Vừa mới đây, tại phiên thảo luận của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà đã nêu ý kiến, đề xuất Luật Điện ảnh cần sửa đổi: “Nên quy định dừng chiếu hoặc rút phép với tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của các nghệ sĩ không có đạo đức, vi phạm đạo đức, an ninh chính trị…”.
Trong bối cảnh nền văn hóa – nghệ thuật của nước nhà đang bị lũng đoạn, thời gian qua có nhiều lùm xùm liên quan tới nghệ sĩ làm từ thiện hay quảng cáo sai sự thật, phát ngôn không chuẩn mực trên mạng xã hội…, phát biểu trên của bà Lê Thu Hà không khác gì giọt nước mưa rơi xuống sa mạc, nhiều sự đồng tình và hưởng ứng, hoan nghênh.
Cần cấm những sản phẩm có diễn viên có đạo đức tồi, vi phạm pháp luật, hành xử thiếu văn hóa – đó là điều mà rất nhiều người dân trong chờ. Trên các diễn đàn xã hội, người yêu mến nghệ thuật đưa ra nhiều lý do phản bác khi một số nhà sản xuất cho rằng: “Chỉ nên cấm với người diễn viên vi phạm không được tham gia nghệ thuật. Diễn viên không có tiền đền hợp đồng nếu phim bị cấm sóng do sai sót từ mình”. Nói không với nghệ sĩ thiếu chuẩn mực đạo đức, nhiều người dân đồng gửi gắm thông điệp: Quy định cấm sóng càng khắc khe thì buộc người làm văn hóa càng phải giữ mình hơn, chuẩn mực hơn trong phát ngôn và hành xử!
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân đặc biệt quan tâm đến Dự thảo Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ và mong sớm được ban hành. Thời gian qua, người dân đã chứng kiến quá nhiều điều chướng tai, gai mắt về hành xử của những người hoạt động nghệ thuật. Không thể chấp nhận được khi đạo đức một bộ phận nghệ sĩ xuống cấp trầm trọng: phát ngôn ngông cuồng, công khai hành xử theo lối giang hồ “dạy dỗ” tất cả những ai dám đụng đến nghệ sĩ, tự cho mình cái quyền bất khả xâm phạm “đụng giới nghệ sĩ là đụng ổ kiến lửa”, “Đ.V.H là vùng cấm”, chửi khán giả không ra gì.
Người hoạt động nghệ thuật là sứ giả truyền đi nét chân – thiện – mỹ của cuộc sống. Thế nhưng, chuyện một ca sĩ chuyển giới tuổi đời non choẹt lại thị phạm kêu bậc lớn tuổi đáng cha, chú “nhét đầu vô cái cầu tiêu”. Ngôn từ, hành vi đi ngược lại những quy chuẩn đạo đức xã hội, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, với văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt từ xưa đến nay nhưng vẫn ra rả xuất hiện hàng ngày trên truyền thông.
Xét về phương diện cuộc sống, nghệ sĩ cũng chỉ là một ngành nghề bình thường như những ngành nghề khác, nhưng thời gian qua không ít nghệ sĩ tự cho mình cái quyền “đứng trên tất cả”, muốn làm gì thì làm: Có người còn công khai trên trang cá nhân ủng hộ tổ chức khủng bố Việt Tân, chụp ảnh chung với thành viên cốt cán trong tổ chức khủng bố Việt Tân, khen ngợi đối tượng phản động hết lời.
Thậm chí, người nghệ sĩ có tuổi nghề nói trên còn gieo rắc công khai cái tư tưởng “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, xúi giục người hâm mộ mình hãy ủng hộ tổ chức nước ngoài can thiệp vào tự do và quyền làm chủ đất nước, núp dưới lớp áo “bảo vệ đất nước”. Khi người dân phản ứng mạnh thì xóa đi bài viết, như chưa có gì và vẫn hoạt động trong giới, xuất hiện đạo mạo trên truyền thông chia sẻ triết lý sống như cây đa, cây đề.
Nghệ thuật là nuôi dưỡng giá trị văn hóa truyền thống, làm cho tâm hồn con người thêm thăng hoa. Sẽ là tác hại vô cùng khi những người thiếu đạo đức, vô văn hóa lại hoạt động ở một lĩnh vực văn hóa. Mấy ngày hôm nay, công chúng đã hao mòn tinh thần khi phải chứng kiến cảnh nhiễu nhương một nhóm người hoạt động nghệ thuật rất đạo mạo, hùa nhau tấn công ca sĩ nhí 18 tuổi Hồ Văn Cường không thương tiếc. 11 giờ đêm, cô người mẫu “bún đậu” xuất hiện ở nơi Hồ Văn Cường ở, lôi cả em và phụ huynh ra thị uy, xỉ vả, khoác vai thánh thiện dạy đời ngay trên sóng livestream. Giữa “một rừng” nghệ sĩ hùa nhau tấn công Hồ Văn Cường thì hiếm hoi có một tiếng nói yếu ớt của nữ ca sĩ Tóc Tiên bênh vực: “Không hiểu nổi sao người lớn hùa nhau ăn hiếp thằng bé”!.
Nhìn sang các nước trong khu vực, Quy tắc ứng xử dành cho những người hoạt động nghệ thuật rất chặt chẽ. Kang Ho Dong, một MC nổi tiếng của Hàn Quốc tiêu tan sự nghiệp vì bị phát hiện trốn thuế. Lý Duy Gia, một MC với tiền cát-xê cao thuộc top nhưng phải dừng lại sự nghiệp khi bản thân là người phát ngôn cho một nhãn hiệu trà sữa lừa đảo đang bị điều tra. Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Triệu Vy, Trương Triết Hạn đều bị cấm sóng vì bê bối đời tư.
Vì sao Hàn Quốc và Trung Quốc lại quyết liệt với nghệ sĩ vi lệch chuẩn về đạo đức như vậy? Hỏi cũng là câu trả lời: Sự nguy hại là gì nếu như thế hệ trẻ hoặc người hâm mộ học theo, làm theo những thói hư tật xấu, hành vi vô đạo đức của người nổi tiếng?
Người làm văn hóa và nghệ sĩ luôn có những sức hút, ảnh hưởng lớn đến công chúng, tác động sâu rộng vào đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Người càng nổi tiếng thì sự tác động càng sâu. Mỗi lời nói, hình ảnh trong đời thường của họ cũng đủ tạo ra những hiệu ứng xã hội rất lớn không chỉ với những người thường xuyên theo dõi mà với cả cộng đồng. Hành vi lệch chuẩn đạo đức của cá nhân người nổi tiếng khi lan truyền, nó không chỉ nguy hiểm cho một gia đình mà cho cả xã hội, làm xói mòn nhân cách, tạo nên những lối sống lệch chuẩn để lại nhiều hậu quả cho xã hội.
Trong cuốn sách “Năm 1999 – chiến thắng không cần chiến tranh”, nguyên Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã tuyên bố: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất”, “toàn bộ vũ khí của Mỹ, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng”. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết: “Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 người lan truyền lại có thể thành công”.
Để phá hủy một đất nước, không phải lúc nào cũng cần đến binh đao, có khi sự xâm thực – phá hoại tư tưởng, tha hóa đạo đức lại đến từ những hành vi sai trái nhỏ nhất của người làm nghệ thuật, bằng cách này hay cách khác thông qua các biến tướng, luồng lách về lâu dài cũng đủ tác động, làm cho đạo đức xã hội xuống cấp.
Ai cũng thấy, sự mạnh tay của các cơ quan chức năng ở Hàn Quốc và Trung Quốc trong vấn đề quản lý hoạt động của người làm văn hóa – nghệ thuật, cùng với quy định nghiêm khắc của luật pháp, sự khó tánh của người dân là những chiếc bản lề đưa những người trong giới hoạt động nghệ thuật hành động chuẩn mực đạo đức, góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước.
