Nhận lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh từ ngày 31/10 đến ngày 3/11, thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ ngày 3/11 đến 5/11.
Ngày 31/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp.
Tham gia Đoàn có: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến.
Đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế; Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng tham gia Đoàn.
Sau gần 2 năm dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, chuyến đi của Thủ tướng có nhiều mục tiêu và ý nghĩa quan trọng với rất nhiều hoạt động cả trên diễn đàn đa phương và tiếp xúc song phương, kết hợp gặp gỡ cộng đồng người Việt và doanh nghiệp.
Việc Thủ tướng tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu, đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực và là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, các tổ chức quốc tế và các đối tác đa phương khác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Chuyến thăm làm việc tại Anh của Thủ tướng sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Vương quốc Anh tiếp tục phát triển. Thủ tướng cũng sẽ có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Anh, tham dự diễn đàn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nhằm thông tin về những chính sách kinh tế quan trọng của ta và củng cố niềm tin, thu hút thêm vốn đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế.
Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp – đối tác chiến lược của Việt Nam và cũng là thành viên quan trọng của EU. Hiện Pháp là bạn hàng lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam trong EU. Đây là chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên tới một quốc gia châu Âu mà Thủ tướng thực hiện kể từ khi nhậm chức, có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.
Đòn bẩy đưa quan hệ Việt Nam-Anh lên tầm cao mới
Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward cho biết, Vương quốc Anh cho biết quan hệ Đối tác chiến lược trong hơn một thập kỷ qua giữa hai quốc gia đã ghi nhận nhiều bước phát triển nổi bật. Thêm vào đó, Vương quốc Anh mới đây đã trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN.
Chuyến thăm này sẽ thúc đẩy nhiều hoạt động thương mại trong lĩnh vực mà hai nước đang có quan hệ tốt đẹp như y tế và vaccine, giao thông, hàng không vũ trụ, giáo dục.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2021 đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại và xuất nhập khẩu, Đại sứ Anh khẳng định.
Đề cập tới việc trao đổi đoàn các cấp trong năm nay, Đại sứ cho rằng, mặc dù bị gián đoạn do dịch COVID-19 bùng phát, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng đã thực hiện các chuyến thăm chính thức tới Việt Nam; Tàu Hải quân Hoàng gia HMS Richmond đến thăm Cảng Cam Ranh vào đầu năm nay… đã góp phần tăng cường quan hệ cũng như thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải giữa hai nước.
Ngoài hợp tác về thích ứng với biến đổi khí hậu, hai bên đang đẩy mạnh chương trình nghị sự về các vấn đề toàn cầu.
Vương quốc Anh cũng tạo điều kiện nhằm tăng cường hợp tác y tế giữa Hệ thống Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh với Bộ Y tế Việt Nam. Hai bên đều đang tích cực nghiên cứu về cách chữa trị và phòng ngừa COVID-19.
Theo Đại sứ, phía Anh đã cung cấp vaccine cho Việt Nam thông qua các chương trình tài trợ song phương và Cơ chế COVAX của Liên Hợp Quốc, nhằm giúp Việt Nam tăng tỷ lệ tiêm vaccine cũng như cung cấp thiết bị y tế, oxy và các biện pháp điều trị.
Do thế giới sẽ phải thích ứng an toàn với COVID-19 trong thời gian tới cho nên mọi quốc gia cần trang bị sẵn cho mình phương pháp điều trị, cách tiếp cận và kiến thức chuyên môn tốt nhất trong cuộc chiến chống COVID-19.
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Phía Anh bày tỏ mong muốn không chỉ giúp Việt Nam đẩy nhanh chương trình tiêm chủng mà còn thay đổi cách tiếp cận để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả và cũng giúp giảm tải hệ thống y tế.
Anh không chỉ là một trong những nước đi đầu toàn cầu trong việc phát triển vaccine mà còn sẵn sàng chia sẻ các cách tiếp cận vaccine linh hoạt để Việt Nam có thể tự tin bước tiếp vào các giai đoạn kế tiếp.
Việc hợp tác trong nghiên cứu vaccine và giải trình tự di truyền là cần thiết, nhằm đảm bảo rằng chúng ta có thể xác định các biến thể mới của virus và sẵn sàng ứng phó với làn sóng COVID-19 tiếp theo.
Bước đầu tận dụng hiệu quả cơ hội từ UKVFTA
Hiện Vương quốc Anh là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan chỉ ra rằng, trong giai đoạn từ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam – Anh tăng trung bình 1,4%/năm. Việt Nam xuất siêu sang Anh khoảng 4,5 tỷ USD/năm. Riêng năm 2020 có mức tăng trưởng thấp do hệ lụy từ tác động của đại dịch COVID-19.
Thương mại song phương giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới với việc ký kết hiệp định UKVFTA vào ngày 11/12/2020, có hiệu lực chính thức từ ngày 1/5/2021. Đây là một trong những hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Anh ký ngay sau khi rời EU.
Nhờ tác động tích cực từ hiệp định UKVFTA, thương mại song phương từ đầu năm 2021 đến nay đều đạt mức tăng trưởng tốt, tuy vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp của cả hai bên đang hiện thực hóa được những cơ hội và lợi ích mà Hiệp định này mang lại.
Cũng theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh đạt 4,94 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đạt 4,3 tỷ USD (tăng 17,6%) và nhập khẩu từ Anh sang Việt Nam đạt 638,7 triệu USD (tăng 25,6%).
Về đầu tư, theo cập nhật mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/10, Vương quốc Anh có 439 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,98 tỷ USD.
Tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, Vương quốc Anh có 35 dự án mới, 11 lượt dự án tăng vốn, 63 lượt góp vốn, mua cổ phần, tổng vốn đầu tư đăng ký 225,03 triệu USD. Anh xếp thứ 13/97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Về đầu tư của Việt Nam sang Anh, tính lũy kế đến tháng 10, các nhà đầu tư Việt Nam đã có 11 dự án mới, 3 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,55 triệu USD, xếp thứ 37/78 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, để tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia, cần thực hiện một số giải pháp. Theo đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài và đa dạng hoá các hình thức đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí sản xuất.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Vương quốc Anh để phía bạn hiểu hơn về đất nước con người Việt Nam và nhất là những thuận lợi cũng như cơ hội mới khi đầu tư vào Việt Nam đồng thời quảng bá môi trường đầu tư đang ngày được cải thiện tại Việt Nam. Khuyến khích các nhà đầu tư Vương quốc Anh đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực mà họ có thế mạnh, đặc biệt là công nghiệp dược phẩm, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, hàng không,…
Cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế – thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh (JETCO) được tổ chức lần đầu vào năm 2007, cho đến nay đã trải qua 11 khóa họp, được tổ chức định kỳ luân phiên tại UK và Việt Nam. Đây là cơ chế quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, là kênh thảo luận thiết thực nhằm nêu ra và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, mục tiêu và lĩnh vực hợp tác mới tại nhiều vấn đề mà hai Bên cùng quan tâm. Dự kiến, Khóa họp lần thứ 12 sẽ được tổ chức vào khoảng tháng 1/2022.
Tùng Lâm
Theo: Cánh cò