Saturday, November 23, 2024

Biến chủng Delta xâm nhập thành trì chống dịch khắp thế giới

Biến chủng Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ tăng tốc lây lan trong cộng đồng tại nhiều nước, xâm nhập những lỗ hổng của chiến lược tiêm vaccine lẫn giãn cách xã hội.

Danh sách các quốc gia báo động về biến chủng nCoV Delta đã bổ sung thêm Australia vào cuối tuần qua. Chuỗi lây nhiễm liên quan đến biến chủng này tại New South Wales đang gia tăng đáng quan ngại. Dù số ca dương tính với biến chủng Delta ở Sydney đang dừng ở 21, cách thức virus lây lan đang khiến giới chuyên gia đặc biệt lo lắng.

Quan chức y tế ngày 20/6 xác nhận ca thứ 4 trong chuỗi nhiễm virus sau tiếp xúc rất ngắn với F0 tại trung tâm thương mại Westfield, thành phố Sydney. Camera an ninh ghi nhận hai người chạm mặt thoáng qua “chỉ vài giây” và cách nhau khoàng 10-60 cm. Ở ca thứ ba, bệnh nhân 70 tuổi nhiễm virus khi đang ngồi bên ngoài một quán cà phê, trong khi F0 đang ngồi phía trong quán.

Biến chủng Delta xâm nhập thành trì chống dịch khắp thế giới
Nhân viên y tế Nga trong khu điều trị Covid-19, Bệnh viện Thực hành Số 52 của thủ đô Moskva, ngày 17/6.

Hàng nghìn người thuộc diện tiếp xúc gần đã nhận khuyến cáo xét nghiệm cấp tốc. Brad Hazzard, lãnh đạo cơ quan y tế bang New South Wales, ngày 21/6 cảnh báo một người chỉ cần đi qua vùng không khí mà người nhiễm vừa thở ra là đã có rủi ro dương tính nCoV. “Virus đủ khả năng truyền nhiễm dù cá nhân lây bệnh và người khác tiếp xúc gần trong khoảng thời gian rất ngắn”, ông cho biết.

Eric Feigl-Ding, chuyên gia dịch tễ học tại Havard, nhận định biến chủng Delta đã trở thành mối đe dọa lớn nhất của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 và là “biến chủng lây nhanh nhất tính đến thời điểm này”. Biến chủng đã xuất hiện ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn nửa năm sau khi được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, thách thức nghiêm trọng hệ thống chống dịch ở mọi điểm bùng phát.

Sau ba tháng lây lan trong cộng đồng, biến chủng Delta được ước tính trung bình chiếm khoảng 99% số ca nhiễm mới tại Anh. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson buộc phải gia hạn thời gian giãn cách xã hội, tạm hoãn kế hoạch khôi phục trạng thái bình thường trên toàn quốc dù tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 trong toàn dân đã hơn 47,2%.

Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh (PHE) tuần qua công bố số ca nhiễm biến chủng Delta đã tăng 79% chỉ trong 7 ngày. Trong khi đó, số ca nhập viện tại Anh tăng gấp đôi sau thời gian dài liên tục giảm. Jenney Harries, lãnh đạo Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết số ca nhiễm nCoV tăng nhanh trên cả nước và Delta đã trở thành biến chủng áp đảo.

Số ca nhiễm mới tại thủ đô Moskva của Nga ngày 21/6 tiếp tục phá vỡ kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp. Các bệnh viện tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân nhiễm biến chủng từ Ấn Độ. Thị trưởng Sergei Sobyanin khẳng định biến chủng Delta chiếm gần 90% số ca nhiễm mới tại thành phố. Riêng trong ngày 20/6, Moskva có 9.120 ca nhiễm mới, tăng vọt so với mức trung bình chỉ hai tuần trước là khoảng 3.000 ca mỗi ngày.

Biến chủng Delta xâm nhập thành trì chống dịch khắp thế giới
Tướng John Frewen, lãnh đạo Nhóm chuyên trách Covid-19 Australia, ngày 21/6 thông báo điều chỉnh kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới.

Tại Mỹ, các quan chức y tế cảnh báo Delta đang tăng tốc lây lan tại nước này vì khả năng gây nhiễm cao hơn đáng kể. Theo dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) công bố, tỷ lệ nhiễm biến chủng Delta trên tổng số ca nhiễm mới tại Mỹ đã tăng gấp 3 lần trong chưa đầy một tháng, từ 2,7% vào ngày 22/5 lên 10% vào ngày 5/6. Các ca dương tính đã xuất hiện gần như tại mọi bang của Mỹ. Giám đốc CDC Rochelle Walensky lo ngại biến chủng từ Ấn Độ sớm trở thành biến chủng lây nhiễm chủ đạo, vượt biến chủng Alpha từ Anh.

Steve Edwards, CEO CoxHealth, hệ thống y tế tư nhân tại bang Missouri, cho biết số ca nhập viện vì Covid-19 trên toàn bang tăng gấp 6 lần vì biến chủng mới và tốc độ tiêm vaccine trì trệ ở địa phương. Điều khiến ông thêm quan ngại là diễn tiến bệnh của người nhiễm biến chủng Delta không giống như các ca nhiễm phổ biến trước đây.

“Chúng tôi không thể xác định vì sao bệnh nhân này bệnh nặng nhưng người khác lại tiến triển tốt hơn. Cách biến chủng này tác động lên hệ miễn dịch của bệnh nhân rất lạ”, ông chia sẻ.

Tốc độ lây lan của biến chủng mới khiến Bộ An ninh Nội địa Mỹ cuối tuần qua tuyên bố tiếp tục hạn chế qua lại đường bộ với Mexico và Canada. Thời hạn dỡ bỏ kiểm soát biên giới sớm nhất vào ngày 21/7. Quyết định được đưa ra giữa thời điểm biến chủng Delta lây lan ngày một nhanh ở nhiều địa phương Canada. Dữ liệu của chính quyền vùng Alberta cho thấy số ca dương tính với biến chủng trung bình tăng gấp đôi trong 6-12 ngày. Thủ tướng Justin Trudeau cũng tán thành không mở cửa cho đến khi hơn 75% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19.

“Biến chủng Delta nguy hiểm hơn đến tính mạng vì nó lây nhiễm giữa người với người hiệu quả hơn. Qua đó, nó sẽ tìm ra những cá nhân có nguy cơ cao, khiến họ bệnh nặng hơn, nhập viện và có nguy cơ tử vong cao”, Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định.

Các quan chức WHO cảnh báo Delta có năng lực, tốc độ và khả năng thích ứng cao nhất trong các biến chủng nCoV. “Nó đe dọa nhóm rủi ro cao với mức hiệu quả cao hơn những biến chủng trước. Người chưa tiêm vaccine sẽ chịu nguy cơ rất lớn”, Ryan cho biết.

Theo Ramon Lorenzo Redondo, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, trong trường hợp tốc độ lây lan của biến chủng Delta không được kiểm soát bằng chiến lược tiêm vaccine nhanh và phù hợp, thế giới khó tránh khỏi thảm kịch vì biến chủng mới và nguy hiểm hơn tiếp tục xuất hiện.

“Nếu chúng ta để tình trạng số ca nhiễm cao tiếp diễn ở các quốc gia chưa tiêm ngừa hoặc chưa được tiêm ngừa đầy đủ, thế giới sẽ bước vào vùng nguy hiểm”, Redondo nhận định.

(Theo CNBC/New Zealand Herald/Popular Science/CNN)

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG