Bất cứ một tổ chức nào ngay từ khi được thành lập, muốn tồn tại phải đặt ra những quy định, quy chế, nội quy riêng để duy trì tổ chức ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Từ bản Điều lệ Đảng viết năm 1929 thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng 3/2/1930 đến bản Điều lệ Đảng do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua, từ Quy định 47 (năm 2011) đến Quy định 37 (năm 2021) về những điều đảng viên không được làm… đều đã cho thấy Đảng ta được tổ chức rất chặt chẽ, có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Lợi dụng sự kiện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quy định 37 của Ban Chấp hành T.Ư về những điều đảng viên không được làm, đối tượng Lưu Trọng Văn đã đăng tải bài viết “Cấm riêng đảng viên mà Dân vẫn khó thoát?” trên trang cá nhân Facebook của y. Bài viết mang đầy những luận điệu xuyên tạc sai trái và hoàn toàn vô lý. Chúng ta hãy cùng nhau vạch trần bộ mặt thật của y.
Mở đầu bài viết, y đã trích dẫn hai điều thứ 13 và điều 11 trong quy định mới. Sau đó y có tự xưng mình là “Gã” và đưa ra luận điệu “việc gì phải quy định riêng cho đảng viên như vậy rắc rối làm chồng lấn pháp luật, vì những điều ấy pháp luật cũng cấm rồi mà”. Những quy định trên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến pháp luật, nên chẳng có gì “rắc rối làm chồng lấn pháp luật” như Lưu Trọng Văn rêu rao. Việc ban hành quy định những điều đảng viên không được làm nhằm củng cố, giữ gìn và phát huy phẩm chất, đạo đức, năng lực của Đảng viên, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Qua đó, góp phần xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Vì vậy, Đảng muốn nhấn mạnh, muốn đủ sức răn đe để không xảy ra vi phạm thì bắt buộc quy định rõ thêm một số điều (nhưng không làm mất đi tính tổng quát) mà pháp luật đã có. Vấn đề này, không chỉ có Đảng, mà các tổ chức khác trong xã hội cũng có thực hiện, mục đích chính vẫn là để nhấn mạnh tính bắt buộc các cá nhân trong tổ chức phải thực hiện. Ngay cả các tổ chức nước ngoài khác cũng đều có điểm tương đồng.
Tiếp theo, trong bài viết của mình, y có viết “đảng chỉ nêu điều cấm trong nội bộ đảng thôi, đó là những điều công dân vẫn được làm, nhưng đảng viên không được làm”. Một con người có thể tham gia nhiều tổ chức, vì tham gia nhiều tổ chức, một công dân Việt Nam có thể tự nguyện tham gia Đảng cộng sản Việt Nam hoặc không. Nhưng khi đã trở thành thành viên của một đảng thì nhất thiết phải chấp hành các quy định của đảng và đương nhiên vẫn phải chấp hành pháp luật trên vai trò của một công dân. Câu hỏi ngược lại, nếu công dân không là Đảng viên, liệu có cần phải chấp hành quy định những điều Đảng viên không được làm hay không. Sự thật là công dân không bắt buộc phải chấp hành, nhưng cũng không vì thế mà “công dân vẫn được làm” như y đã viết.
Tiếp theo, lại che giấu sự thật bằng cách kể lại một câu chuyện đã bị cố tình bỏ qua những chi tiết quan trọng. Y kể về nhà thơ Bùi Minh Quốc rằng bị kỷ luật vì Thường vụ Tỉnh uỷ ra lệnh nhà thơ phải trở lại tỉnh chứ không được đi các nơi lấy chữ ký cho một kiến nghị mà Tỉnh uỷ không đồng ý. Nhưng y hèn hạ lừa lọc người đọc bằng cách không kể rõ về cái kiến nghị kia. Trong giai đoạn đầu đổi mới đất nước, vào năm 1989, Bùi Minh Quốc đã thực hiện chuyến xuyên Việt vận động, kích động một số văn nghệ sĩ, công dân nhẹ dạ, cả tin ký tuyên bố chung “yêu cầu đổi mới đồng bộ, triệt để, không đổi mới chập chờn”, mà thực chất là những lời bịa đặt, xúc phạm chính quyền. Như vậy, Bùi Minh Quốc với ý đồ, dã tâm thâm độc đó hoàn toàn xứng đáng nhận kỷ luật.
Tiếp theo trong bài viết, y lại lấy dẫn chứng về một “bà chị họ hàng là đảng viên” với câu chuyện xin ra khỏi đảng “chỉ để được lấy đồ ăn thừa ở nhà ăn tập thể”. Vậy chẳng phải hóa ra “bà chị họ đảng viên” của ông Văn chỉ vì cái lợi ích cá nhân nhỏ nhặt ngắn hạn trước mắt mà từ bỏ luôn cả tổ chức? Nếu có tồn tại những đảng viên như thế thật họ nên tự nhìn vào khuyết điểm mà sửa lại mình, chứ có gì hay ho mà đem ra bêu rếu.
Luận điệu xuyên tạc của y thể hiện rõ ở phần “Đảng viên không được nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”. Hắn ngang nhiên viết “Dân được thực hiện những điều trên nếu tiền trong sạch”, rõ ràng là đang cố tình bỏ quên 3 từ “trái quy định” ở cuối điều 9 nhằm làm cho người đọc hiểu sai rằng Đảng viên không được làm còn nhân dân thì được tha hồ thực hiện những điều trên. Với những hoạt động trái với quy định ở trên thì những công dân không phải là Đảng viên cũng không được thực hiện, “thoải mái” thực hiện ở đâu ra?
Phía cuối của bài viết, Lưu Văn Trọng lại bàn về nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta. Thử hỏi người công dân bình thường nào lại “phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” nếu không nhẹ dạ cả tin, bị các đối tượng xấu mua chuộc, lợi dụng. Những đối tượng thù địch, phản động luôn tìm cách phủ nhận vị trí, vai trò của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; âm mưu xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Đó mới là vi phạm Điều 4 Hiến pháp.
Có thể thấy, bài viết của Lưu Văn Trọng đã cố tình lợi dụng sự kiện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quy định 37 để bộc lộ âm mưu thâm độc, dã tâm nham hiểm. Y cho rằng nhân dân có thể “thoải mái thực hiện” các quy định hơn so với Đảng viên nhưng với cái tiêu đề của bài viết “Cấm riêng đảng viên mà Dân vẫn khó thoát?” thì hắn đang nhấn mạnh nội dung cuối của bài viết về Nhân dân không được chống phá nền tảng của Đảng. Qua bài viết, ý đồ chống phá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của hắn đã lộ rõ. Người đọc phải thật cảnh giác, tích cực đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Hoàng Chung
Theo: Hội Cờ đỏ