Tầng lõi tên lửa Trường Chinh 5B rơi từ quỹ đạo. Ảnh: Gianluca Masi.
Theo dự kiến, tầng lõi của tên lửa Trường Chinh 5B sẽ rơi qua khí quyển Trái Đất vào ngày 8/5 dù các chuyên gia chưa thể tính chính xác thời điểm hoặc vị trí rơi. Họ chỉ có thể đưa ra những dự đoán như vậy vài giờ trước quá trình va chạm do lực hãm khí quyển thay đổi đáng kể theo hoạt động của Mặt Trời.
Nhiều khả năng mảnh vỡ nặng 21 tấn sẽ vỡ ở tầng cao của khí quyển và cháy rụi phần lớn. Những mảnh còn sót lại sẽ rơi xuống khu vực không người ở, bởi 70% bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi đại dương. Nhưng giới chuyên gia không thể chắc chắn.
Nhà vật lý thiên văn người Italy Gianluca Masi, người điều hành Dự án Kính viễn vọng Ảo, chụp bức ảnh phơi sáng 0,5 giây của mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc bằng kính viễn vọng tự động Paramount 43 cm.
“Ở thời điểm chụp ảnh, tầng lõi tên lửa cách kính viễn vọng khoảng 700 km, trong khi Mặt Trời chỉ dưới đường chân trời vài độ, vì vậy bầu trời đặc biệt sáng. Điều kiện như vậy khiến việc chụp ảnh vô cùng khó khăn, nhưng kính viễn vọng tự động của chúng tôi đã chụp thành công mảnh vỡ khổng lồ”, Masi chia sẻ.
Tên lửa Trường Chinh 5B được sử dụng để để phóng module của trạm vũ trụ mới hình chữ T của Trung Quốc lên quỹ đạo hôm 28/4. Trung Quốc hy vọng có thể hoàn thành lắp ráp trạm Thiên Hà vào năm 2022. Nước này sẽ cần tiến hành thêm 10 lần phóng nữa để xây dựng trạm.
Lực lượng Vũ trụ Mỹ cập nhật thông tin về tầng lõi tên lửa Trường Chinh 5B từ hôm 4/5 theo hệ thống dữ liệu theo dõi. Thư ký báo chí Jen Psaki của Nhà Trắng cho biết nếu mảnh vỡ gây thiệt hại trong nước, Nhà Trắng sẽ hội ý với Lực lượng Vũ trụ và Bộ Quốc phòng.
An Khang
Theo: Cánh cò