Bà Kamala Harris sẽ có chuyến thăm châu Á tới đây, nhằm xây dựng mối quan hệ thương mại với các quốc gia được coi là quan trọng đối với chuỗi cung ứng, Bloomberg cho biết.
Bà Kamala Harris, sẽ thăm Singapore và Việt Nam, nơi bà sẽ nhấn mạnh vai trò của Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu. Vị này cho biết hôm 20/8 rằng, Hoa Kỳ có cả lợi ích kinh tế và an ninh liên quan đến khu vực này và Hoa Kỳ phụ thuộc ra sao vào chuỗi cung ứng của hai nước nói trên.
Chuyến đi của bà Kamala diễn ra trong bối cảnh tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu vẫn tiếp tục làm đình trệ hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp ô tô và điện tử tiêu dùng ở Mỹ. Nhà Trắng, trong nhiều tháng đã thảo luận cùng với các ngành công nghiệp, cũng như các nhà lập pháp để tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Bà Harris sẽ hạ cánh vào ngày 22/8 tại Singapore. Singapore đã tìm cách tăng cường năng lực chế tạo chip và năng lực sản xuất của mình. GlobalFoundries Inc. có trụ sở tại Hoa Kỳ gần đây cho biết, họ đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở Singapore, dự kiến bắt đầu vào năm 2023. Nhà máy này dự kiến sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu của ngành điện thoại thông minh và ô tô.
Điểm dừng chân thứ hai của bà vào ngày 24/8 là Việt Nam, nơi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng, khi nhiều công ty trong những năm gần đây đã rời Trung Quốc sang Việt Nam. Đại dịch đã khiến không ít các nhà máy ở Việt Nam phải đóng cửa.
Bà Harris cho biết, vấn đề về ngành bán dẫn cũng đã được nêu ra trong cuộc thảo luận với Giám đốc điều hành Mary Barra của General Motors Co.
General Motors và các nhà sản xuất ô tô khác đã phải chật vật để duy trì hoạt động của các nhà máy, do nguồn cung chip thiếu hụt, khiến họ phải hạn chế sản xuất, lượng hàng tồn kho ngày càng giảm. Trong tháng này, Barra nói với các phóng viên rằng, General Motor đang nỗ lực để ngăn chặn sự tái diễn của tình trạng thiếu hụt, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng việc tranh giành chip giữa các công ty sẽ giảm.
Minh Ngọc
Theo: Cánh cò