xã hội, hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp với nhiều phương thức như: Cấp phát bằng tiền mặt, hỗ trợ lương thực, tiền điện; chi trả những chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp trong một số lĩnh vực bị ảnh hưởng. Đồng thời, một số nước cũng hỗ trợ dòng tiền cho một số ngành ưu tiên.

Đồng thời, các quốc gia cũng tăng mạnh đầu tư cho hạ tầng. Bộ trưởng lấy ví dụ ở Mỹ đã chi 1.200 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng, kích thích tăng trưởng cho dài hạn.

Về chính sách tiền tệ, họ duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp và tăng tín dụng, nới lỏng điều kiện hỗ trợ lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu đãi miễn giảm thuế và hạn chế chi trả cổ tức bằng tiền…

Tham mưu ban hành những chính sách chưa từng có tiền lệ

Phát biểu trước khi đăng đàn, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kế… Đây là những quyết sách quan trọng và là căn cứ để các cấp, ngành địa phương thực hiện trong thời gian tới.

Ông Dũng cho biết trước tác động của dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, Bộ đã chia sẻ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, các tổ chức quốc tế để tham mưu ban hành các chính sách chưa từng có tiền lệ, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí duy trì sản xuất và góp phần ổn định đời sống người dân khi dịch được kiểm soát.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định các chính sách đã ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh… hạn chế tác động đứt gãy của chuỗi cung ứng sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch, sớm khắc phục khó khăn, thách thức để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Đặc biệt, ông thông tin Bộ KHĐT đang nghiên cứu tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội để trình Quốc hội trong kỳ họp tới. “Đây là một vấn đề lớn, phức tạp, quan trọng của đất nước, tác động toàn bộ tới nền kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 6-6,5%

Chính phủ dự báo năm 2022 tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn.

Do vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.

Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, mục tiêu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách so với GDP khoảng 4%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới.

Các vấn đề được đưa ra chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gồm: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới;

Các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh;

Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021;

Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia;

Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan đến nhóm vấn đề này.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ

Theo Bộ trưởng, trước thực tế này, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, theo Bộ trưởng, đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Hiện nay, các giải pháp, nhiệm vụ đã và đang được các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ được giao.

“Sinh khí mới” từ Nghị quyết 128/NQ-CP

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ sau khi ban hành đã được dư luận xã hội đánh giá là một chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo và kịp thời của Chính phủ, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp mong chờ và ủng hộ.

“Thực tế, trong 10 ngày sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành (11/10/2021 – 20/10/2021), số doanh nghiệp thành lập mới là 3.753 doanh nghiệp, chiếm đến 45,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng; số vốn đăng ký mới là 42.280 tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng số vốn đăng ký mới trong tháng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Không chỉ vậy, tình hình doanh nghiệp thành lập mới tại những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh trong tháng 10/2021 cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ so với tháng 9/2021.

Chẳng hạn, Đồng Nai tăng 325,6%; Cần Thơ tăng 289,5%; Bình Dương tăng 260,3%; TPHCM tăng 204,7%; Hà Nội tăng 110,1%.

Tháng 10/2021 cũng ghi nhận 45/63 địa phương có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng so với tháng 9/2021. Trong đó, đáng chú ý các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh đều có sự phục hồi ấn tượng như: Đà Nẵng tăng 167,3%, Cần Thơ tăng 58,3%, TPHCM tăng 31,6%, Hà Nội tăng 17,8%, Bình Dương tăng 17%, Đồng Nai tăng 3,8%.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, Chính phủ cũng đang triển khai nhiều chính sách, giải pháp khác nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm thời gian hoàn trả tiền ký quỹ du lịch, giảm giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay nội địa…

Các tổ công tác đặc biệt cũng đã được thành lập. Hàng tuần, nhóm giúp việc của Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 họp thảo luận, xem xét giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp…

Nỗ lực của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận

“Có thể thấy, những nỗ lực vừa qua của Chính phủ đã được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ghi nhận và giảm bớt phần nào những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh và việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ở một góc độ khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.

Và do vậy, theo Bộ trưởng, cần sớm ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, bắt kịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành một số giải pháp để hỗ trợ, pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian.

Tùng Lâm 

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG