Tự do ngôn luận là quyền của tất cả mọi người. Tuy nhiên, tự do ngôn luận không phải là việc tiến hành ngôn luận tự do vô tội vạ, thích nói gì thì nói một cách thiếu suy nghĩ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Trương Nhân Tuấn lấp liếm phát ngôn chia rẽ bằng cái mác “tự do ngôn luận.
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp như hiện nay, thay vì chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ đạo của chính quyền các cấp thì không ít người “rảnh rỗi sinh nông nổi”, “nhàn cư vi bất thiện” đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải những thông tin sai trái gây hoang mang dư luận, kích động sự mâu thuẫn, mất đoàn kết. Các vụ việc có thể kể đến như phát biểu lộng ngôn, chia rẽ của MC Trác Thuý Miêu, hay phát ngôn phân biệt vùng miền của bà Nguyễn Hằng – mẹ vũ công Hiền Sến, và “đề xuất” nhận được không ít “gạch đá” dư luận của ông đạo diễn Dũng “khùng”… Quyền tự do ngôn luận là điều không ai ngăn cấm, nhưng việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để phát ngôn sai trái, kích động, gây mâu thuẫn như các trường hợp trên là không thể chấp nhận được. Chính dư luận, cộng đồng mạng cũng đã phản đối gay gắt đối với những bài viết trên, khiến chủ nhân của các bài viết “vuốt mặt không kịp”.
Nhưng dù sai trái như thế, một số “mõ làng dân chủ” lại gân cổ để cổ súy, tung hô, ủng hộ cho các giọng điệu “bố đời”, kệch cỡm, vô văn hoá, “ăn không nhai, nói không nghĩ” đó. Trên mạng xã hội, đối tượng Trương Nhân Tuấn đã đăng tải nhiều bài viết “thọc gậy bánh xe”, xuyên tạc sự thật, cổ vũ cho các hành vi sai trái núp dưới bóng “dân chủ”, “nhân quyền”. Trong một bài viết mới được tung ra, đối tượng này cho rằng: “Cả hai ý kiến, cô Trác và bà Hằng, theo tôi không hề vi phạm luật lệ ở bất cứ điều gì”. Từ đây, đối tượng này tiến hành xuyên tạc lịch sử đất nước, kích động chia rẽ vùng miền, tung ra thông tin sai lệch lịch sử, mang tính chất xuyên tạc một cách trắng trợn: “Hà Nội từ khi bị nhà Nguyễn truất danh hiệu ‘kinh đô’ và giao danh hiệu này cho Huế. Hà Nội thù nhà Nguyễn đến thâm xương. VN mất vô tay Pháp, VN xém chút nữa thuộc về Trung hoa… một phần quan trọng là do dân Hà Nội chống nhà Nguyễn. Hầu hết các cuộc nổi loạn chống nhà Nguyễn đều đến từ dân “hoài Lê” ở ngoài Bắc”.
Từ đầu đến cuối là những lời ngụy biện.
Không dừng lại ở đó, đối tượng Trương Nhân Tuấn còn “đâm bị thóc, chọc bị gạo” khi công kích một số ý kiến trái chiều trong kỳ họp Quốc hội đầu tiên của Quốc hội khoá XV; đưa ra yêu sách phi lý, vô căn cứ rằng: “Sở Thông tin có rảnh thì hãy kiểm soát lời lẽ “ba trợn” của mấy ông đại biểu quốc hội”…
Cần phải hiểu rõ, Trương Nhân Tuấn là một đối tượng “dân chủ” hoạt động mạnh mẽ trong nhiều năm. Trong mùa dịch, đối tượng này tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá khi đưa ra nhiều thông tin tiêu cực, sai trái như: xuyên tạc công tác phòng, chống dịch của đất nước; công kích chính sách được đưa ra trong thời gian chống dịch; đổ lỗi cho Đảng, cho chế độ là nguyên nhân gây ra dịch bệnh…
Quay lại với màn “tự do ngôn luận” của MC Trác Thuý Miên, bà Nguyễn Hằng hay một số người khác, đó là hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để chia rẽ, kích động thù hằn nguy hiểm. Nó thể hiện rõ sự hạn hẹp, bốc đồng, ngạo mạn trong tư duy và nhận thức. Những nội dung được đưa ra ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của người dân trong cộng đồng; gây ra sự mâu thuẫn, hoài nghi; kích động sự phân biệt vùng miền. Và hơn hết, đó là những thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Vậy hà cớ gì Trương Nhân Tuấn lại cho rằng nó đúng? Hay chăng, thứ “tự do ngôn luận” mà các “nhà dân chủ” đang hướng đến là một sự tự do vô pháp luật, đứng trên tâm tư, tình cảm của cộng đồng?
Tự do ngôn luận không có nghĩa là được tự do chụp mũ, thêu dệt, xuyên tạc, áp đặt, chống phá đầy hằn học, hận thù, đen tối, phóng tác, bôi nhọ, tô vẽ, rẻ rúng… không có căn cứ, bất chấp luân thường, đạo lý và luật pháp. Những kẻ bảo vệ, tiếp tay, cổ suý cho những hoạt động sai trái cũng cần phải bị nghiêm trị.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Tre làng
Theo: Hội Cờ đỏ