Giáo sư Rogier van Doorn nhận định cách chống dịch của Việt Nam là “khó khăn nhất”, đồng thời phân tích các biện pháp chống dịch hiện tại và dự đoán tình hình trong thời gian tới.
Trả lời phỏng vấn của PV, giáo sư Rogier van Doorn, Giám đốc của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) tại Hà Nội, đã phân tích các loại xét nghiệm và các biện pháp mà Việt Nam đang sử dụng để chống dịch, qua đó làm rõ hơn chiến lược chống dịch đặc biệt của Việt Nam.
Ông cho rằng với cách tiếp cận hiện tại, Việt Nam cần loại xét nghiệm đáng tin cậy nhất có thể. Ông cũng nói về năng lực xét nghiệm của Việt Nam, và đưa ra giải pháp cho giả định dịch bệnh xấu nhất.
Tình hình dịch tại Việt Nam
– Ông đánh giá như thế nào về đợt bùng phát dịch lần này tại Việt Nam?
– Theo tôi, có hai điều đáng lưu tâm ở đây. Trước hết, Việt Nam đã có các cụm lây nhiễm bắt nguồn từ người đang thực hiện hoặc đã hoàn thành cách ly tập trung. Đây là điểm đáng lo ngại vì ta không biết vì sao những người này lại bị lây nhiễm.
Cho đến nay, hệ thống phòng dịch của Việt Nam vẫn đang hoạt động rất hiệu quả, nhưng có vẻ đã có sai sót ở một khâu nào đó, khiến mầm bệnh lây lan từ những người hoàn thành cách ly.
Dù số ca nhiễm mỗi ngày trong những ngày gần đây ở mức cao, điểm tốt là hầu hết ca nhiễm mới đều được phát hiện tại những khu vực đã được cách ly hay phong tỏa.
Vẫn còn một số lo lắng nhất định, khi đã xuất hiện một số ca nhiễm không rõ nguồn lây – điều đó chứng tỏ có sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Phần lớn các ca bệnh được phát hiện tại Bắc Giang và Bắc Ninh đều có liên hệ rõ với các ca trước, vì thế chúng ta hiểu rõ được dịch tễ học của các ổ bệnh và ca bệnh.
Ở TP.HCM, theo tôi được biết, đã có một số trường hợp mắc Covid-19 mà không rõ nguồn lây, đồng nghĩa với việc chưa tìm ra được sự lây nhiễm trong cộng đồng. Chúng ta cũng chưa biết được liệu còn bao nhiêu ca chưa được phát hiện.
Tôi tin Việt Nam đang xử lý tốt và kiểm soát được đợt dịch này như những gì ta đã thấy trong gần một năm rưỡi vừa qua.
– Đâu là nguyên nhân của đợt bùng phát dịch lần này?
– Đây là câu hỏi rất khó. Theo tôi, đợt bùng dịch này xuất phát từ những người trở về sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Chúng ta chưa lý giải được điều đó, vậy nên đó là một điểm đáng lo. Một nguồn lây khác là từ các bệnh viện, khi người bệnh trở về nhà, mang theo mầm bệnh và hình thành những cụm lây nhiễm nhỏ.
Vấn đề cần giải quyết hiện nay là những cụm lây nhiễm lớn trong các khu công nghiệp. Không có đủ thông tin về những khu công nghiệp này nên tôi không tiện đưa ra bình luận. Từ những số liệu được ghi nhận hàng ngày, rõ ràng các khu công nghiệp là nơi xuất phát chủ yếu của các ca nhiễm mới.
Có lẽ, các hoạt động sản xuất và kinh doanh vẫn tiếp diễn, vì nhiều người sẽ gặp khó khăn nếu phải đóng cửa, nên dịch bệnh vẫn có thể tiếp tục lây lan tại các khu công nghiệp.
Khác biệt trong trận chiến mới
– Điều gì đáng lo ngại nhất về các biến chủng của virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam?
– Điều khiến chúng ta lo lắng là nhiều biến thể của chủng SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm từ người sang người dễ dàng hơn.
Việt Nam xây dựng được một hệ thống nhằm kiểm soát những biến chủng thuộc thế hệ đầu. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét tính hiệu quả của hệ thống này trong trường hợp virus SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi.
Nhiều người nói rằng một số biến chủng dễ lây lan hơn, song chưa có biểu hiện rõ ràng nào cho thấy chúng gây bệnh nặng hơn.
Vấn đề này cần phải được theo dõi thêm, không chỉ trong Việt Nam mà còn cả ở quy mô quốc tế. Đó là lý do các nhà nghiên cứu virus và các nhà dịch tễ học vẫn đang trao đổi hàng tuần về số lượng và mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm.
– So với 100 ngày đầu, ông nghĩ đâu là điểm khác biệt lớn nhất ở lần này? Liệu có phải là các biến thể mới?
– Việc các biến chủng mới, với khả năng lây lan cao hơn, là sự khác biệt. Đó chính là một trong những yếu tố tạo nên con số các ca nhiễm (cao) hiện nay.
Một thực tế khác nữa là virus đã len lỏi vào các khu công nghiệp – nơi có rất nhiều người ở khoảng cách rất gần nhau, và không gian cũng không được thông thoáng.
Vậy nên khác biệt trong lần này có thể được lý giải ở hai điểm, một là khả năng lây lan cao hơn của virus, hai là virus đã xuất hiện ở những môi trường có nhiều cơ hội cho chúng lây lan.
“Vũ khí” của Việt Nam
– Đâu là biện pháp để cắt đứt chuỗi lây lan hiện tại? Nâng cao năng lực xét nghiệm có rất cần thiết không?
– Điều Việt Nam đang nhắm đến là hoàn toàn khống chế được đại dịch, thông qua dịch tễ học cơ bản. Các biện pháp xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng và cô lập những nơi có ca nhiễm đã đem lại hiệu quả rất tốt.
Muốn ngăn chặn hoàn toàn, việc xét nghiệm sẽ giúp ích, bởi biện pháp này sẽ cho biết người nào mang rủi ro và người nào không mang rủi ro. Việt Nam đã làm rất tốt trong việc mở rộng năng lực xét nghiệm ngay từ giai đoạn đầu. Nếu bạn nhìn vào số người đang được xét nghiệm mỗi ngày, bạn sẽ thấy con số đó cao đáng kinh ngạc.
Việc Việt Nam có cần mở rộng hơn nữa năng lực xét nghiệm hay không, tôi nghĩ năng lực xét nghiệm PCR lúc này vẫn mang lại hiệu quả tốt, cung cấp được thông tin chính xác, kịp thời để nhận biết người mắc bệnh đã khỏi bệnh chưa, và người tiếp xúc có nhiễm bệnh hay không.
Nếu có thể, cần có thêm nhiều trung tâm xét nghiệm hơn với thông lượng cao hơn khi cần thiết. Nhưng tôi không chắc liệu năng lực xét nghiệm có phải là vấn đề trong hiện tại.
Đối với những ổ dịch mới được phát hiện, tôi nghĩ rằng cần phải áp dụng các biện pháp cách ly và giãn cách sâu rộng hơn để kiểm soát đà lây lan. Việc chẩn đoán mọi trường hợp có dấu hiệu lây nhiễm, và xét nghiệm quy mô lớn những nhóm hoặc khu vực có rủi ro cao, cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều. Tôi tin rằng cả hai điều này đang được triển khai.
– Ông vừa nói về xét nghiệm PCR. Liệu còn loại xét nghiệm nào để xác định người nhiễm Covid-19 hay không, và chúng khác nhau ra sao?
– Giáo sư Rogier van Doorn: Loại xét nghiệm mà tôi quen thuộc, và tôi biết hiện có ở Việt Nam, là xét nghiệm PCR. Xét nghiệm này dựa trên việc phát hiện vật liệu di truyền của virus. Loại xét nghiệm này sử dụng mẫu bệnh phẩm từ mũi hoặc họng, và kết quả thường có sau khoảng vài giờ.
Đây là phương pháp xét nghiệm tuyệt vời vì cực kỳ chính xác. Phần lớn những người đã bị lây nhiễm, dù là có triệu chứng hay không, thì đều cho kết quả dương tính. Ngược lại, những người không có mầm bệnh gần như luôn luôn cho kết quả âm tính. Vì thế, đây là một loại xét nghiệm rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, xét nghiệm này hạn chế vì chi phí thực hiện khá cao.
Nếu muốn hoàn toàn không có virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, Việt Nam sẽ cần xét nghiệm hoàn hảo nhất (…)
Giáo sư Rogier van Doorn
Bên cạnh đó, nhiều người cũng đang nói về xét nghiệm nhanh bằng kháng nguyên. Loại xét nghiệm này không phát hiện vật liệu di truyền của virus, và chúng có độ nhạy kém hơn. Điều này có nghĩa là không phải mọi người mắc Covid-19 đều có kết quả dương tính, và trong một số trường hợp, xét nghiệm này lại cho kết quả dương tính trong khi đối tượng không hề mang virus.
Một loại xét nghiệm nữa là xét nghiệm kháng thể. Xét nghiệm này sẽ phát hiện phản ứng của của cơ thể với virus corona. Những người bệnh sẽ sản sinh ra kháng thể, song điều đó chỉ xảy ra một vài tuần sau khi họ mắc bệnh. Vì thế, đây không phải là một phương án hữu hiệu để giảm thiểu lây nhiễm.
“Tùy thuộc vào việc Việt Nam muốn gì”
– Theo ông, loại xét nghiệm nào là phù hợp nhất với Việt Nam?
– Điều đó còn phụ thuộc vào việc liệu Việt Nam muốn gì. Theo tôi, chiến lược của Việt Nam là ngăn chặn hoàn toàn đại dịch, là không để xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong trường hợp này, chúng ta cần dựa vào xét nghiệm có kết quả tin cậy gần như tuyệt đối, và loại xét nghiệm phù hợp, vì thế, sẽ là PCR.
Các phương pháp xét nghiệm nhanh sẽ hữu dụng nhất trong trường hợp của các nước châu Âu, Anh và Mỹ vài tháng trước, tức là trước khi việc tiêm vaccine bắt đầu. Khi đó, mục tiêu chính là đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải, và việc virus lây lan ở mức độ thấp vẫn chấp nhận được.
Các xét nghiệm nhanh, mặc dù không chính xác 100%, thì nó vẫn có thể cho biết khu vực nào đang có nhiều người bệnh nhất và có rủi ro cao nhất.
Tôi nghĩ Việt Nam đã chọn con đường khó khăn nhất. Mọi thứ vẫn đang diễn ra tốt đẹp, tuy nhiên có rất nhiều khó khăn.
Nếu muốn hoàn toàn không có virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, Việt Nam sẽ cần xét nghiệm hoàn hảo nhất, và PCR là phương pháp tốt nhất vì nó cho sự chắc chắn đối với các ca bệnh đơn lẻ.
Năng lực xét nghiệm không phải là vấn đề
– Nếu trường hợp tệ nhất xảy ra, nhiều người lo lắng rằng Việt Nam khó có đủ năng lực để thực hiện đủ số xét nghiệm PCR?
– Dựa trên số xét nghiệm PCR mà Việt Nam đang thực hiện mỗi ngày, tôi không nghĩ năng lực xét nghiệm sẽ là vấn đề.
Số ca mắc mới mỗi ngày tại Việt Nam trong giai đoạn này là khoảng vài trăm ca, và tính cả những người có tiếp xúc với họ, thì số xét nghiệm PCR được thực hiện mỗi ngày sẽ vào khoảng vài nghìn.
Nền tảng phản ứng của Việt Nam là chống dịch Covid-19 thông qua dịch tễ học, truy vết, và cách ly. Xét nghiệm PCR sẽ giúp thêm công tác chống dịch, song, nền tảng (của Việt Nam) vốn đã rất tốt.
Nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt thuốc thử hay thiếu nhân viên y tế để thực hiện xét nghiệm, thì nền tảng vẫn sẽ là như vậy, nếu chúng ta muốn kiểm soát hoàn toàn đại dịch. Các xét nghiệm khác có thể hữu dụng, song chúng không tốt bằng PCR.
Dựa trên những gì tôi biết, tôi nghĩ năng lực xét nghiệm PCR không phải là vấn đề. Xét nghiệm PCR đắt đỏ, và tốn rất nhiều công sức. Tuy nhiên, với số ca lớn như hiện nay, thì (Việt Nam) vẫn đang triển khai đủ số xét nghiệm. Kết quả có thể bị chậm trễ vài ngày, nhưng, cuối cùng thì đó là một kết quả chính xác và đáng tin cậy.
– Trên thế giới, liệu có điển hình nào mà Việt Nam có thể nghiên cứu và học hỏi?
– Khi mọi thứ bắt đầu vào cuối tháng 12/2019, tôi đã nhận thấy rằng Việt Nam xử lý vấn đề này rất khác so với đất nước của tôi và những quốc gia tôi biết. Mọi thứ được thực hiện ngay lập tức và rất nghiêm túc.
Ngày hôm sau, mọi người trong văn phòng đều bàn tán về dịch bệnh, trong khi không người nào khác mà tôi biết làm thế. Tôi thấy điều này rất thú vị.
Tôi nhớ rất rõ ở vào độ giữa tháng 3/2020, ai đó từ WHO đã nói rằng làm gì không quan trọng, việc bạn cần làm là phải khẩn trương. Nếu không khẩn trương, bạn sẽ thất bại (trước Covid-19). Sẽ là muộn màng nếu ngồi đợi bằng chứng hay sự thật rồi mới bắt tay vào hành động. Việt Nam đã làm được và tôi thấy thật ấn tượng.
Tôi đã ở Việt Nam suốt thời gian qua và không đến bất kỳ quốc gia nào khác kể từ khi đại dịch bùng phát. Vì vậy, nếu bạn hỏi về một nghiên cứu điển hình để Việt Nam học tập, tôi lại nghĩ các nước khác có rất nhiều điều cần học ở Việt Nam.
Và khi đại dịch chấm dứt, tôi rất muốn xem mọi việc sẽ diễn ra như thế nào. Các quốc gia khác sẽ hướng tới những mô hình đã thành công nào, và họ sẽ chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo như thế nào? Bởi lẽ đây chắc chắn không phải là cơn đại dịch cuối cùng.
– Ông dự đoán tình hình dịch bệnh tại Việt Nam trong vài tuần tới sẽ ra sao?
– Khi chứng kiến 4 cụm lây nhiễm trước, tôi đã rất lo lắng, nhưng tôi sau đó luôn được chứng minh mình đã sai. Ví dụ như đợt bùng phát ở Đà Nẵng và ở Hải Dương, dù nghiêm trọng, thì số ca mắc đều được kiểm soát sau đó. Lần này, vì virus có khả năng lây lan cao hơn, nên tôi nghĩ sẽ khó ngăn chặn hơn.
Tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt mọi thứ. Hy vọng chúng ta sẽ thấy số lượng ca nhiễm giảm xuống trong vài tuần hoặc vài ngày tới.
Quốc Tuệ
Theo: Cánh cò