Ngày 29/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dự kiến gần 30 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 về Việt Nam trong 3 tháng tới, hơn 100 triệu liều về trong quý IV. Cùng ngày, Bộ Y tế phê duyệt khẩn cấp có điều kiện vắc-xin Moderna (Mỹ).
GS.TS Trần Văn Thuấn thông tin, đến nay, tổng số liều vắc-xin từ đàm phán, viện trợ là khoảng 125 triệu liều. Trong đó, nguồn Covax Facility có 38,9 triệu liều; nguồn ký 3 bên giữa Bộ Y tế, Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam và AstraZeneca có 30 triệu liều; nguồn thứ ba ký với Pfizer, trong năm 2021 sẽ về 31 triệu liều (dự kiến quý III về 3 triệu liều, quý IV về 28 triệu liều).
Tháng 7, dự kiến có khoảng 8 triệu liều vắc-xin về Việt Nam, trong tháng 8-9 sẽ có thêm 20-21 triệu liều. Số vắc-xin này chủ yếu là AstraZeneca và Pfizer.
Ngoài ra, Việt Nam có nguồn viện trợ từ một số nước, tổ chức như Nhật Bản, Trung Quốc, UNICEF… với khoảng 5-10 triệu liều.
“Mới đây nhất, Ấn Độ đã đồng ý bán cho Việt Nam tổng cộng 15 triệu liều vắc-xin COVID-19 trong năm 2021, trong đó 6 triệu liều sẽ về trong quý III, số còn lại về trong quý IV”, ông Thuấn nói.
Với nguồn vắc-xin Sputnik V của Nga, Việt Nam vẫn đang đàm phán để mua 40 triệu liều, nhiều khả năng 20 triệu liều sẽ về trong năm 2021.
Ngoài ra, sẽ có nguồn 5 triệu liều vắc-xin Moderna đàm phán qua công ty Zuellig Pharma. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, do lượng lớn vắc-xin sẽ về vào cuối năm, Việt Nam đang xây dựng chiến lược tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến khi triển khai, có thể tiêm tối đa hơn 1 triệu liều mỗi ngày.
Ông Thuấn nhấn mạnh, nguồn cung vắc-xin trên thế giới từ nay đến tháng 9 vẫn rất khan hiếm, do đó số lượng vắc-xin chắc chắn về Việt Nam chỉ mang tính tương đối. Việc phân bổ vắc-xin hiện nay dựa trên cân bằng nhiều yếu tố như tỷ lệ mắc bệnh, dân số, mật độ dân số hoặc các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp.
Phê duyệt Moderna
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký quyết định phê duyệt có điều kiện vắc-xin Spikevax (tên khác là Moderna) cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19. Đây là vắc-xin dạng hỗn dịch tiêm bắp; mỗi lọ chứa 10 liều. Tập đoàn Zuellig Pharma đóng tại TPHCM là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối Moderna ở Việt Nam.
Dựa vào bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng, với người từ 18 tuổi trở lên, Moderna đạt hiệu quả 94,1% trong việc phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 ở những người đã tiêm 2 liều. Vắc-xin này sử dụng công nghệ mRNA – công nghệ sản xuất vắc-xin mới nhất hiện nay. Moderna là vắc-xin COVID-19 thứ 5 được phê duyệt tại Việt Nam, sau AstraZeneca, Spunik V, Pfizer và Sinopharm.
Bộ Y tế cho biết, ngày 29/6, Việt Nam ghi nhận 372 ca mắc COVID-19 với 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 361 ca ghi nhận trong nước tại TPHCM (155), Bắc Giang (27), Bình Dương (24), Đồng Tháp (22), Tiền Giang (22), Quảng Ngãi (21), Phú Yên (20), Hưng Yên (15), Nghệ An (14), Long An (12), Hà Tĩnh (12), Bắc Ninh (5), Đồng Nai (4), Hải Phòng (2), Lạng Sơn (2), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1), Bình Thuận (1), Bà Rịa-Vũng Tàu (1); trong đó 308 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Cùng ngày, Bộ Y tế công bố 2 ca tử vong do COVID-19 và 245 bệnh nhân khỏi bệnh.
Thêm vắc-xin từ Nhật Bản đến Việt Nam
Hôm qua, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thông báo, dự kiến ngày 1/7 và 8/7, tổng cộng khoảng 1 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 mà Chính phủ Nhật Bản cung cấp thêm cho Việt Nam sẽ được chuyển đến Việt Nam bằng đường hàng không. Tính chung với khoảng 1 triệu liều vắc-xin đã đến Việt Nam ngày 16/6, Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam tổng cộng khoảng 2 triệu liều.
Thái Anh
Theo: Cánh cò