Làm việc với lãnh đạo quận Bình Thạnh về phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ ông nhận được nhiều tin báo về các trường hợp F0 chuyển nặng nhưng người dân gọi y tế cơ sở không được.
Chiều 1/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã cùng đoàn công tác của thành phố đến kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận Bình Thạnh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị lãnh đạo quận Bình Thạnh nắm chắc tình hình sức khỏe các trường hợp F0 và có quy trình quản lý chặt chẽ, hỗ trợ chăm sóc kịp thời để nâng cao sức khỏe cho các F0, hạn chế đến mức thấp nhất các F0 chuyển nặng. Khi các F0 có chuyển biến xấu về sức khỏe thì phải được y tế cơ sở chăm sóc kịp thời.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói rất trăn trở khi thời gian qua có nhiều tin báo về các trường hợp F0 chuyển nặng nhưng người dân gọi y tế cơ sở không được, trong đó có một trường hợp đích thân ông phải gọi điện giữa đêm khuya để can thiệp, xử lý giúp người dân.
“Mỗi phút đợi chờ của gia đình dài như vô tận. Trong những lúc cần cấp cứu thì một giây cũng quý. Đừng bao giờ để xảy ra trường hợp nào nguy kịch, thậm chí tử vong tại nhà do sự thiếu phản ứng của mình. Ân hận và ray rứt lắm. Lương tâm chúng ta không cho phép. Dịch này đâu ai muốn. Khi chuyển nặng mà quy trình không xử lý kịp, các đường dây tắc nghẽn thì người bệnh có thể tử vong”, ông Phong lưu ý và cho biết sẵn sàng điều động thêm y bác sỹ hỗ trợ địa phương nếu cần thiết.
Ông Phong cũng lưu ý các trường hợp F0 không có triệu chứng thì có thể hướng dẫn cho cách ly tại nhà nếu có đủ điều kiện. Trường hợp F0 sinh sống trong các khu dân cư đông đúc thì dù không có triệu chứng cũng phải đưa đi cách ly chữa trị tập trung.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, hiện nay số ca F0 đều phát hiện tại các khu phong tỏa, khu cách ly, cho thấy các khu phong tỏa, cách ly hiện nay quản lý chưa chặt chẽ, “ngoài chặt, trong lỏng”. Vì vậy, khi thực hiện phong tỏa, cách ly cần phải nghiên cứu quy mô vừa phải. Phong tỏa quá hẹp thì sẽ bỏ sót các F0, F1 và nếu quá rộng thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và khó quản lý.
“Sau khi quét xong F0, F1 thì phải tiến hành giải tỏa từng phần, có thể cách ly theo từng nhà, từng khu trong khu vực phong tỏa, tránh phong tỏa quá lâu. Khi phong tỏa đừng vội an tâm. Quận phải phát huy vai trò các tổ COVID cộng đồng”, ông Phong lưu ý.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng đề nghị chính quyền quận Bình Thạnh quan tâm chăm lo cho người nghèo và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho những người yếu thế, đảm bảo cung ứng lương thực tại các khu phong tỏa, cách ly, không để người dân thiếu ăn.
Ngoài ra, lãnh đạo quận cần quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời cho đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng đang ở tuyến đầu chống dịch.
Theo Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Đinh Khắc Huy, từ ngày 27/4 đến nay trên địa bàn quận Bình Thạnh ghi nhận 3.666 ca F0, trong đó có 748 ca F0 đang thực hiện cách ly tại quận và 326 ca đã khỏi bệnh. Ngoài ra, quận đang quản lý gần 3.000 F1, hơn 4.800 F2. Trong số đó có 392 ca F1 cách ly tại khách sạn, 912 ca F1 được cách ly tại nhà. Quận Bình Thạnh tổ chức 20 điểm tiêm vắc xin tại 20 phường và 2 điểm tại quận. Đến ngày 1/8, địa phương đã tiêm hơn 16.000 liều, đạt hơn 86% kế hoạch.
Ông Đinh Khắc Huy cũng cho biết, Quận Bình Thạnh đã triển khai cách ly tại nhà cho các F0 không có triệu chứng lâm sàng và có quy trình xử lý các tình huống F0 chuyển nặng. Các F0 được hướng dẫn cách thức tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà. Quận đã cung cấp số điện thoại nóng để F0 và người nhà liên hệ khi phát hiện bất thường về sức khỏe…
Huy Thịnh
Theo: Cánh cò