Muốn thả nổi dịch và sống chung an toàn với COVID-19, cần thiết phải đảm bảo được một điều kiện cốt tử. Đó là gì?
Chuyện muốn chung sống với COVID-19 là suy nghĩ của không ít người sau một năm rưỡi chống chọi đại dịch. Tuy nhiên không phải hoàn cảnh nào cũng có thể chung sống an toàn với COVID-19, mà cần thiết phải bảo đảm được một điều kiện hết sức quan trọng – đó là phủ sóng vaccine đủ rộng.
Tiêm chủng đủ nhiều, Singapore tính sống chung với dịch
Theo hãng tin Reuters, Singapore đang lên lộ trình sống bình thường với đại dịch, với hy vọng virus SARS-CoV-2 sẽ trở thành một loại bệnh đặc hữu như cúm.
Hồi tháng 4 khi biến thể Delta lây lan, Singapore từng đóng cửa biên giới với Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Pakistan, Sri Lanka. Dù đóng cửa nhưng tới tháng 5 sân bay Changi vẫn có nhân viên lau dọn vệ sinh nhiễm biến thể này, dẫn tới một đợt phong tỏa nữa mà mới chỉ được dỡ bỏ gần đây. Tuy nhiên giờ Singapore đã nghĩ tới lộ trình mở cửa, và điều đứng đằng sau quyết định được xem là táo bạo này là sự thành công của chương trình tiêm chủng.
Hiện Singapore đã tiêm cho khoảng một nửa dân số với ít nhất một liều vaccine của Pfizer/BioNTech hay của Moderna. Trong đó 36,1% dân số đã được tiêm đủ 2 liều (2,06 triệu người/5,9 triệu dân).
Để có được điều này, từ giữa tháng 12-2020, Bộ Y tế Singapore đã phê duyệt đưa vaccine của Pfizer/BioNTech vào sử dụng và ngay lập tức bắt đầu chiến dịch tiêm chủng toàn quốc với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nước nào ở châu Á.
Nhà chức trách nước này hy vọng ít nhất 2/3 dân số sẽ được tiêm đủ 2 liều vaccine vào khoảng ngày Quốc khánh Singapore 9-8.
Với tỉ lệ tiêm chủng được cho ở mức cao, Singapore đang dần dần khôi phục các hoạt động xã hội và đi lại.
Singapore sẽ chỉ tập trung các ca bệnh nặng
“Đã 18 tháng kể từ khi đại dịch bắt đầu, và người dân của chúng tôi đang chiến đấu mệt mỏi. Tất cả đều đang đặt câu hỏi: Đại dịch sẽ kết thúc khi nào và như thế nào?” – Bộ trưởng Thương mại Gan Kim Yong, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong và Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cùng đưa ý kiến trong một bài báo trên tờ The Straits Times ngày 24-6.
Tới đây, thay vì theo dõi số ca nhiễm hàng ngày, nhà chức trách Singapore sẽ tập trung vào theo dõi các trường hợp trở nặng. Những người bị nhiễm sẽ được cho phép tự theo dõi, nghỉ ngơi, điều trị triệu chứng để hồi phục tại nhà, nhờ đó hệ thống y tế sẽ bớt căng thẳng hơn.
Singapore sẽ không còn xem xét nghiệm là công cụ để căn cứ vào đó tiến hành các hình thức cách ly, phong tỏa. Thay vào đó xét nghiệm sẽ được sử dụng nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho các sự kiện, hoạt động xã hội và các chuyến đi nước ngoài.
Người dân có thể đi du lịch trở lại, ít nhất tới các nước kiểm soát được virus và chấp nhận kết quả xét nghiệm cũng như tiêm chủng, và không còn yêu cầu phải cách ly.
Tiêm chủng chưa đủ, Úc tiếp tục giãn cách
Cả Singapore và Úc đều đã áp dụng thành công hình thức phong tỏa để kiềm chế COVID-19.
Tuy nhiên thời điểm này, trong khi Singapore đã tính đến lộ trình bình thường trở lại và sống chung với COVID-19 thì Úc vẫn chưa thể tính tới chuyện bỏ phong tỏa hay mở cửa biên giới. Sydney vừa áp lệnh giãn cách toàn TP trong 2 tuần.
Điểm khác nhau chính giữa Singapore và Úc là tỉ lệ tiêm chủng. Cụ thể, trong khi tỉ lệ dân được tiêm đủ 2 liều vaccine ở Singapore là 36,1% thì tỉ lệ này là ở Úc chỉ mới 4,4% (1,1 triệu người/25,9 triệu dân).
Thủ tướng Úc Scott Morrison lặp lại cảnh báo rằng các biến thể mới của COVID-19 có thể lấn át hiệu quả của các loại vaccine và tuyên bố sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới tới khi còn cần thiết – biện pháp đã được áp dụng từ tháng 3-2020 và theo nhiều chuyên gia thì Úc khó có thể mở cửa biên giới cho đến cuối năm 2022 thậm chí đến năm 2023.
ĐĂNG KHOA
Theo: Cánh cò