Indonesia trải qua đợt dịch tồi tệ nhất với số ca mắc đã vượt qua mốc 2,1 triệu người. Các bệnh viện bị quá tải trong khi nhiều nghĩa trang cũng đang hoạt động hết công suất.
Từ tháng 5, số ca Covid-19 tại Indonesia không ngừng gia tăng sau kỳ nghỉ Idul Fitri. Tại một địa phương ở miền Trung Java là Kudus, các ca mắc bệnh đã tăng 7.600% so với đầu năm. Theo các chuyên gia, biến thể Delta (lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ) là nguyên nhân khiến đợt lây nhiễm lan rộng nhanh chóng. Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 29-6 cảnh báo biến thể Delta đang đẩy Indonesia tới bờ vưc “thảm họa”. Tình hình tại quốc gia bị dịch Covid-19 tấn công nặng nề nhất Đông Nam Á đang có chiều hướng giống Ấn Độ.
Tính đến ngày 29/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết Indonesia có hơn 2,1 triệu ca Covid-19, với 57.130 ca tử vong. Riêng ngày 27/6, nước này đạt kỷ lục về số ca mắc trong ngày với 21.342 trường hợp.
Ở thủ đô Jakarta, người dân phải xếp hàng dài chờ nạp đầy các bình oxy mang về cho người bệnh. Đến ngày 25/6, khoảng khoảng 90% số giường bệnh tại đây đã kín chỗ. Thủ đô của Indonesia cũng là địa phương có số ca tử vong cao nhất trên cả nước với hơn 8.000 trường hợp.
Các khu chôn cất bệnh nhân Covid-19 trong một số nghĩa trang ở thủ đô Jakarta cũng đang phải hoạt động liên tục trước áp lực do số ca tử vong tăng cao. Nghĩa trang Pondok Rangon được đưa vào hoạt động trong những tháng đầu của đại dịch nay kín chỗ.
Tại một đầm lầy lớn, nghĩa trang Rorotan được chính quyền mở thêm để phục vụ chôn cất các bệnh qua đời do Covid-19. Từ khi mở cửa đến nay, có khoảng 900 thi hài đã được mai táng tại đây.
Số ca tử vong ở Jakarta tiếp tục đạt đỉnh hôm 23/6 với 180 người thiệt mạng do Covid-19. Theo chính quyền thành phố, nghĩa trang Rorotan với diện tích khoảng 3 ha có thể chôn cất khoảng 6.000 thi hài.
Những công nhân đào mộ ở Indonesia có thể phải làm việc tới 16 giờ mỗi ngày. Nhiệm vụ của họ là chôn cất hết số quan tài được đưa đến nối tiếp nhau trên những chiếc xe cứu thương, có ngày lên đến 10 chuyến.
Ở nghĩa trang Rorotan, do địa hình khó khăn, gia đình các bệnh nhân buộc phải vượt qua bùn lầy để đến được nơi chôn cất người thân yêu của họ. Thậm chí, ngay cả xe cứu thương cũng gặp khó khăn khi cố vào khu vực này.
Trong khi đó, Indonesia cũng đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 180 triệu dân, trong tổng số 270 triệu, vào đầu năm 2022. Đến nay, mới chỉ có khoảng 5% dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine.
Kỳ Sơn