Friday, November 22, 2024

Vụ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (mẹ Nấm): bảo vệ nhân quyền hay can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam?

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX TAND cấp cao tại Đà Nẵng nhận định TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị xử phạt với mức án 10 năm tù là tương xứng với hành vi và hậu quả do bị cáo gây ra.

Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như không có chuyện cứ sau mỗi lần các cơ quan chức năng bắt giữ, truy tố, xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật là một vài tổ chức phi chính phủ thiếu thiện chí với Việt Nam ở nước ngoài thông qua một số trang mạng lại rêu rao những giọng điệu vu cáo “Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận”. Thậm chí họ còn đưa ra yêu cầu Việt Nam phải tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế… trả tự do cho các đối tượng bị bắt giữ.

Theo đó, ngay sau khi TAND cấp cao tại Đà Nẵng kết thúc phiên xử, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Human Rights Watch (HRW) đã đưa ra ngay thông cáo báo chí với luận điệu xuyên tạc rằng: “Phiên toà công khai này thực chất là một trò cười ngay từ lúc bắt đầu. Thủ tục tố tụng càng là một trò hề, với việc thẩm phán phiên toà chỉ đơn giản lướt nhanh qua các thủ tục trước khi quyết định y án bản án 10 năm khắc nghiệt vốn đã được định sẵn bởi Đảng Cộng sản cầm quyền…”

Một bản tuyên bố khác về bản án phúc thẩm cũng được đưa ra bởi Đại diện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Caryn McClelland, cho biết “Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam phải thả bà Quỳnh cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức”.

Vụ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (mẹ Nấm): bảo vệ nhân quyền hay can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam?

Tuyên bố của Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn McClelland về bản án phúc thẩm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Trong khi đó, Tuyên bố của Đại Sứ Quán Mỹ như thường lệ lại tỏ ra “quan ngại sâu sắc trước việc Toà án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hoà, được trao giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) với cáo buộc mơ hồ “tuyên truyền chống nhà nước”, nhắc lại tất cả mọi người đều có các quyền tự do cơ bản như bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội một cách ôn hoà”.

Cần khẳng định rằng, những phát biểu trên là sự xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn, không phản ánh đúng thực tế về hệ thống luật pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực tiễn trên thế giới không quốc gia nào có quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội tuyệt đối, quyền này thường bị hạn chế bởi các quy định rất chặt chẽ của pháp luật.

Khoản 2, Điều 29 Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 quy định: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.

Tại khoản 3, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nhấn mạnh: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

Như vậy, việc thực hiện những quyền trên phải căn cứ theo cơ chế chính trị, nền tảng luật pháp hay quy chế quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ đó. Mọi công dân khi thực hiện những quyền đó đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác, không làm tổn hại đến lợi ích của tập thể, của quốc gia, dân tộc.

Trên tinh thần cơ bản của công ước quốc tế, tại Việt Nam, mọi công dân đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình, song quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, không xâm phạm đến lợi ích của người khác và lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Nhưng Việt Nam cũng kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền đó để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Điều 88 Bộ luật Hình sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tội phạm gồm các hành vi: “Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.

Hành vi phạm tội của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là rất rõ ràng. Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến tháng 10/2016, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sử dụng Facebook cá nhân để soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ, xuyên tạc, đả kích, phê phán đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.

Các bài viết này đã gây hoang mang, lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành, quản lý xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thông qua đó, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã tuyên truyền, kích động nhân dân chống lại Nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Từ năm 2013-2016, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã nhiều lần trả lời phỏng vấn các báo, đài, tổ chức hoạt động truyền thông nước ngoài, xuyên tạc tình hình trong nước trên các lĩnh vực lịch sử, kinh tế, chính trị, quốc phòng, ngoại giao, pháp luật, các vấn đề về dân chủ, nhân quyền. Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn nhiều lần đứng ra tổ chức hoặc tham gia các hoạt động, sự kiện nhằm kích động, xúi giục người dân chống đối Nhà nước.

Như vậy có thể khẳng định rằng, hành vi của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn trái với Điều 29 của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền và Điều 19 của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Việc các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ, điều tra để xử lý Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng luật pháp Việt Nam và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Rõ ràng, việc một số tổ chức, cá nhân đội lốt “bảo vệ dân chủ, nhân quyền” vu cáo “Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận” và đòi trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và không thể chấp nhận được./.

Đắc Chí

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG