Đại diện Vương quốc Anh cho biết, quốc gia châu Âu ấn tượng với việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Vương quốc Anh rất ấn tượng với cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Mục tiêu này cho thấy quyết tâm của Việt Nam, đóng góp cho nỗ lực chung nhằm giữ nhiệt độ Trái Đất tăng lên không quá 1,5 độ C và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu”, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết, theo thông cáo ngày 2/11 của Đại sứ quán Anh.
Nhà ngoại giao cho biết thêm, Anh mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để đạt được kết quả thành công tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), và hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện những cam kết này, đặc biệt là quá trình chuyển dịch năng lượng, dựa trên nguồn tài chính khí hậu quốc tế.
Trước đó, vào ngày 1/11, tại COP26 diễn ra ở Anh, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan.
Đức Hoàng
Theo: Cánh cò