Trong những năm gần đây, nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và không ít trang web trong và ngoài nước rêu rao rằng: ở Việt Nam “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”… Ủy Ban bảo vệ nhà báo (CPJ) vừa qua đã ra báo cáo nói rằng Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia kiểm duyệt bảo chí nhiều nhất. Người phát ngôn bộ ngoại giao nước ta khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật dựa trên những thông tin không chính xác, thiếu khách quan về tình hình Việt Nam trong báo cáo nói trên”
NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ
Trước hết cần khẳng định rằng, tự do báo chí là một biểu hiện cho tiến bộ, văn minh, là một yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đảng, Nhà nước Việt Nam nhận thức rất rõ vai trò quan trọng, thiết yếu của báo chí cũng như yêu cầu của tự do báo chí với ý nghĩa như một quyền không thể thiếu của con người, một động lực phát triển không thể thiếu của đất nước.
Trong chiến lược chống phá Việt Nam hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tập trung vào chống phá Đảng, chế độ và hệ tư tưởng. Một trong những âm mưu cơ bản, lâu dài của các thế lực thù địch là lợi dụng tự do báo chí, sử dụng báo chí làm phương tiện để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, xuyên tạc thông tin gây hoang mang dư luận, kích động, chia rẽ nội bộ, bôi nhọ làm giảm sút uy tín, niềm tin của Nhân dân vào Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây mất ổn định chính trị, ngăn cản sự phát triển, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Họ núp dưới chiêu bài “bảo vệ nhà báo”, “đấu tranh cho tự do báo chí”… để can thiệp vào công việc nội bộ của ta. Họ còn cố tình làm cho mọi người hiểu rằng tự do báo chí là một quyền tuyệt đối từ đó cổ xúy, thậm chí là hậu thuẫn cho các đối tượng bất mãn, các đối tượng chống đối lợi dụng quyền tự do báo chí để thực hiện các hoạt động chống phá. Vậy tự do báo chí được hiểu như thế nào? Tự do báo chí có phải là tự do vô hạn không?
Về khái niệm tự do báo chí, xin được khẳng định lại quan điểm của cộng đồng Quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966. Điều 19 quy định như sau:
“1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.
2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng.”
Điều 29, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Như vậy, trong quy định của pháp luật quốc tế, quyền tự do báo chí không phải là tự do tuyệt đối, tự do báo chí bị hạn chế bởi quy định là: không được vi phạm “quyền, uy tín cá nhân” (người khác); không được làm tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng. Khi thực hiện quyền này, con người phải chịu những hạn chế nhất định nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, nhà nước, của người dân.
VIỆT NAM THỰC HIỆN QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ NHƯ THẾ NÀO?
Ngay từ năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt nhóm những người An Nam yêu nước gửi đến Hội nghị Véc-xây bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, nêu lên 8 yêu sách, trong đó yêu sách thứ ba là “Tự do báo chí và tự do ngôn luận”2.Tự do báo chí được xác định rõ trong Cương lĩnh chính trị của Đảng, được quy định chặt chẽ, rõ ràng và ngày càng đầy đủ trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Ngay trong lời kêu gọi của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3 – 2 – 1930 đã nhấn mạnh một trong những mục đích hàng đầu của cuộc cách mạng mà Đảng chủ trương là “Đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân”3, quyền tự do được phát triển toàn diện, được bảo đảm quyền con người trong đó đương nhiên có quyền tự do báo chí. Việt Nam thừa nhận quyền tự do báo chí đã được quy định trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948)4, Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền dân sự, chính trị (1966)5, đồng thời căn cứ vào thực tiễn đất nước đã cụ thể hóa thành những quy định trong hệ thống luật pháp để mọi tổ chức và công dân thực hiện. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”6. Các bản Hiến pháp của Việt Nam từ trước đến nay đều có những quy định về tự do báo chí và khẳng định tự do báo chí là một quyền cơ bản của con người, của công dân. Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – tại Điều 10 quy định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Các bản Hiến pháp của nước ta sau đó (Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013) đều khẳng định và bổ sung nội hàm tự do báo chí; đồng thời, gắn quyền lợi và trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nhà báo. Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Để cụ thể và đảm bảo cho quyền được thông tin, tự do báo chí của mọi công dân được thực thi trong cuộc sống theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Báo chí năm 1989 (được sửa đổi, bổ sung năm 1999, năm 2016). Điều 10, Luật Báo chí năm 2016 đã cụ thể hóa quyền tự do báo chí của công dân thành 6 nội dung, bao gồm: “1. Sáng tạo tác phẩm báo chí; 2. Cung cấp thông tin cho báo chí; 3. Phản hồi thông tin trên báo chí; 4. Tiếp cận thông tin báo chí; 5. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; 6. In, phát hành báo in”. Điều 12 của Luật quy định: cơ quan báo chí phải đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh, tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích; trường hợp không đăng, phát phải trả lời, nêu rõ lý do khi có yêu cầu; trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. Điều 13, Luật Báo chí năm 2016 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: “1. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. 2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. 3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”. Chính phủ, các ban, bộ, ngành từ trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều quyết định, nghị định, thông tư, quy chế,… về định kỳ thông tin với Nhân dân và báo chí tình hình mọi mặt của đất nước, tạo hành lang pháp lý cho báo chí Việt Nam phát triển, người làm báo tự do tác nghiệp trong khuôn khổ pháp luật, hoà nhập với báo chí khu vực và trên thế giới. Những nội dung cụ thể về quyền tự do báo chí được xác lập trong hệ thống pháp luật, được bảo đảm thực thi trong đời sống, thể hiện tính chất dân chủ ưu việt của chế độ chính trị của Việt Nam, trong đó người dân chính là chủ nhân đích thực của đất nước, của chế độ. Đó cũng là sự khẳng định một trong những thành quả to lớn, quan trọng của cuộc cách mạng vĩ đại mà Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo – cuộc cách mạng vì độc lập của dân tộc, tự do của Nhân dân, xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn chứng minh với chủ trương, đường lối nhất quán, nhân văn của Đảng, hệ thống pháp luật chặt chẽ, mang tính khoa học, nền báo chí Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, chuyên nghiệp và đạt được những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí của người dân. Theo số liệu của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 11-2018, Việt Nam có một hệ thống báo chí phong phú, đa dạng, hiện đại, bao gồm: 844 cơ quan báo in với hơn 1.100 ấn phẩm định kỳ các loại, trong đó có 184 báo, 660 tạp chí; 24 cơ quan báo điện tử độc lập; 67 đài phát thanh, truyền hình đang duy trì hoạt động 278 kênh, trong đó phát thanh có 87 kênh, gồm 78 kênh phát sóng quảng bá, 9 kênh cung cấp dịch vụ trả tiền; truyền hình có 191 kênh, gồm 104 kênh truyền hình quảng bá và 87 kênh cung cấp dịch vụ trả tiền. Có 19.166 người được cấp thẻ nhà báo và 23.893 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện đang có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, trong đó có 17 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet. Đặc biệt, trong hệ thống truyền hình Việt Nam, người ta có thể thấy sự xuất hiện nhiều kênh truyền hình nổi tiếng của nhiều nước trên thế giới7. Trong xu thế ngày nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định phát triển nền báo chí với tinh thần hội nhập quốc tế. Sự hợp tác quốc tế của báo chí Việt Nam được triển khai trên tất cả các bình diện, trao đổi, chia sẻ thông tin, hợp tác sản xuất, trao đổi phóng viên tác nghiệp thực tế, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng người làm báo… với báo chí, truyền thông các nước trên thế giới. Nhà nước Việt Nam mở cửa đón nhận và tạo điều kiện thuận lợi nhất, an toàn nhất cho các nhà báo trên thế giới đến tác nghiệp tại Việt Nam. Chỉ riêng tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên diễn ra vào cuối tháng 2 – 2019 đã có gần 3.000 phóng viên của trên 200 hãng thông tấn, báo chí đến từ gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có mặt tại Hà Nội và nhiều địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam để tác nghiệp. Các cơ quan báo chí lớn của Việt Nam, như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam có cơ quan đại diện, thường trú tại tất cả các khu vực, các trung tâm thông tin lớn trên thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực phát triển về internet, với hệ thống hạ tầng ngày càng hiện đại, phát triển đến mọi vùng đất nước. Hệ thống truyền dẫn có dây (cáp), không dây (3G) có tốc độ tốt, đảm bảo cho người dùng, trong đó có hệ thống báo điện tử, trang thông tin điện tử cùng hàng vạn blog của cá nhân, cập nhật mọi thông tin, vấn đề về cuộc sống của người Việt Nam ở trong nước và định cư ở nước ngoài, cũng như những vấn đề thời sự trong khu vực và trên thế giới. Bất cứ người dân Việt Nam nào cũng có thể sử dụng các trang mạng xã hội để học tập, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, thể hiện chính kiến, giao lưu với bè bạn khắp thế giới. Theo số liệu được Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên bố tại cuộc hội thảo nhân ngày internet Việt Nam 5 – 12 – 2018, Việt Nam đã có trên 60% số người dân sử dụng internet và trở thành quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet. Đáng chú ý là thời gian sử dụng internet trung bình của người Việt Nam đạt đến khoảng gần 7 giờ mỗi ngày. Đây là minh chứng sinh động cho việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, tự do internet ở Việt Nam; đồng thời, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, vu cáo nhà nước Việt Nam vi phạm tự do báo chí, tự do internet.
