Tuesday, November 26, 2024

Lạm bàn pháp luật của Việt Nam về quyền tự do biểu tình?

Quyền tự do hội họp, biểu tình là những quyền cơ bản của con người, được ghi trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được bảo đảm thực hiện trong thực tế. Tuy nhiên, những năm qua, lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội phức tạp, nhạy cảm, các nhà đấu tranh khoác áo “dân chủ, nhân quyền” triệt để lợi dụng quyền này để xuyên tạc, kích động người dân biểu tình, bạo loạn nhằm tập dượt “cách mạng màu” chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Pháp luật Việt Nam cũng tương đồng pháp luật quốc tế đều có những quy định điều chỉnh quyền này đảm bảo an ninh trật tự, không được để xâm hại đến an ninh quốc gia

Lạm bàn pháp luật của Việt Nam về quyền tự do biểu tình?

HIỂU ĐÚNG VỀ QUYỀN BIỂU TÌNH VÀ TỰ DO BIỂU TÌNH

Biểu tình là một trong những quyền cơ bản của công dân. Ở các nước, quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp, và đã được cụ thể hóa bằng văn bản luật. Ở Việt Nam, quyền biểu tình cũng được ghi nhận ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam – Hiến pháp năm 1946 cũng như Hiến pháp hiện hành – Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, trên diễn đàn khoa học pháp lý, quan niệm về biểu tình, quyền biểu tình của công dân vẫn là vấn đề còn có các ý kiến khác nhau. Cho dù cách thể hiện của các quan điểm trên về biểu tình có khác nhau, nhưng chúng đều có những điểm chung sau đây:

– Biểu tình là hành động bất bạo lực;

– Biểu tình có sự tham gia một số lượng người nhất định;

– Biểu tình nhằm thể hiện quan điểm của người tham gia biểu tình về một vấn đề nào đó.

Tuy nhiên, thực tế của những cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều nước cho thấy, lúc đầu có những dấu hiệu như định nghĩa trên chỉ ra, nhưng sau đó biểu tình diễn biến ở mức độ phức tạp hơn, không hẳn chỉ đơn thuần là hành động bất bạo lực. Có những cuộc biểu tình lúc đầu chỉ có vài chục, vài trăm người, sau đó thu hút hàng ngàn, chục ngàn người tham gia gây ra sự bất ổn về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong xã hội có Nhà nước, biểu tình là một hiện tượng khách quan. Biểu tình là một trong những hình thức để người dân thể hiện ý chí, phản ánh quan điểm và công khai gửi đến Nhà nước. Biểu tình là một trong số các quyền tự do dân chủ của công dân. Do vậy, bảo đảm quyền biểu tình cho công dân là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước cần ban hành pháp luật bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tự do dân chủ, đồng thời bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cho chính người dân. Biểu tình và quyền biểu tình là hai mặt của một vấn đề, chúng có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời nhưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Quyền biểu tình là hình thức bề ngoài, được thể hiện bằng những quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành. Biểu tình chính là nội dung của quyền biểu tình thông qua hoạt động biểu tình trên thực tế.

Khi nghiên cứu về biểu tình và quyền biểu tình, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải so sánh hoạt động biểu tình với những hoạt động tương tự như: “bạo động”, “bạo loạn”. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, “bạo động là hoạt động của một số đông người dùng bạo lực nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền”. Sự khác biệt giữa biểu tình với bạo động, bạo loạn thể hiện ở tính bạo lực. Bạo động và bạo loạn luôn luôn có kèm theo hành động bạo lực. Từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, hành động bạo lực là chủ đạo và xuyên suốt . Xét về mục đích, bạo động và bạo loạn nhằm gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hoặc lật đổ chính quyền. Trong khi đó, mục đích của người biểu tình không phải đi gây rối an ninh chính trị hoặc lật đổ chính quyền mà họ đòi hỏi quyền lợi cho mình, cho chủ thể khác hoặc cho toàn xã hội thông qua đấu tranh ôn hòa.

Biểu tình là quyền cơ bản của công dân. Thông qua biểu tình, công dân bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai và mạnh mẽ nhất đối với các chủ thể khác, yêu cầu các chủ thể đó, đặc biệt là đối với Nhà nước đáp ứng quyền lợi chính đáng của mình. Để công dân có khả năng thực hiện quyền biểu tình trên thực tế thì cần có những bảo đảm. Trong đó, bảo đảm pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhà nước cần tạo lập hành lang pháp lý cho công dân thực hiện quyền biểu tình thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật xác lập quyền biểu tình và các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền biểu tình của công dân.

PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ QUYỀN BIỂU TÌNH KHÔNG HỀ MÂU THUẪN VỚI PHÁP LUẬT QUỐC TẾ

Biểu tình là một trong những quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, khác với các quyền căn bản khác như quyền được sống, quyền tự do và an toàn thân thể, quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt… Quyền biểu tình được ẩn chứa trong quyền tự do hội họp.

Khoản 1 Điều 20 Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình”. Quy định này được tiếp tục khẳng định tại Điều 21 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966, tại Điều 11 Công ước châu Âu về Nhân quyền năm 1950. Mặc dù văn bản này không xác định cụ thể quyền biểu tình của cá nhân, nhưng bằng việc quy định mọi người có quyền tự do hội họp một cách hòa bình để bày tỏ quan điểm đã hàm chứa quyền biểu tình của cá nhân.

Trong khuôn khổ pháp luật quốc gia, Hiến pháp Mỹ là Hiến pháp thành văn đầu tiên của nhân loại ghi nhận quyền biểu tình của công dân. Tu chính án thứ nhất được Quốc hội Mỹ thông qua, có hiệu lực ngày 15/12/1791 bổ sung quyền “tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do họp hội, và kiến nghị”. Hiến pháp các nước sau chiến tranh thế giới thứ hai như Ba Lan, Canada, Nhật Bản, Pháp…, bên cạnh việc khẳng định quyền tự do hội họp, còn trực tiếp ghi nhận quyền biểu tình của công dân.

Ngày nay trên thế giới, trong xu thế mở rộng dân chủ, ngày càng có nhiều quốc gia công nhận quyền biểu tình không chỉ cho công dân của mình, mà cho cả người nước ngoài, người không quốc tịch.

Ở Việt Nam, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 31 quy định về thể thức tổ chức các cuộc biểu tình. Sắc lệnh quy định: “Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa, nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời cần phải xem xét kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao; Điều thứ 1: Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này; Điều thứ 2: Ông Bộ trưởng Nội vụ và các Uỷ ban nhân dân Bắc Trung Nam bộ chịu uỷ nhiệm thi hành sắc lệnh này”. Như vậy, Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký là văn bản pháp luật đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ thừa nhận công dân Việt Nam có quyền biểu tình, đồng thời xác định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm cho công dân thực hiện quyền biểu tình.

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hiến pháp năm 1946 không trực tiếp ghi nhận quyền biểu tình của công dân, mà thể hiện thông qua quyền tự do tổ chức hội họp. Điều 11 Hiến pháp quy định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Đến Hiến pháp năm 1959, quyền biểu tình chính thức được ghi nhận thành một quyền riêng bên cạnh quyền hội họp, lập hội. Điều 25 Hiến pháp quy định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”. Kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, năm 1992 và Hiến pháp hiện hành tiếp tục ghi nhận quyền biểu tình của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Trải qua hơn 50 năm từ khi quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp ghi nhận là quyền cơ bản, việc thực thi quyền biểu tình ở nước ta vẫn là vấn đề còn để ngỏ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên chủ yếu là cơ chế pháp lý thực thi quyền biểu tình không đầy đủ, thiếu đồng bộ. Hiện nay, những vấn đề liên quan đến quyền biểu tình được điều chỉnh bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 38/2005 ngày 18/3/2005 của Chính phủ Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; Thông tư số 09/2005 ngày 5/9/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005. Nội dung của Nghị định số 38 và Thông tư số 09 tuy không trực tiếp đề cập đến quyền biểu tình của công dân, nhưng các quy định về tập trung đông người ở nơi công cộng, thủ tục đăng ký tập trung đông người ở nơi công cộng, các biện pháp bảo đảm trật tự cộng cộng… cho thấy các văn bản này điều chỉnh một số quan hệ xã hội liên quan đến quyền biểu tình của công dân hoàn toàn phù hợp pháp luật quốc tế và không khác biệt so với nhiều quốc gia phương Tây khác.

KHÔNG ĐỂ LỢI DỤNG QUYỀN TỰ DO BIỂU TÌNH XÂM HẠI ANQG & TTATXH

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng quyền tự do hội họp để tập hợp người dân, nhất là số người có trình độ nhận thức thấp, có bức xúc, mâu thuẫn với chính quyền, bất mãn với chế độ… tham gia đình công, biểu tình nhằm xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT-TTATXH), chống phá Nhà nước, phá hoại sự ổn định của xã hội. Đối tượng cầm đầu lôi kéo, kích động quần chúng biểu tình là những cá nhân, tổ chức phản động, thù địch, số bất mãn, cơ hội chính trị… Lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội phức tạp, nhạy cảm liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật, các thế lực thù địch sử dụng nhiều thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc chính sách, pháp luật của Nhà nước; bóp méo, thổi phồng tính chất vụ việc; khống chế, lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết và lợi dụng hiệu ứng “tâm lý đám đông” để tập hợp, lôi kéo, kích động người dân tụ tập biểu tình, gây rối. Các cuộc hội họp, biểu tình không chỉ dừng lại ở việc phản đối hoặc gây áp lực với chính quyền mà khi có thời cơ sẽ tìm cách thực hiện “cách mạng màu”. Điển hình là vụ kích động, lôi kéo công nhân và người dân tham gia biểu tình ở Bình Dương năm 2014; và mới đây (năm 2018) lợi dụng việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và thảo luận Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, các đối tượng thù địch đã lôi kéo hàng nghìn người mang theo băng rôn, khẩu hiệu tụ tập, gây rối trật tự công cộng, đốt phá tài sản, tấn công lực lượng cảnh sát, cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANCT-TTATXH ở nhiều địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận… Sau khi các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng gây rối, giải tán người dân tham gia; bắt giữ, xử lý các đối tượng cầm đầu, chủ mưu, chúng đã “tát nước theo mưa” xuyên tạc rằng, việc xử lý những đối tượng này là đàn áp dã man những người “biểu tình yêu nước”, kêu gọi Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế can thiệp.

Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền của mọi người dân được bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai và mạnh mẽ nhất đối với các chủ thể khác mà đặc biệt là đối với Nhà nước. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do hội họp, biểu tình gây mất ổn định ANCT-TTATXH, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và công dân.

Nguồn: Diễn đàn Dân chủ

Theo: Hội Cờ đỏ

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG