Saturday, November 23, 2024

Những tình huống như ‘thời chiến’ gặp phải quy định ‘thời bình’ trong chống dịch ở TP.HCM

Câu chuyện “xé rào” ở TP.HCM khi gặp những tình huống như “thời chiến” gặp phải quy định “thời bình”. Đứng trước những rào cản khi thực tiễn đòi hỏi sự đổi mới, nhiều cán bộ đã bộc lộ rõ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ket luan 14 cua Bo Chinh tri anh 1
Đảng bộ và chính quyền quận 6 là một trong những lá cờ đầu sử dụng thuốc cho F0 điều trị tại nhà từ gợi ý của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên,

Có nên cho bệnh nhân Covid-19 dùng thuốc để điều trị ngoài bệnh viện? – Câu hỏi tưởng chừng đơn giản này lại là khởi đầu cho một cuộc “xé rào” âm thầm tại TP.HCM những ngày cuối tháng 7/2021. Thành phố hiện đã có túi thuốc A, B, C với hướng dẫn cụ thể cho F0 điều trị tại nhà, nhưng hành trình đến kết quả này không đơn giản.

Từ gợi ý của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Đảng bộ và chính quyền quận 6 là một trong những lá cờ đầu sử dụng thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Nhưng quá trình đi đến đồng thuận của quận 6 không hề dễ dàng mà cũng có những tranh luận cân não trong chính nội bộ cơ sở. Đó là quá trình va chạm giữa lằn ranh mỏng manh của nguyên tắc và linh hoạt.

Câu chuyện thuốc của quận 6 chỉ là một trong nhiều cuộc “xé rào” tại TP.HCM khi mà những tình huống như “thời chiến” gặp phải quy định “thời bình”. Đứng trước những rào cản khi thực tiễn đòi hỏi sự đổi mới, nhiều cán bộ đã bộc lộ rõ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Từ một thử nghiệm đến quyết định bất ngờ

Những ngày cuối tháng 7, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở TP.HCM ở ngưỡng 4.000-5.000 và chưa có xu hướng giảm. Mỗi ngày, thành phố công bố hơn 100 ca tử vong, tức là trung bình mỗi giờ có ít nhất 4 người bị đại dịch cướp đi. Trước tình hình đó, cứu người trở thành mệnh lệnh cao nhất của hệ thống chính trị toàn thành phố.

Là người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã quan sát thấy nhiều bất cập trong cách chống dịch. Trong một bài phát biểu giữa tháng 8, ông từng ví von giai đoạn đầu, thành phố chiến đấu mà không có đủ “vũ khí”, đó là thuốc và vaccine.

Khi ấy, cả 2 “vũ khí” này, thành phố đều phụ thuộc nhiều vào Trung ương. Sự bị động khiến cả hệ thống chạy theo tốc độ lây lan của dịch mà không nhìn thấy hiệu quả.

“Lúc đó chưa có thuốc điều trị, TP tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca mắc Covid-19. Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì”, Bí thư Nguyễn Văn Nên kể lại tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội hôm 12/10.

Vaccine là vấn đề phụ thuộc cả vào quốc gia và quốc tế. Nhưng thuốc là bài toán có thể xoay xở được. Khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những đơn vị tiên phong đi tìm lời giải cho bài toán này.

Ket luan 14 cua Bo Chinh tri anh 2
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.  

Khi nhận được tin nhắn của Bí thư Thành ủy TP.HCM hỏi về “bí quyết” điều trị F0, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, lập tức gửi nghiên cứu của bệnh viện về việc sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm để điều trị F0.

Ông nói đơn thuốc này “không phải phát minh gì mới” mà nhiều nước trên thế giới và Bộ Y tế đều đã có phác đồ. Tuy nhiên, phác đồ của Bộ Y tế mới chỉ cho dùng thuốc này với bệnh nhân nặng trong bệnh viện.

Thế nhưng, dịch của TP.HCM bùng phát quá nhanh, lượng bệnh nhân nhập viện như thủy triều dâng lên ào ạt, toàn hệ thống không kịp trở tay. Trước tình hình ấy, Bệnh viện Chợ Rẫy lập tức thực hiện một đề tài nghiên cứu quy mô nhỏ, liên tục sơ kết mỗi tuần.

Sáng kiến khi đó của bệnh viện là thay vì dùng thuốc dạng tiêm, bệnh viện cho bệnh nhân dùng dạng uống. Như vậy, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc mà không cần đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế như khi điều trị nội trú. Bác sĩ Thức khẳng định điều Bệnh viện Chợ Rẫy làm “chỉ sớm chứ không mới”.

Bệnh viện xé rào vì nếu đợi hội đồng thông qua thì không bao giờ bắt kịp tốc độ của dịch.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức

Sau khi phân tích cơ sở khoa học, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nhận thấy cơ chế sinh bệnh của virus này tạo phản ứng viêm và hình thành huyết khối. Do đó, các bác sĩ quyết định dùng thuốc kháng viêm và kháng đông sớm hơn một bước để “đánh chặn từ xa”. Sau một thời gian thử nghiệm, kết quả sơ kết cho thấy cách làm này mang lại hiệu quả rất tốt. Tuy vậy, bệnh viện chưa dám phổ biến vì đang thử nghiệm.

“Khi đó, bệnh viện cũng có xé rào một xíu. Nếu đợi hội đồng thông qua (Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế – PV), thực hiện tất cả quy trình như một phác đồ điều trị bình thường, chạy theo hành chính thì không bao giờ bắt kịp tốc độ của dịch”, ông nói.

Báo cáo với Bí thư Nên về kết quả thử nghiệm, bác sĩ Thức phân tích rõ cơ sở và gửi thêm phác đồ của các nước có nền y tế tiên tiến, quy trình khoa học chặt chẽ như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản để ông tham khảo.

Điều khiến vị bác sĩ bất ngờ là sau đó, người đứng đầu Đảng bộ thành phố quyết định gửi đơn thuốc này cho bí thư của 22 quận, huyện, TP để gợi ý áp dụng ngay tại địa phương.

“Khi biết Bí thư Thành ủy làm vậy, không chỉ riêng tôi mà tất cả y, bác sĩ trong Bệnh viện Chợ Rẫy đều thán phục, đặc biệt là các chuyên gia ngành hồi sức cấp cứu, điều trị bệnh nhiệt đới”, bác sĩ Thức tâm sự.

Tìm lối đi cho cái hợp lý nhưng chưa hợp lệ

Vào giai đoạn bế tắc, đơn thuốc của Chợ Rẫy lóe lên lối thoát cho tình huống ngặt nghèo mà TP.HCM đang gặp phải. Cái lợi đã thấy, nhưng song hành lợi ích ấy còn là rủi ro khi thực tế chưa có chủ trương cũng như hướng dẫn về cách sử dụng loại thuốc này ngoài bệnh viện.

Cuối tháng 7, bí thư của 22 quận, huyện, TP cùng nhận được tin nhắn của Bí thư Nguyễn Văn Nên về đơn thuốc mà Bệnh viện Chợ Rẫy đang thử nghiệm. Người đứng đầu Thành ủy gợi ý các địa phương thí điểm sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm cho người dân uống trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến và tại nhà.

Dù đã được Bí thư “bảo lãnh” chủ trương, chịu mọi trách nhiệm, làm “bệ đỡ” cho cán bộ thử nghiệm, nhưng thực tế không phải địa phương nào cũng dám làm.

Quận 6 khi ấy là một trong số ít những lá cờ đầu triển khai sử dụng thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà, bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Dù ra quyết định chỉ trong khoảng 2 ngày, nhưng quá trình đi đến đồng thuận của quận 6 không hề dễ dàng.

Sau khi được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gợi ý, Bí thư Quận 6 Lê Thị Hờ Rin mang đơn thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy đi hỏi ý kiến thêm nhiều y bác sĩ, quyết định rằng đây là con đường cứu dân và phải làm. Thế nhưng, việc đưa đơn thuốc đến tay người dân thế nào là một bài toán khó.

Tại quận 6, người đứng đầu cấp ủy là Bí thư Quận ủy Lê Thị Hờ Rin và người đứng đầu chính quyền là Chủ tịch UBND Lê Thị Thanh Thảo đã có những tranh luận giữa việc làm hay không làm.

Ket luan 14 cua Bo Chinh tri anh 3
Chủ tịch quận 6 Lê Thị Thanh Thảo (trái) trong buổi ra mắt Trạm y tế lưu động số 1 chăm sóc F0 tại nhà. Ảnh: Thành ủy TP.HCM

Thấu hiểu mong muốn cứu dân của Bí thư Hờ Rin, tuy nhiên, Chủ tịch quận 6 Lê Thị Thanh Thảo cũng có thế khó của mình. Khi đó, Bộ Y tế và Sở Y tế đều chưa có hướng dẫn về việc sử dụng đơn thuốc này. “Tham khảo” nhiều quận khác cũng chưa nơi nào cho dân uống.