Sự mạnh tay của các nhà chức trách đã sắp xếp lại trật tự của ngành văn hóa nghệ thuật nước nhà. Thiết nghĩ, đó là điều cốt lõi, rất đáng cho Việt Nam học hỏi trong giai đoạn đạo đức của người nghệ sĩ xuống cấp trầm trọng như hiện nay.
Nghệ sĩ sẽ mất trắng sau một đêm nếu như có những hành động lệch chuẩn và thiếu chừng mực, tại sao không? Khi mà điều đó khiến cho người hoạt động văn hóa biết giữ lấy mình, hành động và lối sống chuẩn mực! Trước Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thẳng thắn: “Một số người nổi danh suốt ngày chửi người này người kia, nói năng thô tục bậy bạ, đó là hình ảnh rất xấu, phải nghiêm trị”. “Cần có Bộ Quy tắc ứng xử đối với người hoạt động văn hóa – nghệ thuật”. “Cần mạnh tay cấm sóng với người vi phạm đạo đức” – đó là ý kiến, nguyện vọng của nhiều người dân và trí thức.
Mỗi ngành nghề trong xã hội hiện nay đều có những quy định chuẩn mực đạo đức. Một Luật sư muốn được Hội Luật sư cấp thẻ hành nghề thì phải chấp nhận quy định do Hội Luật sư đưa ra. Y, bác sĩ muốn được hành nghề cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc ứng xử, quy chuẩn đạo đức – lương y như từ mẫu, do Bộ Y tế ban hành. Bộ Giáo dục cũng có những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn đạo đức của nhà giáo, không chỉ ở phẩm chất chính trị, lối sống tác phong, mà còn quy trách nhiệm rõ ràng trong việc giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo.
Tương tự như vậy, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, các cơ quan trực thuộc sự quản lý của Bộ, cụ thể Cục Nghệ thuật biểu diễn – nơi đang được giao xây dựng bộ quy tắc ứng xử cũng cần phải sớm hoàn thiện. Lẽ dĩ nhiên, người hoạt động văn hóa – nghệ thuật không thể có những quy định đạo đức khắc khe như nhà tu, nhưng trong đó phải quy được hành vi nào là vi phạm đạo đức?
Nghệ sĩ lợi dụng niềm tin của công chúng để trục lợi cá nhân sẽ bị xử lý như thế nào? Nghệ sĩ phổ biến những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng, bị xử lý ra sao? Có được cấp giấy phép biểu diễn?
Các cấp độ vi phạm và biện pháp xử lý nếu được đề ra hợp tình, hợp lý thì Bộ Quy tắc này không chỉ khiến nghệ sĩ có những hành động đúng đắn hơn, chuẩn mực hơn, biết giữ mình hơn, giúp cho công chúng thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, giúp ích cho đời sống tinh thần, mà hơn hết là còn tạo ra môi trường hoạt động văn hóa – nghệ thuật lành mạnh – là nơi mà người làm nghề có thêm điều kiện để thăng hoa, cống hiến cho nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà thêm phong phú, giá trị.
Bộ Quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa ra đời càng sớm càng giúp ích cho xã hội. Về điều này, người dân dõi theo, trông đợi và phó thác vào hành động quyết liệt của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và tiếng nói đóng góp của các nhà làm công tác văn hóa nghệ thuật.
Việc tạo thêm hành lang pháp lý với người làm văn hóa là phương pháp hữu ích để đánh thức cái thiện, đẩy lùi cái xấu trên lĩnh vực nghệ thuật, nó mang một ý nghĩa hết sức lớn lao, có tác dụng ngăn chặn những biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức trên bình diện toàn xã hội. Hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn cũng là một trong những “khung hình” giúp con người sống chuẩn mực đạo đức; hệ thống pháp luật nước nhà càng hoàn thiện thì việc điều hành, quản lý xã hội cũng sẽ hiệu quả hơn.
Thực hiện: Dương Thị Hải Yến
Đồ họa: M.N
Theo: Hội Cờ đỏ