Trên thực tế, báo chí Việt Nam là kênh thông tin, phản biện xã hội rộng rãi, công khai, dân chủ, nhanh và có hiệu quả đến với các cấp chính quyền và mọi tầng lớp Nhân dân. Nhiệm vụ của báo chí không chỉ là kênh thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin mọi mặt hoạt động của xã hội đến với Nhân dân mà báo chí còn là diễn đàn của Nhân dân, để Nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính kiến, tham gia phản biện, đề xuất ý kiến về những chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Nhân dân được trực tiếp tham gia quá trình xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua việc thảo luận, góp ý và bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình ở mọi phương diện, lĩnh vực trên báo chí. Đó là bức tranh cơ bản về quyền tự do báo chí của mọi công dân ở Việt Nam, là thực tế khách quan không thể bác bỏ.
CÓ TỰ DO BÁO CHÍ TUYỆT ĐỐI KHÔNG?
Bất chấp các thành tựu của Việt Nam, thời gian qua các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, quy chụp, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí của Việt Nam. Điển hình như: Báo cáo nhân quyền thế giới hàng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện EU; Báo cáo thường niên, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc tế; Báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), của tổ chức Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ)… mặc dù không thể không thừa nhận Việt Nam đã có “tiến bộ về dân chủ, nhân quyền”, nhưng vẫn xuyên tạc tình hình, vu cáo Nhà nước vi phạm “tự do báo chí”, “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; “đàn áp, bắt giữ trái phép các blogger”… Vậy thực chất của những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ tình hình tự do báo chí của nước ta là gì?
Trên thực tế, có thể khẳng định rằng, trong bất cứ chế độ chính trị – xã hội nào, không thể có “tự do báo chí tuyệt đối” như các thế lực thù địch phản động vẫn rêu rao mà các quốc gia đều có luật và điều khoản xử lý nghiêm khắc hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí. Ðiều 5, Hiến pháp Ðức quy định mọi người có quyền thể hiện ?quan điểm qua hình ảnh, lời nói, bài viết trên sách báo hay phát tán qua phát thanh, truyền hình. Tuy nhiên, Điều 18, Hiến pháp Ðức cũng nhấn mạnh: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước những quyền cơ bản. Việc tước quyền này và mức độ của nó được phán quyết bởi Tòa án Hiến pháp Liên bang”. Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của nước Pháp, tại Điều 11 cũng xác định: “Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”. Ở nước Mỹ, một quốc gia vốn được coi là “đất nước của tự do báo chí”, Điều 2358, Bộ luật Hình sự Mỹ đã nghiêm cấm: “In ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng gọi một số hãng truyền thông là “rác rưởi” vì sản xuất “tin tức giả”. Ngày 18/2/2017, ông Donald Trump đã tuyên bố: “Truyền thông tin tức giả (các đơn vị yếu kém NYTimes, @NBCNews, @ABC, @CBS, @CNN) không chỉ là kẻ thù của tôi, đó còn là kẻ thù của nước Mỹ!”. Những người làm truyền thông nếu như đưa những thông tin chống lại đất nước, chống lại chế độ, chống lại lợi ích hợp pháp thì họ trở thành kẻ thù và đương nhiên ở chế độ nào nhà cầm quyền cũng phải bảo vệ quyền lợi của đất nước và sẽ xử lý những vi phạm đó theo luật pháp.
Như mọi quốc gia trên thế giới, luật pháp Việt Nam cũng có những quy định hạn chế quyền tự do báo chí phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm tôn trọng các quyền hợp pháp và chính đáng, uy tín, danh dự của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn công cộng, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội. Tự do báo chí, là “quyền” nhưng phải đi liền với “trách nhiệm, nghĩa vụ” vì hòa bình và an ninh quốc gia, vì lợi ích dân tộc. Quyền lợi luôn gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm, mối quan hệ phổ biến này nhằm mục tiêu chính đáng và khách quan là bảo đảm cho tự do của mỗi người không làm mất đi hay ảnh hưởng tiêu cực đến tự do của người khác và của cộng đồng. Hiến pháp Việt Nam năm 2013, tại Điều 25 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Khái niệm “pháp luật quy định” ở đây bao gồm cả những hạn chế quyền. Cũng trong Hiến pháp năm 2013, Điều 14 quy định nội dung và nguyên tắc hạn chế quyền như sau:“1. Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Cùng với đó, những quy định trong Luật Báo chí của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận của công dân; về nghĩa vụ của cơ quan báo chí cũng hoàn toàn tương thích với các văn kiện quốc tế về Quyền con người.
Như vậy, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người. Song, thực hiện quyền đó ra sao lại phải căn cứ vào quy định của các điều ước quốc tế; truyền thống văn hóa, đạo đức, chế độ xã hội và hệ thống luật pháp của mỗi quốc gia. Điều này là tất yếu khách quan mà mỗi tổ chức và cá nhân ở bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam đều phải tuân thủ. Mọi hành vi lợi dụng quyền tự do báo chí xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức và lợi ích quốc gia, dân tộc là vi phạm pháp luật và nhất thiết phải bị nghiêm trị. Có như vậy, quyền tự do báo chí mới được sử dụng một cách thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa tích cực với xã hội.
Nguồn: Diễn đàn Dân chủ
Theo: Hội Cờ đỏ