Một điều ít người biết là, nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan Taliban có ngân sách hàng năm ước tính cao gấp 30 lần ngân sách quốc phòng của Chính phủ Afghanistan.
Taliban hiện nay rất khác so với những gì thường thấy trong các chương trình tin tức trên truyền hình về lực lượng này hồi cuối những năm 1990. Chất lượng truyền hình tất nhiên đã được cải thiện, nhưng giới quan sát cũng nhận thấy sự thay đổi đáng kể ở diện mạo của nhóm.
Theo báo India Today, các tay súng Taliban không còn trông nghèo nàn, rách rưới như giai đoạn cai trị Afghanistan 1996 2001. Những tay súng Hồi giáo này hiện ăn mặc tươm tất, để kiểu tóc gọn gàng và được trang bị các vũ khí mới tinh. Họ thậm chí còn sử dụng các xe quân sự hiện đại đi tuần ở những thành phố vừa chiếm được trong chiến dịch tổng tấn công chớp nhoáng, giành quyền kiểm soát Afghanistan vừa qua.
Lí do cho sự thay đổi trên bắt nguồn từ một thực tế rằng Taliban khá rủng rỉnh về tiền bạc.
Năm 2016, tạp chí Forbes từng xếp Taliban đứng thứ 5 trong danh sách 10 tổ chức khủng bố giàu có nhất thế giới, với doanh thu hàng năm là 400 triệu USD. Vào thời điểm đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đứng đầu danh sách với doanh thu 2 tỷ USD.
Theo Forbes, các nguồn thu chính của Taliban là từ buôn bán ma túy, tiền bảo kê và các khoản đóng góp của người ủng hộ. Đài RFE trích dẫn một báo cáo bị rò rỉ của NATO đánh giá, ngân sách hàng năm của Taliban trong năm tài khóa 2019 2020 đã lên tới 1,6 tỷ USD, tăng 400% trong vòng 4 năm so với con số ước tính năm 2016 của Forbes.
Đài RFE liệt kê cụ thể rằng, nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan thu được 464 triệu USD từ các hoạt động khai thác mỏ, 416 triệu USD từ buôn bán ma túy, 240 triệu USD từ các khoản đóng góp của nước ngoài, 240 triệu USD từ xuất khẩu, 160 triệu USD thuế (được tin thực chất là doanh thu từ các hoạt động bảo kê, tống tiền) và 80 triệu USD từ bất động sản.
Báo cáo của NATO ám chỉ, giới lãnh đạo Taliban đang theo đuổi chế độ tự cung, tự cấp để trở thành một thực thể chính trị và quân sự độc lập. Trong những năm qua, phong trào này đã giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản tài trợ và đóng góp của nước ngoài.
Vào năm 2017 2018, Taliban được cho là đã nhận ước tính khoảng 500 triệu USD hay khoảng một nửa tổng số ngân sách của mình khi đó từ các nguồn tài trợ của nước ngoài, nhưng con số này đã giảm xuống còn khoảng 15% tổng doanh thu của nhóm vào năm 2020.
Cùng năm tài khóa, ngân sách chính thức của Chính phủ Afghanistan là 5,5 tỷ USD, nhưng chỉ không đầy 2% trong số đó được phân bổ cho quốc phòng. Phần lớn chi phí cho các hoạt động “giữ Taliban tránh xa khỏi Afghanistan” lúc đó do phía Mỹ đài thọ.
Tính tổng cộng, Mỹ đã phải bỏ ra xấp xỉ 1.000 tỷ USD trong suốt gần 20 năm qua để trực tiếp chiến đấu chống lại Taliban hoặc đào tạo các lực lượng Afghanistan chống lại những kẻ nổi dậy. Xét về lợi tức đầu tư (ROI), Taliban rõ ràng đang kiếm được nhiều tiền hơn từ những đồng vốn bỏ ra đầu tư ở quốc gia Nam Á.
Vì vậy, nhóm được cho là có động lực lớn để nhanh chóng xúc tiến chiến dịch tấn công thần tốc thâu tóm quyền kiểm soát Afghanistan, lấp đầy những lỗ hổng mà các lực lượng Mỹ và NATO đã bỏ lại sau khi rút hết quân khỏi quốc gia này.
Tuấn Anh
Theo: Cánh cò