“Ở góc độ chính quyền, khi triển khai việc gì thì cơ sở cũng phải có sự thống nhất chỉ đạo của thành phố. Về mặt chính quyền, phòng y tế tranh luận rất quyết liệt. Thuốc đâu phải bánh kẹo, phát thuốc phải có hướng dẫn, đâu phải nói phát là phát. Lúc đó rất cân não. Muốn cứu người dân nhưng ở góc độ quản lý phải đảm bảo quy định”, bà Thảo nói.

Quan điểm của Chủ tịch quận 6 khi đó là đồng ý sử dụng bởi chính bà cũng quá bức xúc và xót xa khi chứng kiến những mất mát của người dân. Nhưng là người đứng đầu UBND quận, bà rất băn khoăn bởi liều lượng kháng viêm và kháng đông khá mạnh, hướng dẫn trên toa thuốc cũng yêu cầu phải có chỉ định của bác sĩ.

Trong khi đó, thời điểm này, số ca tăng vùn vụt, trạm y tế phường chỉ có 5-6 người làm, thậm chí còn bị nhiễm bệnh. Do đó, bài toán đặt ra là ai phát thuốc cho F0 cách ly tại nhà, phát như thế nào khi bác sĩ thì ít mà bệnh nhân thì đông.

Bà Thảo quyết định tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn. Nữ Chủ tịch quận mang vấn đề này ra bàn với một vị lãnh đạo Sở Y tế thì được biết sở này đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Y tế và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn để cho phép dùng đơn thuốc này dưới dạng uống.

“Ngay cả ngành y tế muốn dùng cũng phải chờ, nên ở cấp độ địa phương, chính quyền đâu dám phát thuốc đại trà”, bà Thảo tâm tư.

Khi đó, vị lãnh đạo này xác nhận với bà Thảo đơn thuốc trên hiệu quả và dùng được, nhưng phải nhớ luôn có sự chỉ định của bác sĩ về sử dụng thuốc.

Gợi ý của lãnh đạo Sở Y tế vừa giúp bà Thảo tháo gỡ được tâm tư, vừa gợi mở cho bà hướng giải quyết nút thắt từ chính nút thắt, tìm ra một lối đi cho cái hợp lý, nhưng chưa hợp lệ.

Nếu đơn thuốc cần bác sĩ hướng dẫn thì chỉ cần vận động thật nhiều bác sĩ có chứng chỉ hành nghề như bác sĩ nghỉ hưu, bác sĩ tình nguyện trên địa bàn tham gia phát thuốc và tư vấn cho F0. Cách làm này vừa đủ điều kiện luật pháp quy định cho phép và cũng hạn chế được nguy cơ cho người dân.

“Tôi là cán bộ, vừa mong muốn cứu dân, vừa phải chấp hành chỉ đạo của cấp ủy nên bằng mọi cách phải tìm ra hướng không trái quy định pháp luật mà vẫn bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân. Thật sự lúc đó, tôi và mọi người đều lao vô làm, tìm giải pháp, cũng quên luôn mình là ai”, bà Thảo bày tỏ.

Hai điểm tựa của cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì khẳng định trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định…

Điều này trở nên đúng hơn bao giờ hết khi đại dịch bùng phát, cán bộ liên tục đứng trước thách thức phải giải quyết vướng mắc mới trong tình trạng khẩn cấp.

Để đạt được kết quả kiểm soát dịch sau 5 tháng chiến đấu, các cán bộ TP.HCM đã phải vượt qua rất nhiều “chướng ngại vật”. Trước thách thức đó, có 2 chủ trương đã trở thành điểm tựa cho cán bộ, giúp họ mạnh dạn ra quyết định khi đứng trước tình huống vượt khỏi khung pháp lý thông thường.

Thứ nhất là chủ trương phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trên từng ngành, từng lĩnh vực nhằm phát huy tối đa tính chủ động. Thứ hai và đặc biệt quan trọng là chủ trương xuyên suốt của Đảng về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, được nêu trong nhiều văn bản, nghị quyết. Gần nhất và cụ thể nhất là Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị.

Trước nay, bộ máy chính trị tương đối rạch ròi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp, phân quyền. Thế nhưng, trong lúc bình thường, điều này không được thể hiện rõ. Tương tự với con người, vốn dĩ có tiềm năng rất lớn nhưng trong nghịch cảnh, những tiềm năng này mới được bộc lộ.

Sức ép từ đại dịch khiến cơ chế phân cấp, phân quyền được tận dụng triệt để, tạo điều kiện cho các địa phương có không gian tự chủ, thể hiện phẩm chất quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Giữa lằn ranh sinh tử, nhiều cán bộ thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực tổng kết thực tiễn sắc bén, tư duy đổi mới sáng tạo, khả năng cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Qua thử thách nghiệt ngã Covid-19, toàn hệ thống chính trị đã lao vào trận chiến quyết liệt, lăn xả, chấp nhận hy sinh. Tuy nhiên, còn một số nơi có lúc bộc lộ hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém, tồn tại, chúng ta cần nghiêm túc đánh giá tìm giải pháp khắc phục thời gian tới”, Bí thư Nguyễn Văn Nên đưa ra nhận định tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM hôm 14/10.

Ket luan 14 cua Bo Chinh tri anh 4
Trong đại dịch, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn, vượt khỏi khung pháp lý thông thường, buộc cán bộ phải sáng tạo.

Là người trực tiếp “tham chiến” ở tâm dịch, là lãnh đạo của 2 bệnh viện (Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức Covid-19), bác sĩ Nguyễn Tri Thức cũng phải đối mặt với không ít tình huống nằm ngoài quy định hiện có. Ví dụ như mua sắm trang thiết bị, điều động nhân sự, thanh quyết toán chế độ cho cán bộ… Do đó, ông đặc biệt tâm đắc với Kết luận 14 của Bộ Chính trị và nhận định đây là một quyết định rất đúng thời điểm, kịp thời.

Ông so sánh nếu một con đường xảy ra nhiều tai nạn thì có thể là lỗi của tài xế, lỗi kỹ thuật của chiếc xe, nhưng đương nhiên cũng phải xem lại kết cấu của con đường – đó chính là chính sách. Do đó, Kết luận 14 của Bộ Chính trị giống như một “lá chắn” giúp cán bộ tránh được “tai nạn” khi đụng phải những chính sách chưa phù hợp với tình hình chống dịch.

Vị bác sĩ nhìn nhận sẽ luôn có 2 đối tượng tồn tại song song: Người đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung; và người lợi dụng việc đó để trục lợi cá nhân. Để phân biệt giữa sai sót vì trục lợi và sơ sót do đột phá, bác sĩ Thức cho rằng cần nhìn vào động cơ của quá trình ra quyết định và cân nhắc từng tình huống. Nếu thiếu sót xuất phát từ thủ tục, nhưng động cơ trong sáng, không sai phạm về lợi ích nhóm, trục lợi thì cần có cơ chế bảo vệ để kích thích sự sáng tạo.

Đọc Kết luận 14 của Bộ Chính trị, ông Thức đặc biệt tâm đắc với quy định: Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng.

Ông cho rằng đây là cơ sở rất rõ ràng để cán bộ có thể “đi trước quy định một chút” nhằm giải quyết những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhưng không lo sai phạm.

Tuy nhiên, vị bác sĩ cũng cho rằng Kết luận 14 của Bộ Chính trị nên có hướng dẫn cụ thể hơn về mặt chính quyền để cán bộ biết đâu là khoảng co giãn, đâu là giới hạn không thể vượt qua.

“Đã nói là làm vì lợi ích chung nhưng giới hạn nào anh được bước qua, bước qua giới hạn đó thì đụng vách tường, không thể qua được, còn nếu leo qua tường thì bị xử phạt”, ông nhìn nhận và nhấn mạnh vai trò của cấp ủy, đảng cùng cấp rất quan trọng.

Nhìn nhận về công tác cán bộ, nhiều vị lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM cùng chung nhận định để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm khi đứng trước ranh giới mong manh giữa đúng và sai cần có 2 yếu tố.

Thứ nhất là chỗ dựa tinh thần. Người ra quyết định không chỉ phải tin rằng đó là điều đúng nên làm, mà còn có cấp trên hiểu và chia sẻ. Thứ hai là kiến thức, bởi lẽ cán bộ không thể liều lĩnh một cách thiếu hiểu biết mà các quyết định cần được căn cứ trên cơ sở khoa học, tháo gỡ điểm nghẽn, mang lại hiệu quả thiết thực, có lợi cho dân.

***

Sau hơn nửa tháng từ gợi ý của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, ngày 16/8, Bộ Y tế thí điểm dùng thuốc điều trị cho F0 tại nhà. Ngày 17/8, Sở Y tế TP.HCM ban hành hướng dẫn toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà dành cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó có thuốc kháng viêm, kháng đông và kháng virus (Molnupiravir).

Ngày 26/8, Sở Y tế TP.HCM ban hành túi thuốc điều trị Covid-19 A, B, C cho F0 điều trị tại nhà, sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Đây trở thành phương pháp chính thức để điều trị F0 tại nhà cho đến nay.

Ngọc Anh 

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG