Bình Dương xuất hiện nhiều ổ dịch Covid-19 liên quan đến chuỗi lây nhiễm từ tỉnh khác. Công tác khoanh vùng y tế khó khăn khiến tỉnh này có thể khó kiểm soát dịch hơn cả Bắc Giang – bác sĩ Đồng nói.
Nhiều ổ dịch nguy hiểm ở Bình Dương
Tính đến 14h ngày 28/6, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 341 ca mắc Covid-19. Riêng đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), tỉnh này ghi nhận 294 ca bệnh nhiễm trong cộng đồng. Qua điều tra dịch tễ bước đầu ghi nhận, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh xuất phát từ hai nguồn lây ở TPHCM và Hà Nội.
Trong đó, chuỗi từ TPHCM lây lan sang Bình Dương tạo thành các ổ dịch ở phường Bình Chuẩn, Thuận An với 5 ca bệnh.
Ổ dịch liên quan chợ đầu mối Hóc Môn có 3 bệnh nhân; ổ dịch công ty Puku, khu công nghiệp Đồng An 1, Thuận An phát hiện 23 ca; ổ dịch chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, Thuận An, phát hiện 3 ca; ở công ty TICO, phường An Phú, Thuận An phát hiện 3 ca.
Nguồn lây từ Hà Nội phát hiện 5 ca bệnh tại công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phúc Đạt, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An. Đến nay, qua 22 ngày ở đây không phát hiện ca bệnh mới.
Theo đánh giá, lo ngại hiện nay nhiều ổ dịch đang lây lan nhanh, như ổ dịch phường Tân Phước Khánh, Tân Uyên có 14 trường hợp dương tính trong một gia đình. Họ đều dự tiệc thôi nôi của BN11128 vào ngày 8/6. Đến nay, tỉnh ghi nhận tổng cộng 193 ca bệnh từ chuỗi lây nhiễm ổ dịch Tân Phước Khánh và 3 nhánh liên quan khác.
Các nhánh của chuỗi lây nhiễm Tân Phước Khánh đã ghi nhận tại công ty House Wares Việt Nam phát hiện 127 ca bệnh. Từ ổ dịch công ty House Wares, xuất hiện thêm các ca bệnh mới tại nhiều công ty khác.
Chuỗi lây nhiễm công ty gốm sứ Hiền Hòa Anh có 29 ca bệnh. Chuỗi lây nhiễm ở Chi nhánh Xử lý chất thải thuộc Công ty Cổ phần nước – môi trường Bình Dương phát hiện ngày 14/6 đến nay có 27 ca bệnh.
Từ ổ dịch này, phát hiện ca bệnh mới tại các công ty Rich Right (Tân Định, Bến Cát) và Chi nhánh Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học TPHCM, khu công nghiệp Sóng Thần 3.
Chuỗi lây nhiễm công ty Wanek phát hiện có 8 ca dương tính.
“Nguy cơ khó kiểm soát dịch hơn Bắc Giang”
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Bình Dương, Bộ Y tế phối hợp cùng chính quyền địa phương huy động nhiều lực lượng vào cuộc chống dịch. Sau khi được điều động, ngày 27/6, PGS.TS.BS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TPHCM, cùng bác sĩ các khoa phòng của Viện, đã đến Bình Dương tham gia dập dịch.
Từ điểm nóng dịch Covid-19 của Bình Dương, PGS Lê Thành Đồng cho biết, đoàn công tác của Viện đã phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương họp bàn, lập kế hoạch điều tra, truy vết, cách ly, khoanh vùng và triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19.
Theo PGS Thành Đồng, bước đầu có thể nhận định ổ dịch tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên và Công ty House Wares, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An diễn biến phức tạp.
“Trong ngày 27 và 28/6, chúng tôi sẽ lấy khoảng 30.000 mẫu xét nghiệm cho toàn bộ cộng đồng có nguy cơ ở các phường Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp và Tân Hiệp thuộc thị xã Tân Uyên, nhằm kịp thời phát hiện các ca bệnh để xử lý, dập dịch” – ông Đồng thông tin.
Theo phân tích của PGS Thành Đồng, công tác phòng chống, dập dịch ở địa phương đang gặp khó khăn do địa bàn tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều khu nhà trọ, số lượng người lao động lớn, đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm ở mức cao.
Ngoài các phòng trọ xây dựng theo khu tại thị xã Tân Uyên, có nhiều nhà cho thuê đan xen trong các khu dân cư của địa phương. Đáng lo ngại hơn, các khu nhà trọ khiến phát sinh thêm nhiều khu chợ tự phát, các điểm vui chơi, dịch vụ giải trí… Mặt khác, người lao động có thể ở địa phương này qua địa phương khác làm việc, thậm chí từ TPHCM đến làm việc ở Bình Dương rồi về trong ngày.
PGS Lê Thành Đồng nhận định, dịch Covid-19 tại Bắc Giang bùng lên rất mạnh nhưng sau một tháng về cơ bản đã được kiểm soát tốt. Qua phân tích sơ bộ trên cơ sở so sánh, chúng tôi thấy rằng tại ổ dịch Bắc Giang, các khu công nghiệp được xây dựng tập trung, khu nhà trọ công nhận cũng tách biệt nên công tác khoanh vùng không gặp nhiều khó khăn.
Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TPHCM, nhận định địa bàn tỉnh Bình Dương và TPHCM ở thế cài răng lược, khá khó khăn trong việc khoanh vùng kiểm soát y tế.
“Có nhiều trường hợp phát hiện dương tính, điều tra dịch tễ ghi nhận họ làm việc một nơi, ở một nơi, vui chơi, gặp gỡ một nơi, khám bệnh một nơi. Nhiều chuỗi lây nhiễm đã phát tán rất nhanh, phức tạp, lan rộng. Nếu không kịp thời kiểm soát, truy vết, cách ly, khoanh vùng thì dịch sẽ bùng phát rất nhanh khiến công tác phòng và dập dịch tại Bình Dương khó khăn hơn rất nhiều so với Bắc Giang” – ông Đồng nhận định.
PGS Lê Thành Đồng
Theo: Cánh cò