Các tàu cứu hộ của Singapore, Malaysia đã lên đường nhưng chỉ tới Bali sau ngày 24-4. Vấn đề là lượng oxy trên tàu ngầm mất tích của Indonesia ước tính chỉ còn đủ đến 3h sáng 24-4. Mọi hi vọng đang dồn về Ấn Độ.
“Tôi đã yêu cầu hải quân huy động tàu lặn cứu hộ nước sâu (DSRV) để hỗ trợ Indonesia”, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thông báo trên Twitter ngày 22-4.
Khẳng định New Delhi sẽ “hỗ trợ toàn lực” Jakarta, ông Singh xác nhận đã yêu cầu không quân Ấn Độ “nghiên cứu khả năng chuyển hệ thống DSRV đến Indonesia bằng máy bay vận tải”.
Theo tạp chí quốc phòng Janes, Ấn Độ đang vận hành tàu lặn cứu hộ nước sâu DSAR-650L có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 650m.
Với kích thước chỉ dài hơn 10m và nặng dưới 28 tấn, DSAR-650L hoàn toàn có thể được chở bằng máy bay IL76 hoặc C17 mà không quân Ấn Độ đang có.
Theo trang USNI News, hiện vẫn chưa rõ DSAR-650L của Ấn Độ được chuyển đến Indonesia khi nào. Một hệ thống giải cứu tàu ngầm còn nhiều thiết bị khác như buồng giảm áp suất, hệ thống triển khai và thu hồi DSRV… nên sẽ cần thời gian chuẩn bị.
Tàu ngầm KRI Nanggala của Indonesia mất tín hiệu hoàn toàn lúc 4h30 sáng 21-4 khi đang tham gia một cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển Bali.
Trong cuộc họp báo ngày 22-4, tham mưu trưởng hải quân Indonesia Yudo Margono thông báo các tàu tìm kiếm của Indonesia đã phát hiện “một vật có từ tính cao” đang trôi nổi ở độ sâu từ 50 đến 100m.
Thông tin của ông Margono làm dấy lên hi vọng “vật thể không xác định” kia là tàu ngầm mất tích. Tuy nhiên, kể cả khi đã biết chắc đó là tàu KRI Nanggala, hải quân Indonesia cũng không thể cứu người ngay lập tức vì không có phương tiện lặn cứu hộ chuyên dụng.
Tàu cứu hộ MV Swift của Singapore, với phương tiện lặn DSAR6, đủ khả năng giải cứu 53 người bị mắc kẹt. Vấn đề là dù MV Swift đã lên đường từ chiều 21-4, con tàu sẽ không thể tới địa điểm tìm kiếm trước ngày 24-4, theo trang USNI News.
Tàu cứu hộ MV Mega Bakti của Malaysia cũng gặp tình cảnh tương tự. Theo USNI News, MV Mega Bakti dự kiến có mặt ngoài khơi Bali lúc 15h ngày 25-4. MV Besant và MV Stoker, hai tàu cứu hộ hiện đại của Úc, lại đang ở quá xa địa điểm xảy ra tai nạn.
“Dưỡng khí trên tàu chỉ đủ dùng trong vòng 72 tiếng. Hi vọng chúng tôi sẽ tìm thấy tàu ngầm trước khi hết thời gian”, đô đốc Margono lo lắng.
Chuyên gia giải cứu tàu ngầm Frank Owen lo ngại lượng oxy có thể cạn kiệt nhanh hơn dự kiến. Theo ông Owen, tàu ngầm thường mang theo những thiết bị chuyên dụng có thể tạo ra dưỡng khí trong trường hợp bị mắc kẹt. Ví dụ có những loại nến hóa học tạo ra oxy khi đốt, một số thiết bị lọc và hút khí CO2,…
“Vấn đề là con tàu chỉ được thiết kế cho 34 người nhưng chúng ta đang có tới 53 người trên đó. Điều đó nghĩa là hệ thống hỗ trợ sự sống khẩn cấp trên tàu đang hoạt động vượt quá 55% công suất thiết kế”, ông Owen lập luận với báo South China Morning Post.
Chỉ huy hạm đội tàu ngầm Indonesia đang trên tàu mất tích
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức quân đội Indonesia tiết lộ trong số những người đang có mặt trên tàu ngầm KRI Nanggala có đại tá Harry Setiawan, chỉ huy hạm đội tàu ngầm Indonesia. Ông Setiawan từng là chỉ huy tàu KRI Nanggala giai đoạn 2014-2015.
Không ai biết điều gì đã và đang xảy ra với tàu KRI Nanggala cùng những người trên đó. Nhưng dù có chuyện gì, hãy “vững vàng đến cùng” như chính châm ngôn của tàu, thủy thủ đoàn KRI Nanggala!
DUY LINH
Theo: Cánh cò