Trang điện tử của Đài Á châu Tự do (RFA) ngày 31-7-2021 đã đăng bài Chạy đến vô cùng, trong đó so sánh một bộ phận người lao động từ các tỉnh trước tình hình khó khăn của dịch bệnh đã phải rời TP.HCM trở về quê nhà với “cuộc tháo chạy” của những người ở Tây Nguyên, miền Trung vào Sài Gòn trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, năm 1975. Sau 2 ngày đưa lên fanpage của họ, bài viết đã có hơn 5.300 lượt tương tác, 1.200 lượt bình luận và hàng trăm lượt chia sẻ. Bài viết đã có nhận định hết sức sai lầm và mang dụng ý xấu, vì vậy người đọc phải thực sự tỉnh táo nếu không dễ bị dẫn dắt đi đến một nhận thức sai lệch.
Bài viết cho rằng “lần một, đó là dòng người chạy tránh những ngày kết thúc cuộc chiến năm 1975. Họ lìa bỏ mọi thứ, chấp nhận mất hết và chạy về phía Sài Gòn: một chỉ dấu của người dân vẫn chọn chạy về phía chế độ cầm quyền của mình, dù cho ngày thường họ có ghét hoặc không yêu đi nữa. Hình ảnh của dòng người tất tả chạy với đủ loại phương tiện, đến giờ vẫn làm người ta nao lòng, và thậm chí xen lẫn sự cảm kích trước sự giúp đỡ trong khả năng cuối có thể của một chế độ đang tàn lụi, vẫn ước muốn che chở công dân của mình”. “Cuộc tháo chạy” năm 1975 là có thật, bắt đầu từ chính binh lính và công chức của chế độ Sài Gòn. Sau khi thất bại trong việc “tái chiếm” Buôn Ma Thuột, người đứng đầu chế độ Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã bí mật ra lệnh rút khỏi Tây Nguyên nhằm “tái phối trí lực lượng và bảo vệ những vùng đông dân, trù phú, vì những vùng đất đó mới thực sự quan trọng” (kết luận của ông ta tại cuộc họp các thành phần chóp bu của chế độ ngày 11-3-1975).
Dù được chỉ đạo “bảo đảm bí mật tuyệt đối, không làm văn bản, chỉ truyền khẩu lệnh; cấm tiết lộ cho địa phương quân và các tiểu khu…” nhưng khi đội quân thua tan tác bắt đầu tháo chạy thì một bộ phận người dân, trong đó chủ yếu là thân nhân của binh lính và công chức của chế độ, cũng vội vàng chạy theo, vì lo sợ sẽ bị “trả thù” như cách mà chế độ này tuyên truyền. Trước tâm lý hốt hoảng chung, một số người khác cũng gia nhập với dòng người chạy khỏi Tây Nguyên về các tỉnh thành ven biển miền Trung, rồi sau đó hợp thành một khối khổng lồ tiếp tục chạy về phía Nam, khi các khu vực này liên tiếp được giải phóng.
Với những người chỉ huy và lãnh đạo của chế độ như thế, cuộc tháo chạy của người dân thực sự trở thành thảm họa, khi họ phải rời bỏ quê hương, gia đình và nhiều người trong số đó thực sự là nạn nhân khi lạc mất người thân, mất tài sản, bị thương tật, thậm chí mất mạng. Và, khi chính quyền đó lo cho bản thân họ còn không xong lấy gì “che chở” cho những người tháo chạy đó? Dĩ nhiên, có một số người còn hy vọng chạy vào Nam để có cơ hội được tiếp tục ôm chân Mỹ ra nước ngoài!
Bài viết của RFA đã đem việc người dân trở về quê mới đây là một “cuộc tháo chạy” khác, với sự so sánh sai lầm, ngụy biện. Bài viết nêu: “Lần hai, năm 2021, dòng người đó lại tháo chạy khỏi Sài Gòn. Cuộc di tản không phải tìm về miền đất hứa, mà chỉ tháo chạy như một bầy kiến tán loạn ra khỏi nơi ngụ cư của mình, bởi một cú đập mạnh của công cuộc “chống dịch như chống giặc”. (…) Họ chỉ có vài con đường: vào trại cách ly, gồng mình chờ cứu giúp ở nhà trọ, hoặc chấp nhận bị giam nhốt ở nơi làm việc với chính sách duy ý chí có tên “3 tại chỗ”: ăn một chỗ, ở một chỗ và làm việc cũng ở đó. (…) Nhưng rồi trớ trêu là lại bị chặn giữ, ngăn cản ở nơi họ muốn tìm về. Những con kiến-thân phận đó loay hoay chạy từ trên miệng chén rồi lại xuống dưới, mệt nhoài trong những lời tuyên bố an dân vẫn lấp lánh kiêu hãnh trên hệ thống truyền thông”.
Quả thật, thời gian gần đây, có hiện tượng nhiều người trở về quê ở miền Trung, miền Bắc và cả miền Tây. Họ là những người đã mất việc làm, không có thu nhập và gần như không thể tiếp tục bám trụ lại TP.HCM, hoàn toàn không phải do việc bị cách ly, “bị nhốt”. Bởi những người thuộc diện “3 tại chỗ” như bài viết nêu chính là những người còn đang làm việc và vì thế không lý do gì phải rời thành phố. Còn người đang chịu cách ly (hoặc phong tỏa) cũng không thể đi đâu được.
Trong quá trình rời khỏi TP.HCM, đa số đã được chính quyền và người dân các địa phương trên đường họ đi qua hỗ trợ nhiều mặt. Ngoài việc được xét nghiệm để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng, họ được các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục hành trình, như chăm sóc y tế, cung cấp thực phẩm, có xe dẫn đường, thực hiện bàn giao với địa phương bạn… Không chỉ vậy, bà con ở khắp nơi còn tận tình giúp đỡ bằng sự đồng cảm, sẻ chia chí tình. Có những trường hợp đặc biệt khiến chúng ta vô cùng cảm động vì tấm lòng của đồng bào mình, như những người đã đi bộ hàng trăm cây số, đứa bé 9 ngày tuổi vượt cả ngàn cây số, đoàn người đi bộ hàng chục cây số… rồi được giúp đỡ như thể họ là người thân ruột thịt.
Như vậy, có những cuộc ra đi, nhưng không phải là sự tháo chạy. Nhiều người chỉ tạm thời rời đi, để về nhà, rồi sẽ quay lại vào một thời điểm thích hợp. Cuộc ra đi này có thể không an toàn ở nhiều khía cạnh, nên chính quyền các địa phương đã tích cực hỗ trợ, trong đó có việc tổ chức xe, tàu, máy bay… để đón con em của địa phương đó được trở về an toàn, trước khi tiếp tục hỗ trợ bằng các biện pháp khác. Hoàn toàn không có việc người dân bị bỏ mặc, trở thành “những con kiến-thân phận” như tác giả bài viết đã ví một cách khinh miệt.
Lâu nay, RFA vẫn luôn tỏ ra thành kiến và có cái nhìn lệch lạc về tình hình Việt Nam, luôn dùng hiện tượng cá biệt để dẫn dắt dư luận xem nó trở thành vấn đề phổ biến, luôn xuyên tạc, bóp méo sự thật để công kích Đảng và Nhà nước ta. Do đó, nếu ai đó có tiếp cận với những thông tin của trang này hoặc những thông tin kiểu như thế này cần bình tâm, thận trọng suy xét, phân tích, chứ đừng cả tin mà mắc lừa họ!
NGŨ YÊN
Nguồn: Fanpage Cờ Đỏ Tp. Hồ Chí Minh
Theo: Hội Cờ đỏ