Thương hiệu thời trang giá rẻ Hennes & Mauritz AB (H&M) của Thụy Điển đang gặp tình thế “tiến thoái lưỡng nan” ở châu Á.
Gần đây, H&M đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội ở Trung Quốc về quyết định của công ty không sử dụng bông có nguồn gốc từ vùng Tân Cương và được cho là được sản xuất bởi lao động cưỡng bức bao gồm các nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Kết quả là, thương hiệu H&M đã bị xóa khỏi các trang thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc và các vị trí cửa hàng của họ đã biến mất khỏi một số bản đồ kỹ thuật số trong một động thái được coi là trả đũa từ phía Bắc Kinh.
Chưa hết, sau đó các nhà chức trách chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu H&M thay đổi một bản đồ trên trang web của mình. ABC News đưa tin rằng chính quyền thành phố Thượng Hải đã yêu cầu H&M sửa một “bản đồ có vấn đề về Trung Quốc”.
“Bản đồ có vấn đề về Trung Quốc” ở đây được cho là “sai sót trong cách mô tả Đài Loan và các khu vực nhạy cảm khác như là biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ và các khu vực tranh chấp trên biển Đông”. Tất nhiên, theo phía chính quyền Bắc Kinh thì bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò” trên Biển Đông thì mới chính xác theo cách nghĩ của họ.
Tờ Wall Street Journal trích dẫn thông báo của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc chi nhánh Thượng Hải cho biết, nhà điều hành trang web của H&M đã thực hiện các hành động để giải quyết vấn đề này.
Tất cả điều này đang cho thấy, nỗ lực hết mình của H&M để lấy lại niềm tin và sự tin tưởng của khách hàng, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh Trung Quốc mà bất kể đến sự thật và cảm giác của những nước khác khi đối mặt với những hành động của họ.
Rõ ràng, sau một loạt các động thái dằn mặt từ chính quyền cho đến người dùng Trung Quốc, H&M bắt buộc phải xoa dịu Bắc Kinh bằng một tuyên bố riêng: “Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi”.
Theo thống kê từ Statista, tập đoàn H&M đã liên tục phát triển trong những năm gần đây và có tổng cộng 5.076 cửa hàng trên toàn thế giới vào năm 2019. Ba quốc gia có số lượng cửa hàng cao nhất là Mỹ, Trung Quốc và Đức. Các cửa hàng vật lý của H&M có mặt trên 71 thị trường, trong khi hoạt động kinh doanh trực tuyến của họ được thành lập tại hơn 47 quốc gia. Tổng doanh thu trên toàn thế giới của H&M đạt mức 24,3 tỷ USD vào năm 2019 và lợi nhuận đạt 1,8 tỷ USD.
Tại Trung Quốc, H&M có doanh số đạt hơn 1,13 tỷ USD trong năm 2020, nơi có gần 10% các cửa hàng. Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn thứ ba của H&M trước khi diễn ra cuộc tẩy chay. Mặc dù công ty chưa công bố các số liệu về tác động tài chính của cuộc tẩy chay nhưng cũng lưu ý rằng họ đã có mặt tại quốc gia này hơn 30 năm.
Còn tại thị trường Việt Nam, H&M mở cửa hàng đầu tiên tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) vào tháng 9 năm 2017 và nhanh chóng có bước phát triển mạnh mẽ tại đây.
Năm 2017 họ đạt doanh thu 227 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 152 tỷ đồng tương đương biên lợi nhuận gộp lên tới 67%. Năm 2018 doanh thu H&M tăng gấp 3 lần, lên 763 tỷ đồng và năm 2019 tăng tiếp lên 1.116 tỷ đồng trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định ở mức 65-66%.
Việt Nam là thị trường thứ 68 trên toàn cầu và là thị trường thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á của H&M. Không giống với các thương hiệu thời trang khác thường gia nhập thị trường bằng hình thức nhượng quyền, H&M thành lập công ty tại Việt Nam và hoạt động như một chi nhánh với đội ngũ quản lý, nhân sự riêng. Cho đến hiện tại, H&M có 12 cửa hàng tại Việt Nam.
Nếu để so sánh, một thị trường đứng thứ 3 thế giới với gần 500 cửa hàng và một thị trường nhỏ bé chỉ với 12 cửa hàng, H&M có lẽ đang tìm kiếm sự cân nhắc thiệt hơn. Tuy nhiên, cái cách mà H&M đang làm tất cả những gì có thể để quản lý những thách thức mà họ phải đối mặt tại Trung Quốc, có thể sẽ gây ra một động thái tương tự tại Việt Nam.
Tại một số hội nhóm trên mạng xã hội, đông đảo người dùng Việt Nam đã kêu gọi chia sẻ bài viết phản đối bằng các hashtag #hmgetoutofvietnam, #taychayHM, #HoangSaTruongSabelongtoVietNam trên Facebook, Twitter và instagram…
Trên trang fanpage chính thức của hãng thời trang H&M, nhiều người tiêu dùng đã kêu gọi mọi người Việt Nam đoàn kết và tẩy chay nhãn hiệu thời trang Thụy Điển. Tất cả các bài đăng của H&M đều nhận được hàng chục nghìn ý kiến phẫn nộ, yêu cầu thương hiệu thời trang Thụy Điển tôn trọng sự thật, tôn trọng luật pháp quốc tế. Nếu trong thời gian tới, H&M không có những hành động hợp lý với các vấn đề trấn an dư luận tại Việt Nam, rất có thể họ sẽ đánh mất một thị trường đang ngày một phát triển.
Nguyễn Chuẩn
Theo: Cánh cò